12/01/2016 14:54 GMT+7

Kiểm chứng thông tin của du khách Đức về cháy tàu vịnh Hạ Long

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Một số thông tin phản ánh của du khách Đức về sự cố cháy tàu Hoa Phượng 02 trên vịnh Hạ Long ngày 25-12 đăng trên một tờ báo nổi tiếng của nước Đức không hoàn toàn đúng sự thật.

Tàu Hoa Phượng 02 bốc cháy trên vịnh Hạ Long - Ảnh do thuyền viên tàu chụp

Đầu tháng 1-2016, trên một tờ báo mạng của Đức đăng tải một bài viết nói về sự cố cháy tàu trên vịnh Hạ Long xảy ra cuối tháng 12-2015.

Hai vị khách người Đức là độc giả kiêm phóng viên Dorothy Bielfeldt (24 tuổi) và Martin Thordsen (27 tuổi) cùng 17 khách du lịch từ 5 quốc gia khác đi trên tàu Hoa Phượng từ Hải Phòng về Quảng Ninh thì gặp sự cố cháy tàu.

Theo lời của kể của Martin, khi vụ cháy xảy ra, cả hai đều rất lo việc những bình ga trên tàu có thể phát nổ.

“Trên thuyền chỉ có áo phao cũ rích từ 30 năm nay, khi thủy thủ đoàn tìm cách dập lửa thì cả 5 bình chữa cháy đều trống rỗng. Tệ hơn nữa là các thủy thủ đoàn rời thuyền đầu tiên, còn hướng dẫn viên du lịch thì hoảng loạn” - Martin cho biết.

Tuy nhiên, trong biên bản báo cáo vụ cháy cũng như biên bản họp rút kinh nghiệm của cảnh sát PCCC đều nói rõ, khi xảy ra cháy, các thuyền viên trên tàu đã sử dụng bình chữa cháy dập lửa. Nhưng do phát hiện muộn cộng với thời thời tiết bất lợi (gió to) đã khiến đám cháy bùng phát, không thể cứu chữa được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Phạm Thanh Long - phó trưởng phòng số 5 Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh - khẳng định 5 thuyền viên trên tàu Hoa Phượng đã phối hợp cùng lực lượng chức năng từ khi phát hiện hỏa hoạn đến khi đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Những người rời đi cùng du khách là lễ tân, nhân viên bồi bàn...

Ông Long cho biết: “Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được nhận định là do chập điện, đám cháy phát hiện khá muộn cộng với gió lớn khiến lửa bùng phát mạnh. Việc không kiểm soát được vụ cháy có thể do lực lượng tại chỗ lúng túng vì không tập luyện thường xuyên. Hơn nữa, khi xảy ra cháy, khói rất nhiều, bao trùm các phòng nên dù có phương tiện, thuyền viên cũng không tiếp cận được gốc ngọn lửa để dập tắt”.

Cũng theo ông Long, các vật dụng chữa cháy trên tàu Hoa Phượng đều được kiểm tra hàng quý nên vẫn còn hạn sử dụng. Với loại bình bột MFZ4 được các thuyền viên sử dụng thì thời gian phun không dài nên trong cơn hoảng loạn cộng khói nhiều, du khách có thể không xác định được rõ.

Một trường hợp hãn hữu nữa là do độ ẩm trên biển cao nên chất chữa cháy trong bình bị kết tủa, phun không ra.

Một đại diện của Sở VH-TT&DL Quảng Ninh cho biết rất lấy làm tiếc vì sự cố đã xảy ra đối với du khách, đồng thời sẽ yêu cầu kiểm chứng thêm thông tin đã được du khách phản ánh.

Hiện nay, hoạt động du lịch trên địa bàn còn một số hạn chế, để khắc phục, Quảng Ninh đã có quy định quản lý tàu du lịch trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long cũng như quy tắc xứng xử “Nụ cười Hạ Long”. 

Trong năm 2016 sẽ tập trung triển khai quy tắc ứng xử với du khách cho những người làm du lich, thuyền viên… để phục vụ du khách một cách tốt nhất.

Sau sự cố cháy tàu Hoa Phượng 02, lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp TP Hạ Long và các ngành tổng kiểm tra an toàn PCCC gần 500 tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Lực lượng đã xử phạt vi phạm hành chính 24 trường hợp với tổng số tiền gần 24 triệu đồng với các lỗi sử dụng dây dẫn điện không đảm bảo an toàn, không bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ, sử dụng thiết bị sinh nhiệt không đảm bảo khoảng cách, chưa có quy định về sử dụng điện…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng kiến nghị gần 500 sơ hở, thiếu sót về an toàn PCCC cho 202 đơn vị kiểm tra, yêu cầu khắc phục ngay hơn 300 sơ hở và tiếp tục khắc phục những thiếu sót còn lại trươc thời điểm 30-1-2016.

Với những lỗi nặng, nếu doanh nghiệp không khắc phục có thể bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.

 

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên