16/04/2015 16:59 GMT+7

Về xứ Đoài thương nhớ đá ong 

HẢI DƯƠNG
HẢI DƯƠNG

TTO - Trên tấm bản đồ địa giới hành chính, cái tên Hà Tây đã biến mất 7 năm nay, nhưng xứ Đoài với những nét văn hóa truyền thống sẽ còn mãi với thời gian. 

 

Phần nền móng chùa Tây Phương được xây bằng đá ong - Ảnh: V.N.A.

Đã bao lần lang thang về mảnh đất cửa ngõ thủ đô và lần nào tôi cũng bị hút hồn bởi những nét đẹp đơn sơ, mộc mạc của đất, của người nơi ấy. Để rồi lúc rời xa lòng mình lại thấy nhớ, thấy thương và chỉ muốn quay lại ngay khi có thể.

1. Từ khi Hà Tây được sáp nhập vào thủ đô Hà Nội (2008), tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt với mảnh đất này. Những con đường to, đẹp như đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32 mở rộng cùng vô vàn khu đô thị mới, chung cư, biệt thự đã làm thay đổi rất nhiều bộ mặt vùng đất xứ Đoài. Nhưng có lẽ chẳng gì thay đổi được hồn đất và hồn người xứ Đoài xưa cũ.

Nếu lao vút đi trên đại lộ Thăng Long có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra đâu là một xứ Đoài đầy trầm tích văn hóa cổ xưa. Cho đến một ngày bình yên, bỏ một ngày để rẽ theo triền đê dòng Tích Giang hiền hòa, hồn quê xưa ấy đã trở về.

Những người phụ nữ mò cua bắt ốc trên dòng Tích Giang uốn lượn qua vùng đất đá ong Thạch Thất - Ảnh: Hải Dương

Một bức tường đá ong rêu phong đã ngả màu thời gian, và chẳng biết từ bao giờ cây đa cổ thụ đã mọc ngay lên đoạn tường này - Ảnh: Hải Dương

Dòng Tích Giang nhỏ nhắn với bờ đê, gốc đa, mái đình uốn lượn qua địa phận huyện Thạch Thất như dấu tích của ngày xưa còn hiện hữu. Nhiều người cho rằng Thạch Thất như một vùng đất mang hồn xứ Đoài sâu sắc, đậm đặc nhất.

Tại sao lại vậy? Tôi đã tự đi tìm câu trả lời cho điều đó.

2. Đi đâu trên những con đường làng, bờ đê, xóm nhỏ ở Thạch Thất tôi cũng gặp hình bóng đá ong. Đá ong có ở dưới lòng đất bất kỳ chỗ nào tại miền đất này và người dân bao đời nay đã lấy đá ong làm nguyên liệu chính để xây nhà, đắp tường vây, làm cổng, làm giếng…

Thậm chí nhiều người đã căn dặn con cháu phải xây mộ bằng đá ong cho mình khi mất.

Ngôi chùa Tây Phương nổi tiếng của vùng Thạch Thất phần nền móng cũng được xây bằng chính đá ong. Không chỉ Tây Phương mà hầu hết đình, chùa ở Thạch Thất đều có cấu trúc từ vật liệu đá ong. Nhiều làng ở xã Bình Yên, Thạch Thất còn phát triển nghề làm đá ong.

Hình ảnh này chỉ có ở vùng Thạch Thất - xứ Đoài mà thôi - Ảnh: Hải Dương

Thanh niên, phụ nữ có thể kiếm sống bằng nghề chặt, cắt đá ong. Bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, nhiều xưởng đẽo đá ong đã cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Tác phẩm đá ong của các nghệ nhân Thạch Thất nhiều năm nay được các đình chùa ở Việt Nam đặt hàng và còn mang đi trưng bày ở nhiều triển lãm.

Không bị những vật liệu của thời đại lấn át, người Thạch Thất vẫn giữ đá ong ở vị trí độc tôn trong kiến trúc xây dựng của mình. Không bảo thủ mà đơn giản bởi họ muốn giữ cái hồn cốt truyền thống của xứ Đoài và khẳng định giá trị, độ bền đẹp của đá ong.

Không phải đổ bêtông, xây nhiều tầng, chỉ cần xây căn nhà cấp bốn với tường, móng đá ong, mái lợp ngói là đã mát vào mùa hè mà lại ấm áp khi đông sang. Chính vì thế, nhiều người khi cuộc sống phú quý, đầy đủ vẫn xây ngôi nhà bằng đá ong và nhiều ngôi nhà ở xã Bình Yên, Cần Kiệm có giá lên đến cả tỉ đồng.

Ở vùng Cần Kiệm còn có cả những nhà thơ nông dân đã từng sáng tác nhiều bài ca ngợi về vẻ đẹp đá ong của quê mình.

3. Đá ong miền quê Thạch Thất luôn hòa quyện với hình bóng của những con người cần cù, chịu khó sớm hôm. Đó là bóng các mẹ, các cô cứ lặng lẽ tần tảo sớm hôm mò cua, bắt ốc trên dòng Tích Giang. Đó là hình ảnh người phụ nữ buôn thúng, bán mẹt với chiếc xe đạp cà tàng, đầu đội nón mê trong phiên chợ Nủa hôm nào.

Hay hình ảnh các bà, các mẹ áo nâu sồng, tay cầm chiếc nón, đầu vấn khăn đen í ới nhau đi bên những con ngõ toàn đá ong dự hội làng cũng là một hình ảnh không thể nào quên. Những hình ảnh quá đỗi thân quen ấy cứ lặp đi lặp lại trong vô số lần tôi quẩn quanh ở nơi này.

Những chiếc cổng mới được xây dựng bằng đá ong ở Thạch Thất - Ảnh: Hải Dương
Đá ong đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật đa dạng - Ảnh: Hải Dương

Từ khi mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, tôi đã quen nhiều người bạn Thạch Thất. Chất giọng khàn khàn lơ lớ vô cùng đặc biệt của con người nơi đây cũng chẳng thể nào lẫn được. Mới gặp gỡ thì quả thực khó nghe, nhưng càng nghe càng cảm thấy vào tai, vong vọng ấm lòng.

Chất giọng ấy nhiều người Thạch Thất ví đùa với tôi rằng nó cũng như khi ta uống chén nước chè sẽ thấy ngay vị đắng, nhưng càng nhâm nhi đến khi chè đã ngấm thì lại thấy ngọt, thấy bùi…

Mai đây rồi cái gì mất vẫn chưa biết, nhưng hồn đá ong, chất giọng Thạch Thất đặc biệt sẽ còn mãi với thời gian. Cũng như bao bậc đá ong dẫn ta lên mái chùa Tây Phương cổ kính đã trải qua hàng trăm năm giờ vẫn trơ gan thầm lặng như thách thức cả thời gian...  

HẢI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hà Tây Xứ Đoài