Hàng rong tràn ngập, gây nên cảnh lộn xộn trước Dinh Cậu mỗi buổi chiều - Ảnh: Quang Kiệt |
Gần như năm nào chúng tôi cũng làm một chuyến đến Phú Quốc chơi, bởi nơi đây có nhiều cảnh đẹp - đặc biệt là các bãi biển, nhiều món ăn ngon và người dân thì hồn hậu, chân tình.
Nhưng lần quay lại Phú Quốc mới đây, xen lẫn niềm vui khi thấy đảo ngày càng phát triển, thu hút nhiều khách du lịch là những nỗi buồn lẫn suy tư.
Như mọi lần, bãi Kem (bãi Khem) là nơi nhất định chúng tôi sẽ đến bởi nước trong vắt, bờ cát trắng mịn chạy dài và cả món gỏi cá trích tươi ngon được các hộ dân địa phương chế biến tại chỗ.
Đường vào bãi vẫn khó đi như thuở nào, nhưng một nửa bãi biển đã được quy hoạch xây dựng thành một khu nghỉ dưỡng hạng sang với nhiều công trình đang được gấp rút hoàn thiện, nửa bãi biển còn lại dường như không được dọn dẹp nên tràn ngập rác.
“Coi vậy chứ quy hoạch hết rồi anh ơi, nghe đâu qua lễ 30-4 là thu hồi hết đất nửa bãi còn lại” - những ngư dân sống quanh bãi Kem cho chúng tôi biết, giọng đượm buồn.
Mà nào có riêng gì bãi Kem, các bãi Vũng Bầu, bãi Sao, bãi Dài tất cả đều đã được quy hoạch, được các resort, khu nghỉ dưỡng khai thác.
Nếu như bãi Vũng Bầu, bãi Sao, du khách còn có thể đến tắm biển, vui chơi, thì bãi Dài nay chỉ dành cho khách của một khu nghỉ dưỡng hạng sang.
Phú Quốc hiện đang phát triển “nóng”, khắp nơi là các công trình xây dựng quy mô lớn, hầu hết là các khách sạn, resort, khu mua sắm.
Trong khi thế giới đang đi theo xu hướng du lịch sinh thái, phát triển xanh thì dường như Phú Quốc hiện tại vẫn chỉ quẩn quanh việc chặt cây xây resort, bãi biển nào đẹp sẽ được khai thác triệt để.
Du khách, nếu không cư trú tại các khu nghỉ dưỡng này, sẽ khó lòng tiếp cận được các bãi biển đẹp - một “điểm trừ” cho du lịch Phú Quốc.
“Điểm trừ” nữa là gần như các bãi biển đều không có lực lượng cứu hộ. Và đi đến đâu cũng có thể thấy những bãi rác chất đống, bốc mùi hôi rất khó chịu.
Thêm vào đó, giá cả tại “đảo ngọc” ngày càng đắt đỏ theo hướng “chặt chém” du khách.
Đơn cử như khi chúng tôi đến làng chài Hàm Ninh, một bãi giữ xe tự phát đã lấy giá gửi xe máy 10.000 đồng/lần, bất kể xe số hay xe tay ga.
Ở chợ đêm, một cái bánh thốt nốt bé bằng hai ngón tay cũng được bán với giá 5.000 đồng.
Các bè ở làng chài Rạch Vẹm cũng tính giá hải sản đắt gấp 2-3 lần so với ở thị trấn Dương Đông; khách đến bãi Sao phải trả 140.000 đồng/lần thuê ghế và dù, còn phía trước Dinh Cậu mỗi buổi chiều lại tràn ngập hàng rong và ăn xin.
Hình ảnh về một Phú Quốc yên bình, hiền hòa có lẽ đang ngày một nhạt phai trong lòng du khách.
Phú Quốc đang ngày một phát triển và đóng góp nhiều hơn cho ngành du lịch địa phương lẫn Việt Nam - điều này là không thể chối cãi, nhưng phát triển bền vững, phát triển xanh có lẽ là điều đang thiếu ở địa danh du lịch nổi tiếng này.
Tiềm năng du lịch là hữu hạn, khai thác sao cho hài hòa thiên nhiên, ít tổn hại môi trường, để du khách quay trở lại thường xuyên - đây hẳn là bài học chưa bao giờ cũ, không chỉ với riêng Phú Quốc, mà với cả ngành du lịch Việt Nam!
Ông Đinh Khoa Toàn (chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang): Vận động doanh nghiệp... chừa lại bãi Dinh Cậu cho dân tắm Đúng là ở Phú Quốc các bãi biển đẹp như bãi Trường, bãi Dài, bãi Ông Lang, bãi Thơm, bãi Khem, mũi Đất Đỏ, Vũng Bầu, Rạch Vẹm, mũi Móng Tay... đều đã được phê duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư xây resort, khách sạn. Nhưng đó là quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, thẩm quyền cấp phép đều thuộc cấp tỉnh. Chính quyền cấp huyện chỉ có trách nhiệm quản lý ở địa phương. Hiện tại, chỉ còn duy nhất bãi tắm Dinh Cậu ở thị trấn Dương Đông được coi như là bãi tắm công cộng. Nhưng ở chỗ này cũng đang có khách sạn Hương Biển trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến, chính quyền huyện đảo sẽ phải vận động khách sạn Hương Biển chấp nhận chừa bãi Dinh Cậu phục vụ chung, hi vọng họ sẽ đồng tình. Trước đây, khu vực bãi biển thuộc thị trấn Dương Đông bị các resort rào chắn, không cho người dân và du khách bên ngoài vào tắm khiến dư luận phản ứng gay gắt. Sau đó, huyện đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo mở một số con đường dẫn ra biển để cho người dân địa phương xuống tắm. Có đường xuống biển là một chuyện, nhưng cảnh quan ven bờ biển thì phải chấp nhận bị các công trình xây dựng che chắn hết. Còn về việc rác thải thì hiện tại mới đổ tạm ở An Thới, Cửa Cạn, muốn giải quyết chuyện rác thải phải chờ dự án nhà máy rác. Chuyện giá cả “chặt chém” như du khách phản ảnh, tôi sẽ chỉ đạo thị trấn Dương Đông, xã Hàm Ninh kiểm tra, chấn chỉnh ngay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận