Chèo kéo làm mất điểm du lịch VN |
Những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc khách du lịch vào VN có khi chỉ xài 5-7USD/ngày, mua chai nước, bánh mì… nhận được sựa quan tâm, chia sẻ của nhiều người.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc khách du lịch chi tiêu quá ít khi vào VN?
Làm thế nào để xã hội hóa việc phát triển du lịch theo đúng tiềm năng hiện có và đưa ngành công nghiệp không khói này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thực thụ?
Tiêu xài ít vì… không có gì để xài?
Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên một công ty du lịch đánh giá mức tiêu xài của khách du lịch vào VN là quá ít so với các các nước khác trong cùng thời gian lưu trú.
Theo ông Mỹ, vấn đề cốt lõi vẫn là không có nhiều lựa chọn để du khách tiêu tiền của mình khi tình hình an toàn thực phẩm đáng lo ngại, hàng tiêu dùng, hàng lưu niệm thiếu đa dạng, thiếu bản sắc Việt, có sự chen chân của hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, những quy định như cấm mở cửa quán bar quá 12g cũng hạn chế việc vui chơi, giải trí và tiêu xài của khách nước ngoài.
ThS Nguyễn Đức Tân, giảng viên của một trường du lịch cho biết từng luồng khách có mức tiêu xài khác nhau tại Việt Nam. Chẳng hạn với khách Nga, Trung Quốc đến Khánh Hòa thường họ tiêu xài nhiều vào vấn đề ăn uống, mua sắm, thời gian lưu trú cũng dài hơn. Đây là nguồn thu tốt để địa phương phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, dòng khách châu Âu và một số dòng khách khác lại thường chọn hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá những địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh, đi vào tìm hiểu đời sống, phong tục của người dân địa phương… Những dòng khách này không cầu kỳ về ăn uống, chỗ nghỉ nên mức tiêu xài cũng không cao.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, cần có những thống kê khoa học, chi tiết về lượng khách đến, ở bao nhiêu ngày, tiêu xài bao nhiêu tiền, xài vào những việc gì (mua sắm, ăn uống gì, ở đâu, dùng dịch vụ nào…). Có thống kê cụ thể cộng với việc khắc phục điểm yếu “không biết xài tiền vào đâu” thì mới nâng cao được mức tiêu xài của khách du lịch nước ngoài vào VN.
Xã hội hóa du lịch: Còn nhiều bó buộc
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, vấn đề xã hội hóa du lịch đã được đề cập từ rất lâu nhưng “bất cứ biện pháp nào hiện nay cũng khó đạt đến thành công nếu vẫn giữ tư duy quản lý cũ”.
Các chuyên gia cho rằng việc xã hội hóa chỉ thật sự hiệu quả khi có những chính sách cởi mở hơn để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ngành công nghiệp không khói này.
"Thời gian qua, Chính phủ và các ban ngành cũng đã yêu cầu xã hội hóa du lịch nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều chính sách bó buộc, chưa thông thoáng, thiếu linh hoạt gây ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp" - một chuyên gia nói.
Người dân hiến kế
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự trăn trở về vấn đề nâng cao chất lượng ngành du lịch của VN và quan tâm các biện pháp thiết thực để khắc phục.
Bạn Nguyễn Tự Cường gợi ý nên phái triển tập trung vào dịch vụ.
“Nếu phát triển tốt dịch vụ thì chỉ cần thu 10% thuế GTGT cũng rất đáng kể. Kế đến là hàng trăm ngàn lao động có việc làm ổn định. Tuy nhiên, muốn dịch vụ du lịch phát triển thì chính sách phải minh bạch, thông thoáng, phải lấy bán hàng làm then chốt. Mà muốn bán được nhiều hàng thì chất lượng phải tốt, giá phải rẻ mới cạnh tranh được”, bạn đọc chia sẻ.
Một vấn đề khác được nhiều người đề cập là nạn chặt chém, việc này không chỉ làm mất hình ảnh thân thiện của du lịch VN mà còn làm du khách chần chừ, e ngại hơn khi rút ví tiêu xài.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh cho du khách cũng cần được quan tâm nhiều hơn để người nước ngoài đến VN cảm thấy sự an toàn, tin tưởng, không lo sợ cướp giật, lừa đảo…
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10-2016 ước đạt 812.017 lượt, giảm 0,1% so với tháng 9-2016 và tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 10 tháng năm 2016 ước đạt 8.077.397 lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, đông nhất là khách Trung Quốc, kế đến là Hàn Quốc. Khách từ Nhật, Nga, Mỹ... xếp ở các vị trí tiếp theo. |
Một đoàn khách du lịch là các giáo viên, nhân viên tại hai trường mầm non ở Hà Nội đi tham quan du lịch tại Hội An đã phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.. Ảnh: Đoàn Cường |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận