05/11/2015 11:50 GMT+7

​Ngày nắng ở Diêm Điền

BĂNG GIANG
BĂNG GIANG

TTO - Cách Hà Nội hơn 100km về phía đông nam, Diêm Điền (Thái Bình) đủ xa để thoát khỏi phồn hoa phố thị, đủ gần để có thể “xách” trẻ con lên và đi.

 Trên triền đê sông Diêm Hộ - Ảnh: Băng Giang

Tìm về một miền đất trong câu ca “rừng phi lao gió hát” để dù không kịp “tắm mắt trên bãi biển Đồng Châu” cũng có được một cuối tuần như ý.

Trên cánh đồng muối thôn Tam Đồng

Nếu đi dọc theo bờ biển duyên hải Bắc Trung bộ, sẽ không khó khăn gì để tiếp cận được một “cánh đồng muối”. Bên cạnh nhiều nghề như vận tải đường sông, đi khơi, đi lộng, thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp và buôn bán thì “trồng muối” dù thu nhập bấp bênh vẫn luôn là một nghề không thể bỏ của bà con vùng ven biển.

Từ thị trấn Diêm Điền, chúng tôi chạy dọc theo triền đê và cắt qua làng để tới thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy.

Toàn cảnh cánh đồng muối không đẹp như thơ, cũng không đẹp như mơ như hàng trăm bức ảnh mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh khắp cả nước đã dày công “săn, chụp”. Có lẽ vì quy mô của cánh đồng chưa đủ lớn.  

Ấn tượng đầu tiên là cỏ dại, cỏ lau mọc lúp xúp, cao cao, thấp thấp phủ lên những lối mòn. Đây đó nhà cửa, cây lớn chia cánh đồng ra làm nhiều lô, mỗi lô lại được bờ ruộng phân chia theo từng mục đích sử dụng: đồng phơi cát, đồng phơi muối, công trình thủy lợi dẫn nước biển vào đồng, bể chắt lọc, bể nước chạt nồng độ cao, thấp trên đồng lô nhô.

Nước chạt nồng độ cao được rải trên mặt sân ximăng, nhờ nắng bốc hơi nước và dần kết tinh thành muối - Ảnh: Băng Giang

Một ngày nắng to nhưng không phải cánh đồng muối nào cũng có người lao động.

Lác đác trên đồng mỗi người một công đoạn, bên này có người đang rải cát thì bên kia tưới nước biển lên bề mặt sân phơi, người lúi húi kiểm tra nước chạt ở chỗ chứa gọi là thống con, thống cái, người lại lúi húi thu gom từng hạt muối trên ô kết tinh.

Mặt sàn ô kết tinh bằng ximăng, có màu ánh đỏ. Những ô nào đang phơi nước chạt thì muối dần kết hạt trắng li ti dưới sức nóng của mặt trời. Ô kết tinh nào đã đủ đầy để thu hoạch thì được cào gom lại thành từng đống nhỏ, cuối ngày cho lên xe cút kít chở về kho.

Ở Tam Đồng không thấy có những kho chứa muối lợp mái rơm lúp xúp, có lẽ vì sản lượng ít, khi tôi hỏi một ngày như này thu hoạch được bao nhiêu, người phụ nữ vẫn chăm chú cào muối vừa lắc đầu như tự bảo, được bao ký đâu cô ơi!

Trên cánh đồng, dưới chiếc nón lá, khăn trùm kín mặt, áo dài tay, chân đi ủng, những người phụ nữ cần mẫn với công việc đồng áng, vẫn trả lời vui vẻ khi bị đám khách ở đâu đến “quấy rầy”, chỉ bảo và giải thích về các công đoạn làm muối cho đám trẻ.

Bầu trời rất xanh và đám cỏ lau lấp lánh trong nắng. Không hoàn hảo mỹ miều như những bức ảnh chụp cánh đồng muối khi bình minh, hoàng hôn với những ụ muối vun cao, tràn trề, no đủ, trên mảnh đất của thôn Tam Đồng, những câu chuyện và hình ảnh giản dị nhất về cuộc sống cứ thế đi thẳng vào tim.

 Tưới nước biển mặn lên sân phơi cát - Ảnh: Băng Giang

Cảng cá Tân Sơn

Anh bạn người Thái Bình công tác tại Diêm Điền dẫn chúng tôi ghé qua cảng cá Tân Sơn. Con đường chạy dọc sông Diêm Hộ, rời thị trấn tại bến Don, nơi những con thuyền tụ về bên mấy cây cầu khỉ, bèo tây phủ kín mặt nước.

Ở phía biển, hải đăng Tân Sơn giản dị và bé nhỏ, đêm ngày âm thầm làm kim chỉ nam cho thuyền bè vào bến. Người dân ở chợ cá có người không biết cuối con đường có ngọn hải đăng, họ nói đó là “cây đèn biển”.

Chúng tôi dừng lại ở chợ cá một lúc. Vài người tụ lại dưới lán tre đánh bài tú lơ khơ trong khi chờ tàu cá về, người khác dọn dẹp, gột rửa sàn nhà, nền đường, người chuyển hàng vào xe đông lạnh.

Dưới sông, thuyền bè neo đậu san sát, xếp dọc bờ đê, lá cờ đỏ bay phấp phới trên nền trời xanh ngắt mang lại một khung trời rực rỡ khiến ai cũng trở nên phấn khích.

Tôi đứng sát mép nước, bắc tay hú gọi bọn trẻ đang đánh lưới trên sông trong màu nắng lấp loáng. Một vài chiếc thuyền lớn đang di chuyển, tiếng máy nổ ầm ĩ cả khúc sông, tưởng như kéo bạt lời tôi ra biển.

Chiếc phao xốp chòng chành bơi men theo lớp bèo tây, một người đẩy, hai người kéo, lưới thu về đầy tay, không biết hôm nay sẽ đánh bắt được bao nhiêu tôm cá.

Triền đê dài hun hút trong chiều nắng. Những nong phơi cá cơm xếp dọc bên đường từ xã Thụy Hải vào đến cảng cá ven thị trấn. Đám trẻ lít nhít cẩn trọng đi từng bước trên bờ kè, hân hoan trong không gian khoáng đạt mặn mòi vị biển.

Bạn bảo sáng mai sang chơi chợ sớm, quãng 4-5 giờ, để thấy tàu bè vô cảng, tôm cá đầy khoang, phiên chợ thủy hải sản tươi roi rói, hải sản "xịn", giá cả lại hợp lý, ở thành phố có tiền cũng khó có thể mua.  

Lối về Cồn Đen

Chiều chậm chạp lướt qua. Chúng tôi quay xe sang bên kia sông Diêm Hộ đi về phía Cồn Đen. Qua cảng Diêm Điền một thời sầm uất liệt oanh, giờ hết đường “buôn lậu” trở nên cô độc và buồn tẻ, cỏ dại mọc cao ngang bắp chân người.

Dấu ấn của cây cầu Diêm Điền cũ đã bị con tàu ngàn tấn tuột neo trong bão đâm gãy năm 2012 vẫn còn bên cạnh cây cầu Diêm Điền mới thênh thang.

Được đi cùng với một hướng dẫn viên không chuyên người bản địa gốc Thái Bình thật sự rất thú vị. Anh chia sẻ với chúng tôi những dự định mới cho cảng Diêm Điền, khi giao thông đường thủy đã dịch chuyển hết về phía Hải Phòng, Quảng Ninh. Bên này sông là một kho xăng dầu lớn, tựa như tương lai của cảng Diêm Điền.

Từ trên đê đi Thái Thượng nhìn sang sông là cảng cá Tân Sơn trong chiều, thuyền bè giờ này đang ngơi nghỉ.

Cồn là một khái niệm để chỉ một dải đất được hình thành giữa sông cái do sự bồi đắp của phù sa và lắng đọng của trầm tích được vận chuyển theo các dòng hải lưu. Cồn Đen thuộc xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, Thái Bình được bồi đắp bởi phù sa và bùn cát của sông Trà Lý.

Thoạt tiên, tôi nghĩ muốn ra cồn nhất định phải cần đến tàu, thuyền. Nhưng bạn tôi nói ôtô sẽ ra tận Cồn Đen.

Thì ra chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Cồn Đen đã mở một con đường lớn ra đến sát biển, quy hoạch một khu nghỉ dưỡng có bãi tắm biển, khu vui chơi, nghỉ dưỡng.

Dọc theo cồn cát là rừng thông xanh, bên trong là hệ thống sinh thái ngập mặn ven biển đa dạng, độc đáo, được khai thác nuôi trồng thủy sản với giá trị kinh tế cao. 

Chiều Cồn Đen lộng gió, chúng tôi dạo bước trên con đê chắn sóng. Thủy triều lên cao che lấp cả bãi cát, xa xa là những chòi nuôi ngao bé xíu in bóng trên nền chiều. Bọn trẻ đòi xuống thuyền để chèo vào tham quan khu rừng ngập mặn.

Hoàng hôn dần buông trên ngọn đèn biển Tân Sơn, một cái kết êm đềm cho hành trình ngày nắng ở Diêm Điền, thú vị và bằng an.

                        

 

 

BĂNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên