Du khách nước ngoài dạo bộ trên bờ biển dọc đường Trần Phú, Nha Trang năm 2012. Tết dương lịch năm nay, Nha Trang còn khá nhiều phòng trống - Ảnh: Tiến Thành |
Các trọng điểm như Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang... đều còn khá nhiều phòng trống. Du Lịch Tết Nguyên đán so với năm trước cũng vẫn chưa sôi động.
Thế nhưng ngay ngày đầu năm 2015, các doanh nghiệp lữ hành đã chới với bởi thông tin tỉnh Quảng Bình tăng giá vé tham quan các hang động Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng kể từ ngày 1-1-2015.
Tăng giá đột biến, thiếu cơ sở thuyết phục, tăng giá nhưng không tăng chất lượng, thậm chí giảm sút... là chuyện thường ngày của Việt Nam.
Năm ngoái, du khách từng kêu ca các danh thắng ở Ninh Bình tăng giá lên 60% mà không hề báo trước, chỉ âm thầm thông tin trên mạng nội bộ.
Năm nay, Quảng Bình còn chơi sốc hơn. Công ty Trường Thịnh, đơn vị quản lý động Thiên Đường trong quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng, thông báo tăng giá vé từ 120.000 đồng lên 250.000 đồng/người (108%).
Thông báo ký ngày 31-12-2014, tới tay các công ty ngày 5-1-2015 nhưng hiệu lực từ 1-1-2015, trước khi công văn tới.
Rất nhiều hợp đồng của các công ty đã ký với khách trước khi nhận được thông báo phải mua giá mới, trong đó có nhiều lớp sinh viên ngành du lịch đi thực tập tuyến điểm.
Điều ngạc nhiên là chủ trương quan trọng, ảnh hưởng đến dự toán tour của các công ty lữ hành, nhưng Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Tổng cục Du lịch Việt Nam đều không được tham vấn. Thậm chí, chỉ biết khi doanh nghiệp phản ảnh.
Tương tự, ngày 2-1-2015, tàu Aida Sol xông đất thành phố với 2.318 du khách và hơn 1.000 thuyền viên.
Chiều 30-12-2014. đơn vị tổ chức tour mới nhận được thông báo triển khai quy định mới của Cục Xuất nhập cảnh thì sáng 2-1-2015 đã đón khách.
Chỉ có 39 giờ chuẩn bị, đơn vị tổ chức tour đã phải tổng động viên toàn bộ lực lượng, cùng với đối tác nước ngoài vật vã hơn 10 giờ để hoàn thành thủ tục theo quy định mới.
Trước đó, khách tàu biển ghé Việt Nam chỉ xin một giấy phép chung cho cả đoàn và đóng lệ phí 5 USD/người.
Thủ tục đơn giản và hợp lý này được thay bằng việc phải xin visa từng người một. Mỗi cá nhân phải làm đơn xin, dán ảnh 4x6, mỗi visa từng người sẽ được đóng bảy con dấu và lệ phí tăng từ 5 lên 45 USD, gấp 9 lần!
Chắc chắn cách làm này sẽ làm khách quá cảnh nản chí và chọn các nước lân cận đang trải thảm hoa mời đón họ.
Dù visa rất chặt, Hàn Quốc vẫn miễn thị thực cho khách Việt đến đảo Jeju và nhiều nước đều có cách làm tương tự để hút khách.
Cục Xuất nhập cảnh và cả tỉnh Quảng Bình có thêm nguồn thu trước mắt nhưng du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại lâu dài do lượng khách giảm sút.
Tại nhiều nước, mấy chục năm nay đều không tăng giá vé tham quan và phí visa, thậm chí còn khuyến mãi để kéo khách. Họ sẽ tăng thu nhờ việc mở rộng và cải tiến vô số dịch vụ đi kèm chứ không như Việt Nam, chỉ chăm bẳm tăng giá vé tham quan và phí visa, thậm chí có nơi vé tham quan tăng một năm mấy lần.
Bất đắc dĩ phải tăng giá vé, họ sẽ báo trước cả năm để doanh nghiệp và cả du khách chủ động, chứ không có kiểu “đùng một cái”, thậm chí “làm trước, báo sau” như Việt Nam.
Thiết nghĩ Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cần phải có chính kiến cụ thể. Các doanh nghiệp cũng phải kịp thời kiến nghị sửa đổi những quy định kiểu “hành” khách thế này.
Trong khi Nhà nước đang nỗ lực giảm giá và tiết kiệm để kích cầu nội địa thì cách làm trên đang khuyến khích khách Việt qua Thái Lan, Malaysia, Singapore... vì giá cả và dịch vụ đều tốt hơn.
Chưa kể cách làm này còn phủ nhận thỏa thuận “5 quốc gia - 1 điểm đến” của bộ trưởng du lịch các nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar tại Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM tháng 9-2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận