Trẻ em tham gia một trò chơi trên quảng trường Nakhimov ngày cuối tuần, trong nhịp điệu bình thường của cuộc sống trên bán đảo Crimea cuối tháng 5-2016 - Ảnh: P.X.L. |
Những ngôi nhà gỗ nhỏ, nhiều màu sắc, lửng lơ bên sườn núi hay theo kiểu bậc thang treo quanh vách núi tạo cảm giác ấm cúng và gắn kết với thiên nhiên. Những vườn nho bạt ngàn, đồng lúa mì ngút mắt và vào tháng 5, mùa xuân đến, hoa dại đỏ, tím, vàng điểm xuyết hai bên đường núi đẹp đến ngất ngây.
Trong các thành phố lớn Yalta, Sevastopol và thủ phủ Simferopol, các cửa hàng, tên đường đều bằng tiếng Nga, hiếm hoi mới gặp những biển hiệu Tatar Crimea.
Nhưng cách buôn bán, làm ăn vẫn đượm màu sắc Kavkaz: các quầy hàng be bé rực rỡ, những lò than nướng thịt bốc khói ven đường, các quầy hoa khô hăng hắc oải hương trên những dốc đường và những người Tatar chào mời ở bến phà, cảng biển...
Người Tatar ở Crimea không bị phân biệt đối xử như phương Tây đang tuyên truyền đâu. Họ cũng được hưởng tất cả quyền lợi như người gốc Nga chúng tôi |
YEKATERINA NIKOLAYEVNA IVANOVA (nhân viên khách sạn Adigel) |
“Nhập cảnh” Crimea
Đến Crimea bằng đường bộ, du khách phải qua phà Kerchenskaya. Thủ tục lên phà khá lâu vì nhiều xe buýt tham quan, mỗi xe khoảng 50 hành khách.
Thủ tục này khiến người ta nhớ ra câu chuyện của Crimea, như một vết thương vẫn chưa hẳn lành, khi phải lấy hết hành lý trên xe buýt xuống, quét qua máy, còn hành khách phải qua thủ tục xét hộ chiếu, visa như khi nhập cảnh (dù người Nga vẫn khẳng định “Cộng hòa tự trị Crimea đã sáp nhập vào Nga và vĩnh viễn thuộc về Nga”).
Cảm giác vết thương chưa lành đó càng rõ nét hơn khi hành khách truy cập Internet. Với gói điện thoại 300 rúp/tháng (khoảng 5 USD), bạn truy cập mạng tương đối thuận tiện trên đất Nga, nhưng chỉ tới bên kia eo biển Kerch... Còn bên này eo biển, đặt chân lên đất Crimea là “mất mạng”.
Và nếu may mắn vào được Facebook bằng WiFi thì vị trí của bạn được Facebook ghi nhận là Ukraine.
Sự không tương thích về hạ tầng nhắc người ta nhớ thực trạng Crimea. 23 năm là con số bạn sẽ thường xuyên nghe người Crimea đề cập đến: đó là thời gian Crimea và Sevastopol thuộc Ukraine.
Chị Yekaterina Nikolayevna Ivanova, nhân viên khách sạn Adigel, cho biết trong 23 năm thuộc Ukraine, Crimea không được đầu tư đúng mức.
Ukraine từng là đất nước giàu có nhất nhì liên bang, với Crimea được thiên nhiên hào phóng ban tặng bao nhiêu thứ: bờ biển trải dài, khí hậu tuyệt vời, thích hợp không chỉ cho phát triển nông nghiệp mà còn cả cho du lịch nghỉ dưỡng (vùng núi Crimea có độ ẩm lý tưởng nhất cho sinh học con người: 47%.
Crimea là nơi từ xa xưa nhà văn - bác sĩ Chekhov từng tới điều trị bệnh lao, còn nước biển có khả năng chữa bệnh xương khớp, nước khoáng thì tốt cho dạ dày...).
Thế nhưng làm việc trong ngành nghỉ dưỡng mà mỗi năm chị Ivanova chỉ có việc làm bốn tháng, tám tháng còn lại phải ngồi không! Nông nghiệp bị bỏ phế, ngành sản xuất rượu với các đồng nho tuyệt vời cũng không được đầu tư đúng mức, nên kinh tế Crimea trì trệ đáng buồn.
Gọi tên du lịch
“Liên hiệp Sản xuất nông nghiệp Liên bang Nga Massandra”, một tập đoàn có lịch sử thành lập từ năm 1894, nằm ở TP Yalta. Nơi này giờ không chỉ sản xuất mà còn khai thác du lịch.
Với giá 300 rúp, bạn sẽ được nhận một khay 9 loại rượu của hầm Massandra, sẽ được giới thiệu cách thức pha chế, thời gian ủ của từng loại. Bạn được phát một tờ giấy để ghi lại cảm nhận, hầu nhớ được loại nào hợp khẩu vị nhất.
Và với 300 rúp nữa, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những hầm trữ rượu Massandra, cách thức bảo quản và duy trì những loại rượu dành riêng để dự trữ, thậm chí tới nhiều thế kỷ sau.
Có 10 hầm rượu ở Massandra, trữ khoảng 1 triệu chai rượu vang của tất cả bộ sưu tập của các mùa nho từ năm 1775 trở lại đây!
Có thâm niên 42 năm làm du lịch, bà Tachiana Alexandrovna Soldatova nói không bao giờ quên cảm giác khó tả của ngày 18-3-2014, khi đoàn du khách của bà dừng chân ở Sevastopol đúng vào ngày Tổng thống Vladimir Putin đến để tuyên bố sáp nhập Crimea và Sevastopol trở lại Nga.
Chỉ tay ra quảng trường Nakhimov, bà kể: “Hôm đó, đoàn khách chúng tôi cố tình có mặt rất sớm tại quảng trường này, cũng tại lễ đài này đây, chúng tôi đứng rất gần ông ấy. Và khi ông Putin tuyên bố: “Sau một thời gian dài bơi tự do và đau khổ, Crimea và Sevastopol từ hôm nay đã trở về với cảng Tổ quốc Nga”, tôi đã rợn cả người khi rừng người hô to hào hứng “Nước Nga, nước Nga”.
Có người cười, cũng có người khóc, một cảm giác không thể nào tả được. Có thể nói đó là niềm vui và nước mắt của ngày chiến thắng”.
Vậy còn cuộc sống những người Tatar và các thành viên tổ chức Mejlis (một tổ chức phi chính phủ của người Tatar Crimea, thành lập năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã, kêu gọi giải phóng người Tatar Crimea) bị cấm trở lại Crimea?
Bà Soldatova thừa nhận chính sách trục xuất người Tatar khỏi Crimea thời Stalin đã để lại một gánh nặng di sản cho hiện tại. Sau khi Liên Xô tan rã, dưới thời Ukraine, nhiều người Tatar đã trở lại bán đảo và yêu cầu được phục hồi, được trả lại đất đai, nhà cửa...
Khi Crimea trở lại Nga, nhiều yêu cầu của người Tatar đã được đáp ứng. Bà Soldatova khẳng định: “Hầu như tất cả yêu cầu cơ bản của người Tatar đều được thực hiện, nên khó có lý do nào để họ bất mãn. Dĩ nhiên vẫn có những người quá khích”.
Giữa những cuộc tham quan, như một điều hiển nhiên, là cuộc tranh luận về Crimea trong đoàn du khách đa số là người Nga. Không ít người chỉ trích cựu tổng bí thư Mikhail Gorbachev đã đẩy Liên Xô vào tan rã.
Bà N. kể từng làm kế toán trưởng ở một nhà máy tại Uzbekistan lúc ông Gorbachev tuyên bố trên truyền hình rằng từ nay mỗi cộng hòa sẽ là một nước độc lập, với tiếng nói riêng và chính sách riêng...
Ngay sáng hôm sau, công nhân trong nhà máy đã chào bà và nói chuyện với bà bằng tiếng Uzbek khiến bà sững người!
Du khách hỏi nhau sự kiện năm 1954 có phải là sai lầm lịch sử không, khi vùng Crimea bị tách khỏi Nga chuyển sang thành phần của Ukraine, hay sự kiện năm 1991 khi tổng bí thư Gorbachev tuyên bố giải tán Liên Xô...
Nhưng một thực tế hiển nhiên, họ đồng tình với nhau là hậu thế đang phải trả giá cho những quyết định lịch sử.
Bà Tachiana Alexandrovna Soldatova cho biết ba tiện ích thiết yếu của người dân Crimea (điện, nước và khí đốt) dưới thời Ukraine đã bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Kiev. Kiev có lý do của mình khi duy trì sự lệ thuộc này: vùng đất chiến lược Crimea có tới 65% dân số là người Nga. Nhưng có lẽ chính vì thế mà hơn 90% người dân ở đây đã bỏ phiếu “Đồng ý” cho cuộc trưng cầu ý dân tháng 3-2014, khi được hỏi họ có chấp nhận sáp nhập trở lại Nga không. |
__________
Kỳ tới: Người lập dị ở quảng trường Nakhimov
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận