14/04/2017 08:50 GMT+7

TP.HCM tìm cách hút 7 triệu khách quốc tế

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Muốn thu hút thêm khách du lịch và kéo dài thời gian khách lưu trú tại TP, TP.HCM cần phải có những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc. Muốn vậy cần phải dày công đầu tư và cần sự đồng lòng từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý.

Du khách tham quan một bảo tàng tại TP.HCM -
 Ảnh: TỰ TRUNG
Du khách tham quan một bảo tàng tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đó là ý kiến đọng lại sau hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp du lịch năm 2017 do UBND TP.HCM tổ chức chiều 13-4.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, quý 1-2017 lượng khách quốc tế đến TP.HCM đã hơn 1,5 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái (cả năm 2016 TP.HCM thu hút 5,2 triệu lượt khách quốc tế). Tuy nhiên, ông Vũ nhận định để đạt chỉ tiêu 7 triệu khách quốc tế thì TP.HCM cần phải đảm bảo mỗi quý tăng hơn 20%.

Muốn giữ khách ở 3 ngày sao khó quá

Chia sẻ tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn băn khoăn cho rằng trong thời gian dài, mục tiêu kéo dài khách lưu trú tại TP.HCM vẫn còn loay hoay.

Bà Nguyễn Thị Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, nêu thực tế muốn biết mức độ hấp dẫn điểm đến thì tính độ dài ngày lưu trú. Nhưng đến nay TP.HCM cứ loay hoay, doanh nghiệp mong muốn khách ở được ba ngày thôi cũng không được, không ít khách ở một ngày đã muốn đi.

Theo bà Khánh, trong phát triển du lịch, TP.HCM cần có sản phẩm ưu tiên và tập trung vào đó. Nếu xác định du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) là sản phẩm mũi nhọn thì cần phải đánh giá lại xem hạ tầng, năng lực nhân sự có đáp ứng được hay chưa.

“Gần đây, một doanh nghiệp hỏi tôi về việc tổ chức một đoàn khách du lịch MICE lên đến 3.000 người vào năm 2019. Tôi khuyên cần suy nghĩ kỹ vì sẽ rất phức tạp, cần có ngàn tỉ việc, rất nhiều thủ tục, giấy phép. Năng lực của một doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM chỉ cho phép đáp ứng khoảng 800 khách một lúc, phải gối đầu thì mới hi vọng làm được” - bà Khánh nói.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM, ngay cả sản phẩm đường thủy nội ô mà TP.HCM đang tự hào và tập trung quảng bá cũng chưa thực sự hấp dẫn. Cần phân rõ vai trò của từng đơn vị, tách bạch phần nào Nhà nước đầu tư, phần nào của doanh nghiệp thì mới có sản phẩm hấp dẫn.

Cung cấp những gì mình có hay khách cần?

Hoạt động gắn bó trong lĩnh vực du lịch lâu năm, ông Tào Văn Nghệ - chủ tịch Hội Khách sạn TP.HCM - cho rằng từ lâu các doanh nghiệp đã mong muốn TP.HCM ưu tiên cho du lịch MICE, nhưng rõ ràng để tổ chức một đoàn khách du lịch MICE với số lượng từ 1.000 khách trở lên không hề dễ dàng, trong khi đây là loại hình du lịch sẵn sàng chi tiêu phóng khoáng, mua sắm, tham quan rộng rãi.

Ngoài số phòng khách sạn 5 sao cần có còn kèm theo nhiều công tác hậu cần khác... Cần chọn một sản phẩm du lịch TP.HCM có thể đẩy nhanh sự phát triển của du lịch TP, nếu không cứ loay hoay hiện nay sẽ rất khó.

Ông Trần Văn Long, tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cũng cho rằng cách phát triển của du lịch TP.HCM hiện nay theo kiểu cung cấp những gì mình có mà chưa quan tâm đến những gì khách cần.

“Chúng ta nên mời các chuyên gia nước ngoài đến tư vấn, ví dụ khách châu Âu thích gì, châu Á thích gì, sau đó xem lại mình có gì để chuyên gia góp ý” - ông Long đề xuất.

“Ngay cả công tác quảng bá xúc tiến cần chuyên nghiệp hơn và nâng tầm hơn nữa. Việc tổ chức các sự kiện cũng không cần quá dàn trải, dày đặc mà phải làm sao để các công ty lữ hành đưa vào các tour chào bán khách khi đến TP thấy xứng đáng, hiệu quả” - đại diện Bến Thành Tourist đề xuất.

Du khách đến TP.HCM thích thú dạo khu phố Tây vào buổi tối - Ảnh: T.T.D.
Du khách đến TP.HCM thích thú dạo khu phố Tây vào buổi tối - Ảnh: T.T.D.

Cần có giải pháp đột phá

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM, trước những bất cập hiện nay, TP.HCM đang xây dựng lại chiến lược du lịch.

Những gì đã làm nhưng chưa đạt yêu cầu thì phải làm lại, kế hoạch xây dựng mới phải đủ hiệu quả để làm điểm tựa cho doanh nghiệp có hướng phát triển du lịch TP.HCM đúng tầm vóc của mình, ít nhất mỗi tháng có hai sự kiện, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch như tháng giêng có đường hoa Nguyễn Huệ, tháng 3 có lễ hội áo dài, ngày hội du lịch...

Ngoài ra tuyến đường ẩm thực, lễ hội ánh sáng, khu phố thuốc bắc... cũng có thể là điểm nhấn thu hút du khách.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tại TP.HCM, khách du lịch quốc tế chiếm 50% khách du lịch quốc tế của cả nước, tuy nhiên với vị thế của TP cùng với dư địa tăng trưởng thì hiện con số khách du lịch đến TP còn khiêm tốn.

Theo ông Phong, để có thể đạt con số 7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 và kéo dài thời gian lưu trú khách đến TP.HCM, Sở Du lịch cần sự sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch, chính quyền tạo môi trường thuận lợi, cái nào doanh nghiệp kiến nghị phải tập trung giải quyết, không để làm mất thời gian của nhau.

Ông Phong cũng đề nghị các sở, ngành khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 và chậm nhất đến tháng 9-2017 phải trình UBND TP.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết để đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP.HCM sẵn sàng lấy ý kiến khách du lịch nước ngoài, mời gọi chuyên gia quốc tế đánh giá, có các giải pháp đột phá. Sẵn sàng hỗ trợ giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp du lịch một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, phải tạo ra các sản phẩm du lịch để kéo du khách; đầu tư nâng cấp các khu du lịch và hệ thống bảo tàng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông.

Biến Cần Giờ như Pattaya

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết hiện TP.HCM đang chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc nghiên cứu biến Cần Giờ thành một khu đô thị giải trí và nghỉ dưỡng, Sở Giao thông vận tải đang được giao đề xuất xây cầu Bình Khánh nối Cần Giờ với Nhà Bè, phải tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng mới níu giữ được khách du lịch, với mong muốn biến Cần Giờ như Pattaya của Thái Lan...

TP.HCM cũng sẽ thúc đẩy xây dựng công viên Safari rộng 500ha ở Củ Chi, đề án nâng cấp địa đạo Củ Chi, xây trung tâm hội chợ, du lịch rộng 10ha ở quận 2...

Ông Phong cho biết một loạt công trình, sản phẩm du lịch độc đáo của TP đang được quy hoạch, phát triển, một số đã tìm được nhà đầu tư và thời gian tới các sản phẩm du lịch TP.HCM sẽ hình thành rõ nét.

* Ông Trần Đoàn Thế Duy (đại diện Vietravel):

Sản phẩm mang đậm văn hóa địa phương

Thực tế lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến TP.HCM đang tăng dần qua mỗi năm, nhưng nếu so với tiềm năng sẵn có thì con số này hoàn toàn chưa tương xứng, một phần là do sản phẩm du lịch của TP còn chưa đa dạng.

Trong xu thế hiện nay, khách rất quan tâm đến yếu tố văn hóa, mang đậm tính địa phương ở những điểm đến, đây cũng chính là điểm tạo ra sự khác biệt.

TP.HCM với lợi thế sự đa dạng của văn hóa cả nước cần đưa những câu chuyện văn hóa vào những sản phẩm du lịch. Hiện TP.HCM đang thiếu hẳn những chương trình nghệ thuật hay khu chợ đêm đặc sản.

* Ông Phạm Huy Bình (chủ tịch HĐTV Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist):

Chiến lược dài hạn

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển du lịch TP.HCM góp phần tích cực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP.HCM cần thông qua chiến lược phát triển du lịch mang tính dài hạn.

Cần tăng cường tổ chức các sự kiện du lịch lồng ghép với các hoạt động văn hóa nhằm kích cầu du lịch, mang dấu ấn thương hiệu điểm đến TP.HCM; hợp tác triển khai các sự kiện chung, các chương trình khuyến mãi, kích cầu của ngành, liên ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới thu hút khách trong và ngoài nước.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên