19/07/2015 09:42 GMT+7

Biển xanh Nam Du “ngợp” khách du lịch

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Kiên Giang được xem là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch bậc nhất ở ĐBSCL nhờ có nhiều đảo và quần đảo đẹp trên biển Tây. 

Du khách đi bộ lên tham quan ngọn hải đăng trên đảo Nam Du (Kiên Giang) - Ảnh: T.T.D.

Tuy nhiên, ngoại trừ Phú Quốc được quan tâm đầu tư, các đảo và quần đảo còn lại gần như bị ngành du lịch địa phương làm ngơ, “ai thích thì đến, ai muốn đón cứ đón”.

Khoảng vài năm trở lại đây, thông tin từ báo chí và mạng Internet đã “tiếp thị” một Kiên Giang tươi đẹp với những quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du... rợp bóng cây soi mình trong nước biển xanh.

Hình ảnh những bãi biển hoang sơ, những rạn san hô lấp lánh được chia sẻ ồ ạt trên Facebook và các diễn đàn du lịch đã kéo du khách đến.

Tranh nhau ra đảo

“Cơn sốt” khách du lịch đổ ra quần đảo Nam Du và các đảo Hòn Tre, Lại Sơn của huyện Kiên Hải tăng cao từ dịp Tết Nguyên đán đến nay. Không chỉ có khách lẻ, đi theo gia đình hoặc nhóm “phượt”, một số công ty du lịch từ các địa phương cũng thiết kế chương trình riêng đưa du khách ra khám phá Nam Du.

Nằm cách TP Rạch Giá gần 90km, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu Ngọc Thành với sức chở 165 người đưa khách từ đất liền ra quần đảo Nam Du và trở lại đất liền. Theo lịch trình bình thường, trên đường từ Rạch Giá ra Nam Du, tàu còn ghé qua các đảo Hòn Tre (trung tâm hành chính huyện) và Hòn Sơn để đưa đón khách đi lại giữa các xã đảo.

Từ sau tết, khách du lịch ra đảo quá đông và hầu hết phải mua vé trước từ Rạch Giá đi thẳng ra Nam Du và ngược lại mới mong có chỗ trên tàu.

Nhiều nhóm khách từ TP.HCM đến nhưng không đặt vé trước nên không xuống được tàu đành chờ 1 - 2 ngày tại Rạch Giá, chuyển hướng vui chơi nơi khác.

Khổ nhất là người dân địa phương khi có nhu cầu đi lại giữa các đảo và giữa đảo với đất liền không thể mua được vé vì du khách đã đặt kín chỗ từ trước.

Người dân và cán bộ hai xã An Sơn, Nam Du thuộc quần đảo Nam Du muốn vào được trung tâm huyện nếu may mắn mua được vé thì phải đi thẳng vào Rạch Giá buổi chiều, ở lại đây một đêm rồi hôm sau đón tàu nhỏ ra đảo Hòn Tre.

“Thay vì từ Nam Du vô Hòn Tre chỉ mất 160.000 đồng, nay tốn gấp đôi vì phải vô Rạch Giá rồi từ Rạch Giá ra Hòn Tre thêm một chặng nữa và chưa kể tiền ăn, ngủ. Nhưng không phải lúc nào cũng mua được vé tàu khách, vì bức bách công việc nên người dân và cả cán bộ phải chấp nhận đi bằng tàu vận tải dù biết là không đảm bảo an toàn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - ông Nguyễn Thiện Hải, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nam Du, cho biết.

Anh Ngô Thanh Phong - nhà ở ấp Hòn Mấu, xã Nam Du - kể:

“Chủ tàu tải sợ bị biên phòng, cảng vụ kiểm tra sẽ phạt nên mọi người phải năn nỉ lắm mới được đi, nhưng cũng phải chen chúc nhau dữ lắm”. Đến đầu tháng 6 vừa qua, Công ty CP Superdong đưa một tàu trọng tải 165 khách vào chạy tuyến Rạch Giá - Nam Du “chia lửa” với tàu Ngọc Thành thì tình trạng tranh vé ra đảo và dân đảo lụy đò mới bớt căng thẳng.

Buông cho tự phát

Ông Nguyễn Tất Linh - phó chủ tịch UBND xã An Sơn - cho biết khách du lịch tới quần đảo Nam Du đạt gần 2.000 lượt trong quý 1 và tăng đột biến lên đến gần 5.000 lượt (nhiều hơn số dân của xã) trong quý 2 năm nay, đồng thời thừa nhận ngành du lịch tỉnh và địa phương chưa có kế hoạch hay đề án quản lý và khai thác, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của du khách cũng mọc tự phát.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sự có mặt của khoảng 100 khách du lịch mỗi ngày phần nào giúp quần đảo Nam Du vốn bình lặng trở nên sôi động hơn giữa biển khơi.

Chỉ riêng trên hòn Củ Tron (xã An Sơn) đã có 16 nhà trọ gồm hơn 80 phòng do người dân tự cải tạo, xây dựng để phục vụ du khách với giá bình quân 200.000 - 300.000 đồng/đêm, tùy theo có hoặc không có máy lạnh. Kèm theo đó là các dịch vụ xe ôm, cho thuê xe máy, tàu tham quan vòng quanh đảo và câu cá... cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân trên đảo.

Tuy nhiên, việc tiếp nhận lượng lớn khách du lịch trong tình thế bị động khiến quần đảo Nam Du đang đối mặt nhiều hệ lụy về mặt xã hội, môi trường. Du khách đông nên nhu cầu các loại hải sản như tôm, cá, mực cũng tăng theo, nhiều lúc khan hiếm nên giá bị đẩy lên cao.

Mấy tháng trước người dân trên đảo mua mực tươi chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg, nay giá tăng lên đến 130.000 - 150.000 đồng/kg. Cá ngân chỉ tươi cũng bị đẩy giá lên tới 60.000 đồng/kg so với mức 20.000 đồng/kg trước đó.

Điều đáng lo khác là hiện trên các đảo đều không có hệ thống xử lý rác thải. Người dân trên đảo chưa có ý thức tập trung rác thải, quen đụng đâu vứt đó đã đành, du khách từ xa đến bất đắc dĩ cũng “nhập gia tùy tục” làm lượng rác thải trên đảo dày thêm.

Chưa kể nhiều du khách khi lặn biển gặp bông đá đẹp, cành san hô quý cũng tiện tay lấy làm “chiến lợi phẩm” mang về.

Anh Phong Vũ - chủ một cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch tại xã Nam Du - đã đăng trên Facebook của mình hình ảnh du khách hớn hở mang cành dương đỏ được hái từ biển với lời bình đầy trách móc:

“Tình thương đến với Nam Du có cần đem những thứ này về làm quà hay không? Sao những khách đi trước không nghĩ cho người đến sau hoặc sau này mình còn quay lại mà lấy hết rồi Nam Du còn gì gọi là thiên nhiên hoang sơ nữa?”.

Theo anh Vũ, việc du khách đến Nam Du rồi mang theo “quà của biển” về đất liền gần như là chuyện thường ngày. “Mình xin phép lấy danh nghĩa người làm du lịch tại Nam Du đầu tiên xin các anh chị và các bác đừng lấy đi những tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng cho Nam Du” - anh Vũ khẩn thiết viết trên Facebook.

Hạn chế du khách lên trạm hải đăng và trạm rađa

Điểm cao nhất của quần đảo Nam Du là đỉnh hòn Củ Tron ở độ cao 309m, nơi đặt trạm hải đăng Nam Du và trạm rađa hải quân.

Những hình ảnh Nam Du “đẹp lung linh” chụp từ đỉnh hải đăng được chia sẻ trên mạng khiến du khách nào đến Nam Du cũng muốn được đặt chân lên điểm cao này.

Ban đầu vì mến khách và không muốn phụ lòng khách đường xa cất công lên tận đỉnh hòn, các cán bộ, chiến sĩ ở đây vui vẻ đón tiếp. Nhưng nhiều du khách hào hứng quá mức, mới 4 - 5g sáng đã chạy xe máy kéo nhau lên đến nơi để đón bình minh mà quên rằng đây là khu vực quân sự, không phải lúc nào cũng có thể tùy tiện ra vào.

Cách đây hơn một tháng, lãnh đạo trạm rađa đã phải cho lập một gác chắn, gắn biển “Khu vực quân sự - Cấm vào” dưới triền dốc gần đỉnh hòn để hạn chế du khách.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên