23/08/2015 13:44 GMT+7

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng trong khai thác du lịch!

TRẦN HOÀNG HUY KHÔI
TRẦN HOÀNG HUY KHÔI

TT - Đi trên vùng thượng du từ Đông sang Tây Bắc hiện nay, dễ cảm nhận là mạng lưới giao thông đường bộ hầu hết đã được trải nhựa, thông suốt khắp mọi nơi.  

Đồi chè hình trái tim trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh: Trần Quang Huynh

Tuy nhiên không phải ai cũng tận dụng được ưu thế này, dẫn đến tình trạng “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng" trong việc khai thác du lịch.

Chắc hẳn ai từng một lần đặt chân tới khu du lịch Vườn quốc gia Ba Bể đều công nhận: cảnh sắc thật mê hồn, rừng xanh mát mắt, không khí trong lành, hồ nước mênh mông trong xanh như ngọc bích cùng những hang động kỳ vĩ, những ngôi nhà sàn thơ mộng của dân tộc Tày. Đặc biệt, hồ Ba Bể đã làm nên một thương hiệu vang danh.

Khách không dám ở!

Với vị thế vừa điều hành quản lý vườn quốc gia lại độc quyền sở hữu nhiều công trình cung ứng dịch vụ du lịch mà bất cứ nhà đầu tư du lịch nào cũng thèm thuồng, bao gồm bãi đỗ xe, hồ bơi, khu vực nhà hàng, nhà nghỉ, bungalow với hơn 50 phòng ngay vị trí trung tâm vườn, nên khu du lịch này có một lợi thế thu hút khách du lịch vô cùng lớn.

Thế nhưng điều nghịch lý là những năm gần đây không hướng dẫn viên, tài xế nào hứng thú đưa khách lưu trú tại đây, bởi họ không thể chịu đựng nổi những lời than phiền từ khách trước thực trạng phòng ốc quá cũ kỹ, ẩm thấp, bốc mùi do hệ thống đường ống tiêu thoát nước bị mục vỡ nhưng không sửa chữa, khắc phục.

Hiện trạng này khiến nhiều đoàn khách, kể cả tây lẫn ta thường tìm đến bản Pắc Ngòi, xã Nam Mẫu bên kia hồ để lưu trú theo dạng homestay hoặc qua đêm trong những khách sạn mini.

Không chỉ riêng vấn đề chất lượng nhà khách bị phê phán, ngay các điểm du lịch cũng vậy. Năm 2007, các công ty lữ hành nao nức đón nhận thông tin: Vườn quốc gia Ba Bể sau nhiều đợt khảo sát đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và chính thức đưa hang Hua Mạ cách trung tâm vườn khoảng 7km vào khai thác du lịch.

Đây là một sơn động với nhiều nhũ đá đẹp, sinh động nằm lưng chừng núi mang tên Cô Đơn. Thế nhưng không nhiều người được đặt chân tới động Hua Mạ vì vườn còn khắt khe trong quy định điều kiện ra vào.

Hấp dẫn những đồi chè

Trong khi một số khu du lịch như Vườn quốc gia Ba Bể rơi vào tình trạng kinh doanh không đủ bù chi hằng năm sửa chữa, tôn tạo... thì nhiều điểm du lịch do tư nhân đầu tư lại năng động, đầy sáng tạo. Tiêu biểu như cao nguyên Mộc Châu - Sơn La.

Bên cạnh thế mạnh khí hậu trong lành, nhiệt độ trung bình 20oC, cây cối xanh tươi, có nhiều núi cao, những thung lũng mênh mông mờ sương thì điểm hấp dẫn dân du lịch chính là những đồi chè.

Nói đến chè xanh mướt trồng thành luống thành hàng thì Bảo Lộc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang... ở đâu cũng có. Tuy nhiên, những đồi chè tạo hình tại Mộc Châu thì chỉ có một.

Theo ông Ngô Thành Đạo - trưởng phòng thông tin xúc tiến Ban quản lý khu du lịch Mộc Châu, nhờ địa hình chia cắt, có nơi gợn sóng, nơi khác đồi núi tựa bát úp, bờ eo nên khi phủ xanh cây chè đã tạo hình trái tim, vân tay, sóng biển... đẹp hoàn toàn tự nhiên.

Sau này, ngày càng nhiều du khách nườm nượp đến chơi, cả những đôi uyên ương ở xa tận Điện Biên, Hà Nội tìm về chụp ảnh cưới đã là chất xúc tác để các chủ trang trại quan tâm, chăm sóc cho cây tăng chiều cao, ra nhiều búp mới đồng thời có thu nhập thêm từ sự hào phóng của khách tham quan.

Hiện tại có ba doanh nghiệp sở hữu những đồi chè tạo hình nghệ thuật mà khách du lịch quen gọi là đồi chè trái tim: Nông trường Mộc Sương, Mộc Châu và Công ty chè Đài Loan.

Dự kiến sắp tới ban quản lý khu du lịch Mộc Châu sẽ vận động các chủ trang trại mở cửa đón khách thăm vườn hoa cải, hoa mận, đào lúc độ xuân về. Mới hay làm du lịch phải đặt cái tâm và sự sáng tạo lên hàng đầu.

Mâm cơm đậm chất văn hóa ẩm thực của người Thái - Ảnh: Trần Hoàng Huy Khôi

Tinh tế cỗ lá

Mặc dù đã nhiều lần đến thung lũng Mai Châu - Hòa Bình và thăm xóm Pom Coọng - Bản Lác mang đậm bản sắc dân tộc Thái trắng của núi rừng Tây Bắc, song mỗi khi trở lại chúng tôi đều mang tâm trạng vô cùng háo hức.

Du khách nào đến đây cũng bị quyến rũ bởi hình ảnh ngôi nhà sàn vừa mang lối kiến trúc cổ vừa cao ráo tạo không gian thoáng đãng, rộng rãi, mát mẻ...

Đặc biệt là những món ăn đặc sắc đậm chất văn hóa ẩm thực dân tộc bản địa được chế biến công phu và bày sắp tinh tế trên lá chuối (còn gọi là “cỗ lá”) tượng trưng cho đất trời, rừng núi, trông rất bắt mắt khiến khách thật khó quên.

Phong cách sống của người Thái bản Lác điềm đạm, từ tốn, nhẫn nại như nhịp thời gian nơi đây trôi qua thật chậm rãi. Đi dạo một vòng làng dệt thổ cẩm sẽ không thấy cảnh chèo kéo người mua. Người bán tuy thiếu sự vồn vã nhưng chân thật, hiếu khách và hiếm khi nói thách nên tạo cảm giác tin tưởng, gần gũi.

 

TRẦN HOÀNG HUY KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên