09/06/2016 10:23 GMT+7

Một thoáng Sầm Nưa 

BĂNG GIANG
BĂNG GIANG

TTO - “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”. Tò mò mãi về một địa danh trong bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của Quang Dũng, cuối cùng cũng có ngày tôi đặt chân tới mảnh đất này.

Biểu tượng Suan Keo Lak Meung của Sầm Nưa - Ảnh: Băng Giang

Nhiều người Việt Nam biết về Sầm Nưa qua một câu thơ nổi tiếng trong bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng. Nếu không để ý, hẳn có người nghĩ rằng Sầm Nưa là một địa danh ở Tây Bắc. Nhưng không phải thế, Sầm Nưa là tên một thị trấn, nay là thủ phủ tỉnh Huổi Phăn ở tận nước bạn Lào.

Nghe xa xôi thế thôi, nhưng lại rất gần vì Sầm Nưa nằm trên mảnh đất “núi liền núi” với biên giới phía tây Thanh Hóa của Tổ quốc. Tò mò mãi về một tên gọi đã đi vào thơ ca, cuối cùng cũng đến ngày tôi được “ngắm tận mắt, sờ tận tay” Sầm Nưa.

1. Thị trấn khá nhỏ, chỉ có vài con phố chính trong một bán kính có lẽ không quá 5km đường. Bỏ qua một khách sạn có vẻ khá mới vì thấy “tối lửa, tắt đèn”, chúng tôi dừng xe gần khu vực có biểu tượng thị trấn Sầm Nưa Suan Keo Lak Meung và chợ đêm thị trấn để hỏi chỗ nghỉ đêm.

Một căn nhà khang trang và rất đặc trưng Lào với tường ốp, cửa sổ, cửa chính, bàn ghế đều được làm từ gỗ, còn hơn thế là thứ gỗ chắc nịch và láng bóng. Tầng một là khu nhà hàng, đang có một nhóm người say sưa hát hò và múa lăm-vông quanh bàn.

Cô bé lễ tân dẫn tôi lên tầng 3 xem phòng, vừa đi lắc lư vừa cười, bảo "chị ơi, em say quá, hôm nay có đám cưới". Giá phòng tiêu chuẩn 200.000 kíp tiền Lào, tương đương khoảng 550.000 đồng.

Trả lời câu hỏi khi nào tầng một sẽ không còn huyên náo bởi âm nhạc, cô xua tay ra dấu "không biết được, vì hôm nay vui mà". Tôi đành chào tạm biệt cô để đi tìm một nơi trú chân khác, vì e cả ngày trời di chuyển mà không có được một nơi yên tĩnh để nghỉ thì ngày mai hẳn sẽ khó khăn.

Một thoáng Sầm Nưa - Ảnh: Đức Hùng
Một ngôi chùa với kiến trúc điển hình của Lào, gợi nhớ đến Wat Xieng Thông ở Luang Prabang - Ảnh: Đức Hùng
Góc bình yên - Ảnh: Đức Hùng

Chạy xe lòng vòng quanh phố, tình cờ rẽ vào khu hostel của thị trấn, chưa kịp đỗ xe đã thấy mấy người đứng bên ngoài vỉa hè chỉ trỏ hai chiếc ôtô biển Việt Nam và trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Xuống xe hỏi cả dãy nhà nghỉ thì không còn một phòng nào trống, giá phòng trung bình 80.000 kíp, khoảng 200.000 đồng.

Có một đặc điểm khá thú vị khi chạy dọc mạn biên giới phía tây bắc Việt - Lào, ngang qua Sầm Nưa, là số lượng người Việt sang làm ăn, sinh sống khá nhiều và số người Lào nói được tiếng Việt cũng không hề ít. Thành ra không có cảm giác như mình đang ở nước ngoài, mà đơn giản chỉ là một vùng sâu, vùng xa nào đó của Việt Nam.

Quay xe lại khách sạn đầu tiên hỏi thăm thì lại gặp ngay người quen ở cửa khẩu Na Mèo cũng đưa vợ con sang Sầm Nưa chơi, cả nhóm quyết định ở lại luôn. Nói chuyện với chủ khách sạn Thone Mee một hồi, anh bảo chút nữa lấy ôtô dắt chúng tôi đi ăn món đặc sản của Sầm Nưa: “lẩu nướng”.

2. Mấy đứa trẻ thích thú trèo lên thùng xe bán tải của Thone Mee chạy rong rong phố xá, tới một con phố ẩm thực thơm ngào ngạt bởi những bếp nướng đang rực than hồng và xe ôtô chen nhau đỗ hai bên hè. Thone Mee bảo sẽ vào quán lẩu nướng ngon nhất Sầm Nưa.

Đông đúc và sôi động, tuy vậy vẫn còn một vài bàn trống cho chúng tôi. Bàn được thiết kế đặc biệt, có một bếp treo ở giữa mặt bàn, bếp chứa than củi, nồi kê bên trên. Nồi cũng đặc biệt, có một ụ nổi ở giữa với những lỗ hổng nhỏ để nhiệt truyền lên nướng thịt và thoát khí, mép nồi lại trũng sâu để chứa nước dùng, nhúng đồ ăn lẩu.

Đồ ăn cũng bình thường như các món lẩu khác gồm thịt bò, thịt lợn thái lát mỏng, rổ rau xanh các loại, trứng đập cho vào nước đánh lên như nấu canh. Điểm khác biệt là có thêm hai miếng thịt mỡ, miếng thịt mỡ này được đặt lên bếp nướng để chống dính, chống cháy cho đồ nướng.

Ngoài ra có một bát nước chấm độc đáo trông như nước tương, thơm ngọt và được trộn thêm với tỏi, ớt và một chiếc siêu tiếp nước lẩu.

Thone Mee nhanh chóng giúp chúng tôi nướng đồ ăn, bật lon bia Lào mát lạnh hoan hỉ cụng ly. Đúng là “Gặp nhau ở giữa con đường/ Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau” (thơ Bùi Giáng).

Món lẩu nướng Sầm Nưa - Ảnh: Băng Giang

Được một lúc, bàn bên cạnh cũng có một nhóm bạn Lào vào, khi phát hiện chúng tôi là người Việt, họ cũng thi thoảng chuyển sang nói tiếng Việt, gọi giúp nhà hàng mang thêm đồ ăn, nước uống cho chuẩn mà không phải đợi dùng đến “ngôn ngữ cơ thể”.

Bữa tối rất ngon miệng, đặc biệt với bát nước chấm mà tôi tò mò hỏi Thone Mee cách pha chế nhưng anh lắc đầu cười. Bọn trẻ con cũng dễ dàng ăn thử món lẩu nướng mà không khó khăn gì trong không khí ồn ào và náo nhiệt của căn phòng.

Đêm Sầm Nưa vì thế ngắn lại. Thone Mee còn bảo sáng mai đi ăn bún Huế của người Việt ở Sầm Nưa, đó là món ăn anh rất thích vì rất ngon.

3. Sáng. Chúng tôi rẽ qua nhà hàng Huế Thương ăn sáng bằng món bún Huế trên nước bạn Lào, mua mấy thùng bia Lào chất đầy xe mang về làm quà. Bia Lào ngon và đậm, dù khá đắt so với giá bia ở Việt Nam.

Ghé lên một ngôi chùa lớn của thị trấn, nghe lời mấy người dân địa phương bảo khi lên chùa phải lái xe chạy 3 vòng quanh chùa lấy may, chúng tôi cũng hối hả lái 3 vòng quanh chùa trước khi vào gặp nhà sư trụ trì xin “buộc chỉ cổ tay”.

Buộc chỉ lấy may là một tục lệ đã có từ lâu của người Lào mỗi khi lên chùa. Họ quan niệm nhà chùa sẽ cầu phúc và mang lại may mắn thông qua sợi chỉ vàng buộc vào cổ tay cho mọi người. Vì thế, đã thành thông lệ, nhiều khách du lịch tới Lào cũng hay tới chùa và xin được “buộc chỉ cổ tay” để cầu may.

Học bài - Ảnh: Băng Giang
Xin được buộc chỉ cầu may - Ảnh: Băng Giang

Từ trên cao nhìn xuống, thị trấn Sầm Nưa trông sống động và sầm uất hơn hẳn so với vẻ thanh bình và yên ả khi dạo quanh phố phường. Tạm biệt vùng đất đã đi vào thơ ca của người Việt, chúng tôi trở về mà những giai điệu “Cô gái Sầm Nưa” vẫn vang lên trong ôtô...

BĂNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên