21/12/2014 09:20 GMT+7

​Khám phá núi rừng Khánh Sơn

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TT - Buổi sớm, từ đỉnh đèo nhìn xuống trung tâm huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) thấy bốn bề núi non trùng điệp, rừng xanh ngút ngàn, mây trắng quyện sương lững lờ trôi...

Thác Tà Gụ - Ảnh: T.Thành
Thác Tà Gụ - Ảnh: T.Thành

Cảnh sắc núi rừng của “xứ trầm hương” chẳng khác Sa Pa hay Đà Lạt.

Cách TP Nha Trang khoảng 100km về phía tây nam, núi rừng Khánh Sơn mùa này sáng nắng chiều mưa. Mưa lất phất và theo từng đợt nên cỏ cây xanh tươi, căng đầy nhựa sống như cô sơn nữ vào độ xuân thì.

Để thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của miền rừng núi hoang sơ này, du khách phải rong ruổi bằng xe máy. Từ ngã ba Ba Ngòi (TP Cam Ranh), theo tỉnh lộ chín du khách sẽ bắt đầu hành trình khám phá. Ấn tượng dọc đường đi là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay của xã Cam Phước Tây và Cam Phước Đông, kế đó những con dốc quanh co, “khúc khuỷu dốc thăm thẳm” của xã Ba Cụm Bắc - cửa ngõ của huyện Khánh Sơn.

Du khách sẽ cảm thấy mệt nhoài, căng thẳng bởi gần hai giờ chinh phục những khúc cua rợn người, nhưng lại được ngắm vẻ đẹp của đất trời, tận hưởng không khí trong lành của gió và cỏ cây dọc đường đi.

Hơn thế, sau “những ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, đứng từ vị trí Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc) sẽ thấy một miền núi non trùng điệp thu gọn trong tầm mắt.

Là những con đường nhựa cong cong hữu tình, những mái ngói nhỏ li ti của thị trấn Tô Hạp điểm xuyết giữa màu xanh non của núi rừng, ruộng lúa, nương ngô, nương mía...

Từ thị trấn Tô Hạp ngược lên tỉnh lộ 9 khoảng 10km, du khách sẽ tới xã Sơn Hiệp, nơi có thắng cảnh thác Tà Gụ (còn gọi là thác Ngà), thác nước đẹp và hùng vĩ nhất tỉnh Khánh Hòa với độ cao khoảng 40m. Thác Tà Gụ khởi nguồn từ núi Hòn Bà, phía tây dãy Trường Sơn. Thác có nhiều tên gọi khác nhau và gắn liền với hai truyền thuyết của dân tộc Raglai.

Đó là chuyện voi mẹ bị mất con, khóc than suốt ngày đêm rồi hóa đá, nước mắt voi mẹ hóa thành hai dòng thác nước, từ đó có tên gọi thác Ngà. Truyền thuyết khác kể rằng một nàng tiên vì quá mải mê vui chơi dưới dòng suối nên không kịp trở về trời và nàng đã khóc rất nhiều, mái tóc nàng hóa đá, từ đó có tên là thác Nàng Tiên.

Sức hấp dẫn của thác nước này không chỉ gắn liền với những truyền thuyết dân gian đặc sắc của dân tộc Raglai, mà còn bởi hành trình băng rừng, vượt suối trên suốt quãng đường tìm đến thác.

Với những người thích mạo hiểm sẽ có dịp thử lách người qua những vách đá dựng đứng, trơn trượt để băng qua con suối đá tảng, một hồ nước sâu hay đu những sợi dây leo trong rừng để tới chân thác.

Và sau hành trình phiêu lưu đầy mạo hiểm ấy sẽ hiện ra trước mắt một thác nước sừng sững, trắng bóc như ngà voi đang tuôn chảy dòng nước mát lạnh, đủ để xóa tan những âu lo, mệt mỏi của người lữ khách.

Xứ sở của chuối

Ngoài những sản vật nổi tiếng như mít nghệ và sầu riêng, nói tới Khánh Sơn là nói tới xứ sở của chuối. Chuối hiện diện khắp mọi nơi: rừng chuối trên lưng chừng núi, bụi chuối và chợ chuối bày dọc hai bên đường đi hay vườn chuối che bóng mát cho những căn nhà vách đất đặc trưng của người Raglai...

Người dân ở đây nhẩm tính có tới bốn loại chuối nức tiếng, đó là chuối mốc (chuối sứ), chuối bom, chuối dạ hương và chuối cơm lửa. Trong đó nổi tiếng nhất là chuối dạ hương bởi vị dẻo, thơm và ngòn ngọt. Chuối dạ hương còn được người dân nơi đây gọi với cái tên mỹ miều khác là chuối tiến vua, bởi lẽ từ thời Pháp thuộc, loại chuối này đã được chở bằng xe ngựa ra tận Huế dâng lên vua và là thức quà quen thuộc sau những bữa ăn của vua chúa nơi thành nội.

Ngày nay, có dịp ghé qua thị trấn Tô Hạp, chỉ dừng ở hai bên đường du khách sẽ dễ dàng thưởng thức món chuối mốc chiên giòn rụm. Chuối ở đây là chuối chín cây, được cắt thành từng lát mỏng và trộn với bột gạo theo tỉ lệ vừa phải, thành thử miếng chuối chiên vừa vàng rụm vừa bùi, béo. Du khách thưởng thức món chuối mốc chiên ấy một lần hẳn sẽ nhớ mãi về chốn núi rừng Khánh Sơn.

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên