30/06/2015 06:00 GMT+7

Đừng để hình ảnh nước mình trở nên xấu xí

VÕ HƯƠNG - MINH MẪN - TRÀ MY
VÕ HƯƠNG - MINH MẪN - TRÀ MY

TTO - Làm gì để bên cạnh mục tiêu kinh doanh, mỗi người phải có ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng dân tộc trong việc thể hiện hình ảnh người Việt Nam đến với bạn bè thế giới?

Phản ảnh cân thiếu hải sản, nữ du khách bị đánh rách mặt

Câu chuyện về nữ du khách 23 tuổi bị đánh rách mặt ở Lagi (Bình Thuận) vì phản ánh việc cân thiếu đang khiến cho dư luận bất bình về văn hóa xử hiện nay của một bộ phận những người sống nhờ ngành du lịch.

Những hành vi chặt chém, lừa đảo, hành hung du khách được phản ảnh liên tục gần đây khiến cho nhiều người cảm thấy bất an và do dự khi quyết định du lịch.

Chị Thúy An (Đà Lạt) cho biết khi đọc tin nữ du khách bị đánh rách mặt tại Lagi chị cảm thấy rất lo sợ khi sắp tới chị và gia đình định vào Bình Thuận du lịch.

“Dẫu biết rằng không phải chỗ nào cũng vậy và ai cũng hành hung khách nhưng quả thật lần này Lagi đã tạo cho du khách như mình tâm lý e ngại, sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo. Không biết chính quyền địa phương có chấn chỉnh kịp thời hành vi này để nó đừng tái diễn nữa không”, chị An chia sẻ

Trước đó Tuổi Trẻ cũng đã có nhiều bài viết phản ánh về nạn lừa đảo du khách như: ép du khách mua áo thun, chụp hình ở Tam Cốc, Bích Động; nạn ép khách nước ngoài mua dừa chặt chém ở trung tâm TP.HCM và mới đây nhất là bài viết “Xích lô dù trấn lột du khách”...

Báo động về văn hóa ứng xử trong du lịch

Theo anh Nguyễn Minh Mẫn, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, lâu nay du lịch Việt Nam chưa thật sự xây dựng nền tảng văn hóa ứng xử thật sự.

Nạn chặt chém, cân thiếu, bắt nạt du khách cho thấy quan niệm “cứ làm để lấy được tiền cái đã, người đó (khách du lịch) chưa chắc quay lại lần thứ hai” chính là kiểu buôn bán “ăn xổi ở thì”, tham lam và thiếu văn hóa trong kinh doanh.

Anh Mẫn cho rằng, người kinh doanh và cả ngành du lịch địa phương chưa có những nhìn nhận đường dài mang tính chiến lược, chưa thấy rõ mức độ lan truyền rộng rãi của truyền thông hiện nay trên báo chí, mạng xã hội nên chưa ý thức hết những tác động xấu, hệ quả kéo theo từ những sự việc "gây tai tiếng" cho ngành du lịch.

Xích lô “dù” trấn lột du khách.  Ảnh: Đức Phú

“Du khách chỉ cần nghe những phản hồi thôi là họ cảm thấy bị lừa đảo, không an toàn và như thế chắc chắn họ sẽ e ngại, không muốn thử nghiệm để chuốc lấy sự bực dọc”, anh Mẫn nói.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều các trang web về du lịch kết nối toàn cầu. Du khách nước ngoài sẽ dựa trên những bình luận tích cực hay tiêu cực mà quyết định điểm đến của mình.

Một điều dễ thấy về hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trên những trang web du lịch, ngoài lời khen về vẻ đẹp thiên nhiên thì rất nhiều than phiền về văn hóa ứng xử, tình trạng bắt chẹt, chặt chém, lừa gạt khách du lịch...

Cần tự trọng khi làm du lịch

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Trung Lương, viện phó Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, thật ra không chỉ Việt Nam mà quốc gia nào cũng xảy ra những tình trạng tương tự, chỉ khác nhau là ở những quốc gia có trình độ văn minh cao hơn thì tỉ lệ những vấn nạn du lịch ít đi mà thôi.

Ông Lương nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý và đề ra những biện pháp xử lý đối với những người kinh doanh có hành vi lừa gạt, chèo kéo, ép giá du khách hoặc làm tổn thương thân thể của họ.

Chính quyền cùng với ngành du lịch địa phương cần xây dựng kế hoạch và chiến lược lâu dài để phát triển ngành dịch vụ không khói đầy tiềm năng này.

 Một người trong nhóm bán dừa trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa(TP.HCM) đang chèo kéo, yêu cầu du khách nước ngoài phải trả 5 USD (tương đương trên 100.000 đồng)/trái dừa - Ảnh: Đức Phú

Trong đó, việc nâng cao ý thức của mỗi người dân, đặc biệt với những người buôn bán là rất quan trọng. Phải làm sao để bên cạnh mục tiêu kinh doanh, mỗi người còn phải ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng dân tộc trong việc thể hiện hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới từ những việc làm rất nhỏ.

Anh Nguyễn Minh Mẫn đề xuất, ngành du lịch phải có chiến lược lâu dài trong đầu tư và quảng bá. Trong đó, điều quan trọng chính là xây dựng một nền tảng văn hóa ứng xử phù hợp và có tầm nhìn.

Lý tưởng nhất vẫn là mỗi người dân buộn bán ở những địa điểm du lịch ý thức được kinh doanh du lịch phải đi đường dài, để họ gắn hoạt động của mình với ngành du lịch một cách tự nguyện và cư xử có văn hóa.

Những kiểu “luộc” khách du lịch

Để dẫn đến tình trạng cự cãi, xô xát giữa du khách và người bán thường là các kiểu “treo đầu dê bán thịt chó" như sau:

- Báo giá một đằng, tính tiền một nẻo: như vụ việc du khách nước ngoài được chủ xích lô báo giá 400.000 đồng cho chặng đường 1,2km nhưng khi đến nơi bị đòi đến 4 triệu đồng.

- Cân thiếu: như trường hợp nữ du khách ở Lagi phản ánh, chị mua 4kg hải sản nhưng sau đó cân đối chứng lại thực chất chỉ có 2kg.

- Gian lận trong báo giá: Du khách ở Hải Phòng bức xúc, chị hỏi giá 1 trái dừa, được báo là 50.000đ, nên quyết định mua 4 trái cho gia đình giải khát, đến khi tính tiền thì chủ quán báo là 650.000đ. Lí do vì chị hỏi thì chủ quán báo 50.000đ là cho trái đầu tiên, còn ba trái sau chị không hỏi nên chủ quán tính 200.000đ/trái.

- Bị ép phải mua hàng: Chị T.H (TP.HCM) kể lại khi chị du lịch ở Tam Cốc, đang lênh đênh trên ghe gần bến thì hai, ba người xông tới ép chị mua áo thun, chị đã xua tay từ chối nhưng lúc đó nhiều người bán áo khác xúm lại với vẻ mặt rất hung dữ, chủ ghe thì vu vơ ngó lơ chỗ khác không can thiệp. Hiểu rằng không mua thì khó yên thân nên chị đành móc hầu bao để trả tiền mua cái áo thun dù không hề muốn.

Nghe các phát biểu trong bài

>> Anh Nguyễn Minh Mẫn

>> PGS.TS Phạm Trung Lương

VÕ HƯƠNG - MINH MẪN - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên