Cảnh vật trên đường cao tốc KKH. Ảnh: blog Unusualtraveler
Tuyến đường huyền thoại này nằm ở độ cao 4.600m so với mực nước biển, trải dài dọc theo dãy núi Karakoram hùng vĩ, rất hiểm trở, chênh vênh, dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét.
Rất nhiều công sức, mồ hôi và cả xương máu của không biết bao nhiêu công nhân xây dựng đổ ra để làm được tuyến đường này. Chính vì những lý do đó, Karakoram Highway được mệnh danh là "kỳ quan thứ 8" của nhân loại.
Cao tốc Karakoram được khởi công xây dựng bởi chính phủ Trung Quốc và Pakistan năm 1959 và hoàn thành 20 năm sau đó, vào năm 1979.
Khoảng 810 công nhân Pakistan và 200 công nhân Trung Quốc thiệt mạng trong quá trình xây dựng, chủ yếu là do đá lở và ngã xuống vực sâu.
Cửa khẩu Khunjerab. Ảnh: blog Unusualtraveler
Xe tải được trang trí cầu kỳ trên KKH. Ảnh: blog Unusualtraveler
Dãy núi Cathedral nhìn từ thị trấn Passu. Ảnh: blog Unusualtraveler
Ngày 30-6-2006, chính phủ Trung Quốc và Pakistan ký biên bản ghi nhớ về việc nâng cấp và mở rộng cao tốc Karokaram lên 2 làn, thậm chí một số nơi lên tới 4 làn đường và dự kiến hoàn thành vào năm 2013.
Ngày 4-1-2010, một vụ lở đất kinh hoàng đã xảy ra tại ngôi làng Attabad ở Gilgit-Baltistan. Vụ sạt lở giết chết 20 người và làm chặn dòng chảy của sông Hunza trong 5 tháng.
Hơn 19km của đường cao tốc Karakoram đã bị ngập, tạo nên hồ Attabad có chiều dài 21km và sâu hơn 100 mét.
Hồ nhấn chìm 170 ngôi nhà và 120 cửa hàng, khiến người dân trong tình trạng thiếu lương thực và các mặt hàng khác thiết yếu do sự tắc nghẽn của tuyến đường cao tốc Karakoram.
Để khám phá trọn vẹn kỳ quan thứ 8 này, bạn hãy bắt đầu từ Rawalpindi, cách thủ đô Islamabad 14km về hướng nam.
Bến xe bus ở Rawalpindi khá rộng và nhiều hãng xe, có 2 VIP bus và một xe bus loại nhỏ chạy hàng ngày, cả 2 loại xe đều rời bến vào lúc 16h chiều và tới Gilgit - thành phố lớn nhất của miền Bắc Pakistan - vào lúc 18h ngày hôm sau.
Gilgit là trạm trung chuyển lớn nhất trên cao tốc Karakoram, từ đây bạn có thể thuê xe đi tới Skardu, Hunza Valley, Chitral và thậm chí thuê xe sang tới tận Trung Quốc.
Nếu bạn có nhiều thời gian, từ Gilgit, bạn có thể đi Skardu, Khaplu, Shigar hay lựa chọn cho mình những cung trek phù hợp nhất.
Hồ Attabad. Ảnh: blog Unusualtraveler
Hunza Valley. Ảnh: blog Unusualtraveler
Baltit fort nhìn từ Hunza Valley. Ảnh: blog Unusualtraveler
Nếu tiếp tục hành trình KKH từ Giglit, bạn sẽ đi tới hồ Attabad và tới thị trấn Passu nổi tiếng với dãy Passu The Cathedral Ridge. Đây có lẽ là đoạn đường đẹp nhất trong cả tuyến cao tốc với những dãy núi nhọn hoắt ngạo nghễ giữa nền trời xanh thẳm.
Passu chỉ là một thị trấn nhỏ nhưng người dân rất thân thiện và hiếu khách, bạn sẽ được mời uống trà Chai khi bạn đi qua bất cứ ngôi nhà nào trong làng. Từ Passu chỉ đi thêm chưa tới 100km nữa là sẽ tới Sost - thị trấn cuối cùng trước khi tới cửa khẩu Khunjreab ở biên giới Pakistan và Trung Quốc.
Đoạn đường chưa tới 100km này khiến bạn "mắt tròn mắt dẹt" khi thấy quang cảnh hùng vĩ tuyệt đẹp ở hai bên đường.
Nếu bạn chỉ tham quan KKH phía Pakistan thì đến cửa khẩu bạn sẽ quay lại. Còn nếu bạn muốn đi trọn KKH thì bạn phải có sẵn visa Trung Quốc để nhập cảnh vào Trung Quốc qua cửa khẩu Khunjerab ở độ cao 4.800m và là cửa khẩu cao nhất thế giới.
Từ Sost, mỗi ngày có một chuyến xe bus tới thị trấn Tashkurgan của Trung Quốc. Từ Tashkurgan bạn có thể bắt tiếp bus tới thành phố Kashgar, điểm cuối cùng của cao tốc KKH, và hoàn thành chuyến đi mơ ước của mình.
Lưu ý:
- Cửa khẩu Khunjerab đóng cửa từ ngày 1 tháng 12 tới 1 tháng 5 hàng năm.
- ATM ở Giglit thường xuyên không có tiền trong máy, vì vậy bạn cần chuẩn bị tiền mặt đầy đủ cho chuyến đi về miền Bắc Pakistan.
- Tại Sost, bạn có thể đổi từ tiền Ruppee Pakistan sang tiền RMB của Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận