10/11/2016 09:22 GMT+7

Mùa "quả tình" trên cao nguyên đá

THỦY TRẦN
THỦY TRẦN

TTO - Khi nhà nhà, người người đi tìm hoa tam giác mạch, có lẽ chỉ mình tôi đi về cao nguyên đá, gặp lại thứ quả tình - đắng - cay - chua - chát. Nhưng khi tất cả đã qua rồi, chỉ còn lại vị ngọt ngào trên môi.

Thương nhớ Đồng Văn
Thương nhớ Đồng Văn - Ảnh: Nguyen

1. Tháng 10, cao nguyên đá nở hoa. Tháng 10, đã có hẳn một lễ hội hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Tháng 10 năm ấy, trên con dốc ngã ba đường vào Phó Bảng và đi Sủng Là, tôi đã gặp một nhóm người Mông gồm đàn bà và con trẻ, trên tay là những cành quả dại đỏ ửng. Họ vừa đi đường vừa nhẩn nha ăn.

Tôi đã xin một cành ăn thử. Và bạn đồng hành, đã chụp một bức ảnh để đời, bức ảnh ghi lại khoảnh khắc nhân duyên giữa người dân và du khách trên vùng đất địa đầu cực bắc, bức ảnh sau này đã được chọn đặt trên trang chủ của một trong những diễn đàn du lịch lớn, Phuot.vn.

Em gọi đó là cành thương nhớ, quả nhỏ bằng đầu ngón tay út, màu đỏ thẫm, mọc dại hai bên bờ taluy của con đường có cái tên Hạnh Phúc, ăn vào hơi chát, có vị đắng, để một lúc lại thấy ngòn ngọt nơi đầu môi. Hay em sẽ vì anh mà đặt tên cho quả đó là quả tình?” - (Thương nhớ Đồng Văn). 

Một cành thương nhớ
Một cành thương nhớ - Ảnh: Thủy Trần
Một nắm quả tình
Một nắm quả tình - Ảnh: Thủy Trần

2. Người Tày gọi thứ cây dại mọc ven đường, trong rừng trên cao nguyên đá ấy là mạc khẩu ên, người Mông gọi là tri xả. “Ăn được mà” là câu trả lời mà nhiều người dân tộc tôi gặp ngang đường cho biết. Nhưng khi được hỏi, nếu ăn nhiều có vấn đề gì không thì ai cũng lắc đầu cười.

Đơn giản đó chỉ là thứ quả dại, một thứ quà vặt của thiên nhiên, ăn cho vui miệng, và chưa bao giờ ăn nhiều tới mức... bị làm sao.

Mạc khẩu ên hay tri xả là loại cây bụi, thân mảnh, nhiều cành, có gai, hoa nở vào mùa thu, thoạt tiên có màu trắng rồi chuyển sang hồng. Quả hình thành từ hoa, mọc thành từng chùm lớn, khi chín có màu đỏ rực trông vô cùng đẹp.

Phần thịt quả đỏ này thoạt đầu ăn vào có vị chát, nhưng để lâu trong miệng lại thấy có vị ngọt, buồn buồn hái một cành ăn chơi, ngoài ra không thấy có giá trị kinh tế gì, trâu bò cũng không ăn.

Mùa quả tình trên cao nguyên đá
Mùa quả tình trên cao nguyên đá - Ảnh: Hoaha
... với vị ngọt ngào trên môi
... với vị ngọt ngào trên môi - Ảnh: Thủy Trần

3. Trở lại Đồng Văn. Cuối tháng 10, đầu tháng 11 hàng năm, cao nguyên đá rực rỡ bởi sự góp mặt của tam giác mạch, cúc cam, hoa thun tu, dong dền.

Tam giác mạch vốn mọc trên lưng núi, lưng đèo giờ được trồng vào bồn hoa xếp quanh bùng binh hay hai bên đường phố chạy ngang thị trấn, nhìn thấy chạnh lòng.

Thân tam giác mạch con con như cây cỏ, hoa bé tí, mong manh, bản thân là thứ cây thuộc về rừng về núi, nay được đem vào phố, y như một con bé nhà quê ra tỉnh, đơn độc và tội nghiệp giữa đèn hoa lấp lánh và những thanh âm ồn ào.

Thấy nhớ gì đâu những vạt hoa reo vui nơi lưng chừng trời, kiên cường đón những cơn gió lạnh tràn về từ trên núi.

Nhưng đi về biên giới, giật mình thấy “quả tình” đỏ rực những lối mòn. Dưới mưa, những chùm quả trông càng thêm lộng lẫy. Người đã xa rồi, nhưng cỏ cây còn đó, vẫn vẹn nguyên một màu đỏ thắm.

Chú bé con trong tấm áo mưa trắng đang ngồi khóc, giấu mặt dưới gốc cây, gọi thế nào cũng không trả lời, chia cho miếng bánh mì cũng nhất định không lấy. Cô gái đứng giữa lùm cây cũng xoay lưng lại, im lặng trong tiếng máy xe.

Hình như ở trên biên giới, có một nỗi lo sợ mơ hồ, như những đám mây mùa thu, lãng đãng và không rành mạch, nỗi lo sợ khiến người đến và kẻ ở phải đối diện với một bức tường ngăn cách vô hình, mà cả hai phía đều thấy khó lòng có thể bước qua.

Bên phải Trung Quốc, bên trái Việt Nam
Bên phải Trung Quốc, bên trái Việt Nam - Ảnh: Thủy Trần

4. Đường về Sơn Vĩ hay Thượng Phùng, Xín Cái, đường tuần tra biên giới dọc theo tuyến biên giới Việt Trung trên địa bàn Hà Giang có vô số cột mốc. Chuyến đi không tính trước trở thành một chuyến đi “check - mốc”, một trong những đam mê mà nhiều dân đi thời nay quan tâm.

Có mốc nằm ngay bên đường tuần tra, bên này Việt Nam, bên kia Trung Quốc. Những chiếc cột phân biên sơn màu hồng trắng trông “đẹp một cách dịu dàng”. Cột đá hoa cương với thiết kế quen thuộc lạnh lùng nhưng chất chứa trong lòng biết bao máu xương và nước mắt.

Đó là con đường không phải ai muốn cũng có thể đi.

Lại gặp quả tình trên biên giới, thắm đỏ và rực rỡ.

Tôi không phải người Tày, tôi không gọi tên mạc khẩu ên, tôi cũng không phải người Mông, tôi không gọi tên tri xả. Tôi là cô gái người Kinh ở đồng bằng lên với rẻo cao, rồi đã yêu cao nguyên đá như quê hương thứ hai của mình lúc nào không biết.

Và tôi đặt tên riêng cho chúng là cây “quả tình” trên “cành thương nhớ”.

Mỗi độ thu về, “quả tình” lại đơm hoa kết trái trên sườn núi, dọc lưng trời, bên lối mòn đi về phía cột mốc biên cương. Thứ quả tình gắn với đàn bà, con trẻ vùng cao trên đường ra chợ, lên rừng hái củi, đi nương tra ngô và gắn với tôi trong nhiều hành trình thiên lý.

... “Nếu anh có đến Đồng Văn, hãy mang về giùm em một cành thương nhớ, một nắm quả tình, dù đắng, cay, chua, chát, nhưng giông tố qua rồi, vẫn còn lại vị ngọt ngào trên môi” - (Thương nhớ Đồng Văn).

Cột mốc 476...
Cột mốc 476... - Ảnh: Thủy Trần
...và cây mạc khẩu ên rực đỏ
... và cây mạc khẩu ên rực đỏ - Ảnh: Thủy Trần
Tri xả một ngày mưa trên lối mòn biên giới
Tri xả một ngày mưa trên lối mòn biên giới - Ảnh: Thủy Trần

 

 

 

 

 

THỦY TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên