24/10/2017 06:39 GMT+7

Dzìa miền Tây, ở homestay, nghe đờn ca sông nước

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG (Thuận An, Bình Dương)
NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG (Thuận An, Bình Dương)

TTO - Thử một chuyến đi về miền sông nước miền Tây ở homestay để chèo ghe, tát cá, nghe hát đờn ca tài tử, tráng bánh cuốn… xem có gì vui.

Dzìa miền Tây, ở homestay, nghe đờn ca sông nước - Ảnh 1.

Từ lâu nay, người miền Tây chào đón du khách với tiết mục chèo ghe chở khách từ sông lớn qua các con lạch nhỏ vào làng nghề, vườn cây trái. Tận mắt xem người dân địa phương làm cốm nổ (từ bắp, lúa hoặc khoai mì), kẹo dừa, tráng bánh tráng. Ngồi uống chén trà lài nóng nghe hát đờn ca tài tử, nhâm nhi viên kẹo mới ra lò hay trái chín cây vừa hái ngoài vườn. Thế là mê "miệt miền Tây" luôn.

Bây giờ, người miền Tây có thêm "món" chơi mới: tát mương bắt cá. Du khách mặc bộ bà ba nâu, trở về thời trẻ thơ nghịch đùa với bùn lấm lem từ đầu đến chân. Ai cũng căng mắt nhìn làn nước đục ngầu tìm bóng cá quẩy, cố bắt được vài con.

Hồi nhỏ theo ba xuống mương nước, bắt được con cá cỡ 3 ngón tay đã mừng húm, giờ hùng hục một hồi, lôi lên được con cá cả kí lô, im re tưởng chết rồi, ai ngờ nó quẩy một cái khiến bùn văng tứ tung rồi lủi sâu xuống bùn trốn mất tiêu. Cả gia đình ré lên cười, sảng khoái và xả stress lắm.

Dzìa miền Tây, ở homestay, nghe đờn ca sông nước - Ảnh 2.

Lội bùn bắt cá - Ảnh: THÙY HƯƠNG

Ở homestay miệt vườn

Cù lao Minh (Vĩnh Long) mấy năm trước còn vắng vẻ, nay có thêm nhiều homestay (ở nhà dân địa phương) tổ chức du lịch trọn gói nên tàu du lịch cập bến tấp nập. Homestay chúng tôi ở ngụ trên một khu đất rộng rãi, giữa là ngôi nhà cổ ba gian rộng lớn. Xung quanh nhà hoa cỏ khoe đủ sắc màu.

Hàng đu đủ thấp tè trồng dọc con mương đang ra đầy trái chín vàng, nhìn mê ngay. Ngay sau ngôi nhà cổ là cây cầu bằng gỗ bắc qua hồ cá rộng, nối với dãy nhà chia thành từng phòng.

Nhà cổ toàn bằng gỗ, còn các phòng khách phía sau xây bằng gạch thẻ, không tô trát, phơi ra màu hồng đất của gạch nung. Trước mỗi phòng có mái ngói nhỏ de ra, cửa sổ với khung và cánh làm từ gỗ, một tủ gỗ đơn sơ.

Trong phòng xếp vài bộ ván lót nệm bên trên, drap và bao gối may bằng vải thô, màu xám đơn giản. Nhà vệ sinh trang bị hiện đại và đặc biệt còn có khu tắm lộ thiên sau mỗi phòng để phục vụ ai muốn thử cảm giác "về với thiên nhiên".

Ngả mình trên bộ ván sau chặng đường dài, nhìn tường gạch đỏ trong căn phòng đơn sơ, cảm thấy thư thái, dễ chịu, nhắm mắt tận hưởng cảm giác sống trong ngôi nhà tranh, vách đất mộc mạc, thôn dã.

Khu nhà bếp dài, rộng với những cô phục vụ là các thôn nữ quần đen, áo bà ba nói cười rôm rả nghe như đang ở trong đám cưới vùng quê.

Dzìa miền Tây, ở homestay, nghe đờn ca sông nước - Ảnh 3.

Đổ bánh cuốn - Ảnh: THÙY HƯƠNG

Chủ homestay còn khá trẻ, áng chừng chưa đến 40, là con gái Bến Tre tốt nghiệp đại học ngoại ngữ Cần Thơ, lấy chồng rồi về Vĩnh Long. Chị làm cho công ty du lịch mấy năm rồi xin nghỉ, tự kinh doanh. Chúng tôi cảm thấy ngưỡng mộ những người nỗ lực tạo việc làm cho người khác, nhất là ở những vùng hẻo lánh như vầy.

Đất ở đây còn rộng, vắng người chắc buồn lắm. May mà chị chủ nói ở đây lúc nào cũng có khách, chủ yếu là khách Tây. Khách Tây đi du lịch sinh thái thích lắm. Họ quan sát làng nghề, vườn tược, rơm rạ... bình yên ở miệt đồng bằng Việt Nam với nỗi phấn khích và trải nghiệm khó quên.

Còn du khách từ tỉnh thành khác trong nước đi chơi, cảm thấy vui khi nhờ chuyến homestay miệt vườn mà đám con trẻ biết đến nắm trấu, biết phân biệt rơm, rạ, tấm, cám, biết tự tay đổ bánh cuốn bột gạo... 

Dzìa miền Tây, ở homestay, nghe đờn ca sông nước - Ảnh 4.

Ảnh: ĐỖ TRỌNG DANH

Trăng đẹp ngày rằm

Chiều mát, du khách vui thích đạp xe trên con đường làng nhỏ qua những ngôi nhà nằm giữa vườn cây. Về miền Tây là phải nhắc đến cầu, đi vài trăm mét lại băng qua một cây cầu.

Cầu bắc qua mương, lạch nhỏ, có khi qua sông lớn, bên dưới là ghe xuồng, lại cùng vui đùa vẫy tay chào vài ba chiếc tàu du lịch chở khách tham quan.

Con đường làng nhỏ dẫn qua bao nhiêu là cảnh thú vị, có khi là bãi hoa sao nhái vàng rực, có khi là rặng tre xanh ngát che kín bóng xuống con đường, có khi lại là vườn chôm chôm trĩu quả, đỏ rực.

Đám cây rậm rạp làm trời tối hơn, nhưng chỉ đi qua một đoạn, rẽ sang hướng khác lại thấy mặt trời chói chang, nắng liên xiên qua từng tán lá.

Xa xa là những mái nhà đang dùng bữa cơm chiều. Cả gia đình lớn bé quây quần ngoài hiên. Đàn gà, vịt vài con chó đi lửng thửng trong sân. Không còn nếp nhà tranh để vương vấn khói lam chiều, tiếng hát karaoke nhạc trẻ sôi động vang từ nơi nào chưa rõ giữa mênh mông. 

Ừ thì màu thôn dã có dáng dấp của sự tiện nghi, hiện đại hơn, thế nhưng cảnh làng quê yên ả, thanh bình vẫn bàng bạc phủ khắp từng ngọn cỏ, bờ đê.

Dzìa miền Tây, ở homestay, nghe đờn ca sông nước - Ảnh 5.

Ảnh: LÊ THÁI DƯƠNG

Buổi tối đám trẻ thích thú tự tay đổ bánh xèo, cả người lớn cũng xăng xái. Sau bữa ăn, cả nhà tập trung ra hiên nghe đờn ca tài tử ngoài sân. Dưới ánh trăng đêm rằm treo trên ngọn cao đầu ngõ, cả khách, chủ và nghệ sĩ cây nhà lá vườn cùng giao lưu. Không khí bỗng dưng mà thân thiện, tiếng hát tiếng đàn hòa nhịp trữ tình miên man.

Hôm rời cù lao Minh, xuồng máy đưa khách qua dòng Cổ Chiên về lại thành phố Vĩnh Long, bên tai nghe văng vẳng những giai điệu quen thuộc: Hành trình trên đất phù sa, Về miền Tây, Áo mới Cà Mau… Chợt oặn lòng thấm thía khúc hát Sóc sờ bai Sóc Trăng mà thương sông nước miệt vườn miền Tây quê mình quá đỗi: "Dù đi bốn biển năm châu, xa quê rồi mới hiểu lòng đau..."

Dzìa miền Tây, ở homestay, nghe đờn ca sông nước - Ảnh 6.

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG (Thuận An, Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên