Những khối đá núi lửa ngủ vùi hàng triệu năm và bờ biển hoang sơ là “đặc sản” du lịch của đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi - Ảnh: T.MAI |
Nhiều người đến đảo Lý Sơn nhưng chưa thăm đảo Bé, trong khi những du khách đến đảo Bé cho rằng: “Chưa ra đảo Bé là chưa đến Lý Sơn”. Năm 2015 chỉ 4.000 khách đến đảo Bé, qua năm 2016 đảo đón đến 35.000 du khách. Người người, nhà nhà đảo Bé đều chuyển sang phục vụ du lịch.
Nơi trị vì của núi lửa
Từ đảo Lý Sơn, du khách có thể thuê một chiếc canô tiến về đảo Bé. Chừng ba năm về trước, mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến tàu vào lúc 8h sáng đến đảo Bé thì nay bất kể giờ nào cũng có canô phục vụ du khách.
Cách đảo Lớn chỉ chừng 3 hải lý nhưng đến đảo Bé, du khách sẽ thấy khác biệt bởi không khí hoang sơ nguyên lành. Không ồn ào náo nhiệt như đảo Lớn, ở đảo Bé thứ ồn ào lớn nhất là tiếng sóng đập vào triền núi lửa. Đảo chưa đầy 1km2 nhưng có đến 34 điểm trầm tích núi lửa.
Bên cạnh những khối nham thạch ngủ vùi, đảo Bé hiện lên với những ruộng bậc thang trồng hành tỏi, bãi cát dài sạch sẽ, nước trong vắt hay những hàng dừa lúc nào cũng nghiêng mình đón gió.
Đảo Bé có bãi tắm “Bất Ngờ” với nhiều thớ đá tạo nên một nền trắng ngay dưới làn nước xanh. Vào sâu trong đảo, còn nhiều địa danh như mũi Ngóng, bãi Nhớ, hồ Bán Nguyệt, bãi Trăng Khuyết, cổng Tình Yêu, hang Chàng Thiếp, hang Thì Thầm, hòn Hôn Lén, Đồi gió hú, bãi tắm Tình Nhân... chờ đợi du khách.
Lạ nhất có lẽ là “Vườn thú” - nơi thiên nhiên ưu ái tặng những khối nham thạch thô ráp nhưng hình thù kỳ dị. Mỗi người sẽ tự tìm cho mình một hình dáng con vật khác nhau trong một “công viên” đá núi lửa đen ngòm kỳ bí.
Cả đảo đi học làm du lịch
Ông Nguyễn Văn Lê, chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết mấy ngày qua, tranh thủ xong công việc cơ quan ông cùng với cán bộ xã đi theo học làm du lịch do các chuyên gia về dạy. Ông Lê nói rằng cây hành, cây tỏi, con cá chưa thể làm dân đảo Bé giàu lên được.
“Bao đời qua người dân vẫn khó khăn vì chưa tận dụng hết thế mạnh tự nhiên của đảo. Nay có người về dạy làm du lịch, bà con cầu thị bỏ cuốc bỏ lưới đi học nói chi mình là cán bộ” - ông Lê nói.
Ở đảo Bé hiện nay từ thanh niên, phụ nữ đến cả ông cụ già nhất đảo tên Bùi Hoàng, ngoài 80 tuổi, hay anh chàng đi xe lăn Bùi Huệ cũng đi học làm du lịch rất say sưa. Ông Hoàng giỏi phản biện và thường đặt những câu hỏi ngược lại các chuyên gia để được trao đổi thẳng.
“Mình già rồi, nhưng phải hỏi để mấy đứa trẻ nghe nữa. Tụi nó làm đúng thì thoát cái khổ” - ông Hoàng nói.
Nay đến hòn Bé, những khuôn mặt đen nhẻm sóng gió biển khơi, những mái tóc bạc phơ, những thanh niên cũng biết hòn Đụn được hình thành từ hàng loạt đợt phun trào của núi lửa 11 triệu năm về trước, họ đã ý thức cần nhặt rác để bảo vệ môi trường, kéo du khách đến.
TS Chu Mạnh Trinh (cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An) đánh giá người dân đảo Bé đã chủ động làm du lịch, với việc đầu tư xe điện, hàng quán... Tuy nhiên, những câu hỏi của người dân ở đây vẫn giống câu hỏi ông nghe từ người dân Cù Lao Chàm cả chục năm về trước.
Ông Trinh cho rằng những đầu tư cho đảo Bé cũng như dịch vụ ở đây vẫn chưa tương xứng, còn quá nhiều thứ có thể phục vụ du khách để đem lại nhiều giá trị hơn cho du lịch cũng như cho người dân đảo Bé.
Quần thể trầm tích núi lửa đặc biệt Theo GS.TS Ibrahim Komoo - phó chủ tịch Hiệp hội Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, thuộc Unesco, đảo Bé với lớp địa tầng, địa mạo được ban tặng bởi những đợt phun trào núi lửa hàng triệu năm về trước là điểm đến lý tưởng cho du khách thích khám phá thiên nhiên hoang sơ và nghỉ dưỡng. Nơi đây có một vệt trầm tích núi lửa kéo dài hơn 40km2, bao gồm cả dưới đáy biển và trên bờ, theo ông Ibrahim Komoo, là một quần thể thiên nhiên đặc biệt, nếu biết giữ gìn và quảng bá sẽ thu hút du khách năm châu. |
Thân thiện và nhiệt tình Có lẽ đảo Bé là một trong những nơi tình người còn rất hoang sơ như chính thiên nhiên ở hòn đảo này. Cả đảo chưa đến 100 nóc nhà dân, họ thân thiện và nhiệt tình. Họ có thể dẫn du khách đi tham quan miếu ông Cao Cát, miếu bà Huỳnh Ngọc Thanh... Người dân đảo Bé sống dựa vào biển và phong tục của họ thờ cúng Thần Nam Hải, mỗi lần đi biển gặp Ông lụy (cá voi chết) người dân đưa về đảo chôn cất và thờ cúng. Du khách đến đảo Bé có thể tham gia trồng, thu hoạch hành, tỏi Lý Sơn nổi tiếng. Ai quen sóng có thể cùng đi câu để khuya về ngồi bên bờ biển nướng hải sản vừa bắt được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận