Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia xuyên lục địa. Đất nước có bề dày lịch sử này nằm ở cả hai lục địa Á - Âu nên có sự pha trộn, giao thoa của cả hai vùng văn hóa.
Du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt gặp những cô gái trong trang phục hiện đại, mua sắm, thưởng thức cà phê tại những khu mua sắm sầm uất, đậm chất châu Âu, nhưng cũng dễ dàng tìm thấy những món ăn mang hương vị ẩm thực châu Á.
Bên cạnh những công trình có giá trị của một giai đoạn phát triển văn hóa lịch sử như nhà thờ Hồi giáo Sultan Ahmed, thánh đường Hagia Sophia, khu chợ Grand Bazaar và nhiều điểm thăm quan hấp dẫn khác, hầu hết du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ đều chú ý đến những "lâu đài tí hon" nằm trên tường của rất nhiều công trình kiến trúc ở đây.
Những lâu đài tí hon đó thực chất là những chiếc tổ mà người dân xây cho chim trú ngụ.
Một tổ chim được xây dựng cầu kỳ. Ảnh: Caner Cangül
Người Thổ Nhĩ Kỳ rất coi trọng động vật, đặc biệt là chim và tin rằng chúng sẽ mang tới điềm may mắn. Ở đây, chim chóc được bảo vệ, chăm sóc và cho ăn. Những chú chim bay lượn tự do mà không bị bắt nhốt hay giết thịt.
Tình yêu lớn lao của người Thổ Nhĩ Kỳ dành cho những loài lông vũ còn được thể hiện bằng việc xây những ngôi nhà cho chim sẻ, bồ câu, cu gáy để bảo vệ và tăng số lượng chim non.
Những chiếc tổ được xây dựng tỉ mỉ, cầu kỳ, bám vào vách tường, dưới mái nhà, trên một độ cao tránh xa tầm với của con người và động vật khác. Ảnh: Caner Cangü
Lâu đài nhỏ dành cho chim có thể thấy ở bất cứ công trình xây dựng nào, từ hiên một nhà thờ hồi giáo, bức tường của trường học, gác mái ở thư viện, hiên nhà dân, thành và gầm cầu, bên mái vòm cung điện, thậm chí cả ở những bia mộ trong nghĩa trang.
Xây tổ cho chim là một truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước. Sự phát triển lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ của từng giai đoạn cũng tác động đến việc xây dựng này.
Ở thời kỳ đế chế Ottoman, mỹ thuật rất được coi trọng, vì thế những ngôi nhà chim xây dựng trong giai đoạn này trông như những cung điện thu nhỏ với 2 hoặc 3 phòng ngủ.
Mỗi phòng đều có những ban công nhô ra ngoài, được tô điểm bằng những hàng rào chắn chạm trổ tinh tế. Cửa chính và cửa sổ cũng có nhiều chi tiết hoa văn tinh xảo. Mái nhà có hình vòm cong cao vút.
Một số tổ chim ở Anatolia được xây dựng từ thế kỷ 13 có xu hướng đơn giản hóa. Phong trào trang trí tỉ mỉ, sặc sỡ màu sắc chỉ bắt đầu vào khoảng thế kỷ 18.
Những ngôi nhà chim được xây dựng trên tường của Thánh đường Ayazma, Thánh đường Yeni Valide, Darphane-i Amire và Thánh đường Selimiye là một số ít những công trình tiêu biểu cho phong cách này.
Việc xây tổ một mặt tạo chỗ ở cho nhiều loài chim, một mặt giúp giữ sạch không gian công cộng, hạn chế được lũ chim làm tổ tự nhiên và giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do phân chim rơi vãi.
Những tổ chim cũng thể hiện một quan niệm tôn giáo. Giống như quan niệm "đất lành chim đậu" của người Việt, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng tin rằng nếu ngôi nhà chim mà mình xây được chúng đến làm tổ nghĩa là sự may mắn sẽ đến, cuộc sống sẽ được an yên.
Những tổ chim hiện nay được chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ nghiêm ngặt như một tài sản quý có giá trị lịch sử. Chúng không đơn thuần là những chiếc tổ mà còn thể hiện phong cách kiến trúc, nét đẹp văn hóa tôn giáo của người dân nơi đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận