Du thuyền dạo quanh ốc đảo xanh Triêm Tây - Ảnh: Thanh Ly |
Nơi bến đò phố cổ, những chiếc thuyền gỗ như đứng đợi chờ từ bao giờ rồi nhẹ nhàng đưa du khách đi qua những bãi bồi, nương dâu. Trong chuyến hành trình ấy, sau khi ghé thăm làng mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà…, bạn đừng bỏ qua làng Triêm Tây (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Ngoài đường sông, từ ngã ba Nam Phước (huyện Duy Xuyên) với chiếc xe đạp và niềm đam mê là có thể rong ruổi qua các xã Duy An, Duy Phước, Duy Vinh đến Cẩm Kim (Hội An) rồi theo đường bêtông để về với Triêm Tây.
Cung đường xanh
Nằm cách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thị xã Điện Bàn, mặt nam, bắc giáp sông Thu Bồn, còn phía tây giáp xã Cẩm Kim, phía đông là xã Duy Phước, làng Triêm Tây như một ốc đảo chơ vơ phía cuối hạ nguồn nhưng lại xanh biếc bốn mùa, lặng lẽ hòa vào mênh mang nắng gió của đất trời. |
Con đường dẫn vào khu du lịch sinh thái Triêm Tây ngoằn ngoèo, quanh co, nồng nàn hương cau. Bước vào cổng làng, điều đầu tiên du khách cảm nhận được là không khí trong lành, tươi mát ở đây.
Khác hẳn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp nơi phố thị bên kia dòng sông Thu, Triêm Tây gây ấn tượng cho du khách bởi những con đường xanh, cổ kính uốn mình theo xóm làng rợp bóng cây. Những rặng chè tàu xanh mơn mởn được cắt tỉa đẹp đẽ, gọn gàng chạy dọc hai bên đường.
Du khách đi dạo quanh làng dưới cái nắng chói chang của những ngày hè, không mũ, không ô vậy mà cũng không cảm thấy nóng bức, thỉnh thoảng lại gặp vài khách mắc võng nằm nghe gió đung đưa…
Mỗi bước đi hương đồng cỏ nội ấy lại càng thấy Triêm Tây như một nét duyên ngầm của Điện Bàn khi khoác lên mình chiếc áo thanh bình, tĩnh lặng.
Con đường dẫn vào khu du lịch sinh thái Triêm Tây ngoằn ngoèo, quanh co, rợp bóng tre che mát - Ảnh: Thanh Ly |
Cổng vào làng Triêm Tây với hàng chè tàu xanh mơn mởn được cắt tỉa đẹp đẽ, gọn gàng chạy dọc hai bên đường - Ảnh: Thanh Ly |
Dưới cái nắng rót mật, nhiều du khách không mũ, không ô vậy mà cũng cảm thấy mát mẻ - Ảnh: T.Ly |
Bến nước sông quê
Điều bất kỳ du khách nào cũng thích thú chiêm ngưỡng là những ngôi nhà tranh nằm nép nơi dòng sông bên lở, bên bồi. Trong không gian của chốn sông quê ấy, thấp thoáng hình ảnh bến nước và những con đò.
Rất nhiều du khách đến Triêm Tây để một lần được tận mắt chiêm ngưỡng “bến nước sông quê”, nơi đã chứng kiến biết bao chuyện buồn vui, nhọc nhằn, lam lũ của dân làng Triêm Tây đang đổi thay từng ngày.
Những giỏ trái cây vườn nhà tấp nập cho kịp chuyến chợ sớm chợ chiều. Từng đoàn khách du lịch rộn ràng ghé bến thăm làng… Xa xa, vài cậu bé đang ngụp lặn, lao vào dòng nước xanh mát khuấy động cả một khúc sông chiều và ai đó đang gánh nước về bóng ngả dài ven sông.
Quả thật, một phong cảnh yên bình đang diễn ra trước mắt. Ngày về với bến nước sông quê vùng Triêm Tây cũng đủ để lòng lữ khách miên man cùng tháng năm phiêu bồng…
Sông quê - Ảnh: T.Ly |
Bến nước Triêm Tây rộn ràng đón khách du lịch ghé bến thăm làng - Ảnh: T.Ly |
Hình ảnh khói lam chiều gợi nhớ hình ảnh quê nhà yên bình - Ảnh: T.Ly |
Tình đất và người
Đến với Triêm Tây, không chỉ tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên đã ban tặng cho ngôi làng nhỏ này mà còn cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi, chất phác của những con người nơi đây. Nếu muốn du khách có thể xin được lưu trú vài ngày ở nhà dân.
Những đôi tay gầy gò của các bà, các chị sẽ giúp bạn hiểu hơn từng công đoạn của các nghề cổ truyền như dệt chiếu, tráng bánh ướt, làm bánh đập, mì quảng... Hoặc những nụ cười hiền lành trên khuôn mặt rám nắng cùng lời hướng dẫn tỉ mỉ của các bác ngư dân sẽ giúp du khách có một đêm bắt tôm, bắt cá thú vị.
Và rồi điều thích thú nhất là có thể được thưởng thức bát mì quảng, đĩa bánh tráng đập nổi tiếng hay tự tay nướng những con cá, tôm vừa bắt được…
Hội ngộ rồi cũng đến lúc chia tay, kẻ lên thuyền sang sông, người về theo lối cũ để rồi trong lòng lữ khách không ít người “mơ mộng” rằng một ngày sẽ lại về nơi chốn bình yên Triêm Tây.
Không gian nhà Việt đơn sơ nhưng xanh mướt bốn mùa - nơi đông đảo du khách lựa chọn để nghỉ ngơi hoặc lưu trú dài ngày - Ảnh: T.Ly |
Đãi khách với món đặc sản sông quê - Ảnh: T.Ly |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận