Tháp Bánh Ít (Bình Định) - viên ngọc quý của kiến trúc Chăm - Ảnh: Trường Đăng |
Đây cũng là công trình kiến trúc cổ duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách này.
Cuốn sách là một công trình của nhiều tác giả, do cây bút chuyên viết về kiến trúc Mark Irving làm chủ biên, Quintessence (Anh) xuất bản.
Các tác giả của cuốn sách phần lớn là giáo sư, kiến trúc sư, nghiên cứu sinh chuyên viết về kiến trúc đến từ nhiều nơi trên thế giới, đã khảo sát các công trình kiến trúc từ cổ, trung đến cận, hiện đại, từ đó chọn ra các thành tựu kiến trúc kỳ vĩ nhất của thế giới.
Ngoài những công trình kiến trúc quy mô lớn, cuốn sách còn giới thiệu một số công trình kiến trúc thể hiện nét độc đáo của các nền văn hóa.
Phần viết về tháp Bánh Ít do tiến sĩ khảo cổ học Stephen Anthony Murphy thực hiện, xếp trong những công trình kiến trúc từ cổ đại đến trước Phục hưng.
“Tháp Bánh Ít, một cụm tháp gồm bốn tháp, còn được biết đến với tên gọi là tháp Bạc, là một trong số những di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu nhất hiện tồn tại. Vương quốc Champa đã có một thời phát triển rất thịnh vượng ở Nam và Trung Việt Nam từ thế kỷ II về sau và đạt đến đỉnh cao suốt thế kỷ 9. Tiếp nhận Ấn Độ giáo như quốc giáo, người Chăm cũng tiếp nhận mô hình kiến trúc Ấn Độ để tạo nên một mô hình kiến trúc rất độc đáo tại Việt Nam. Điều này được minh chứng rõ nhất bằng quần thể các kalan (đền tháp) mà tháp Bạc là một ví dụ điển hình. Thuật ngữ kalan hàm chỉ ngôi tháp trung tâm của một khu đền và là nơi đặt ở mẫu vật thờ chính - ở đây là tượng thần Shiva của Ấn Độ giáo” (trang 66).
“Đây là niềm tự hào của Bình Định. Tháp Bánh Ít là một công trình kiến trúc quý hiếm, có giá trị nghệ thuật lớn cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy xứng tầm. Đồng thời phải có kế hoạch quảng bá vẻ đẹp của tháp Bánh Ít nói riêng cũng như không gian văn hóa Chăm Bình Định nói chung thật bài bản, hiệu quả trong thời gian tới” - trao đổi về thông tin nói trên chiều 9-3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nói.
Bìa cuốn sách 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời và phần giới thiệu về tháp Bánh Ít - Ảnh: Lê Viết Thọ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận