Những chiếc thuyền thúng đánh bắt gần bờ ngày nào đang trở thành phương tiện chở du khách đi câu cá, lặn san hô - Ảnh: Trần Mai
Dòng họ Bùi cũng là những cư dân địa phương đầu tiên phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch trên đất đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi).
Già, trẻ, lớn, bé đều làm du lịch
8h sáng, chuyến canô đầu tiên đưa du khách từ đảo Lớn sang đảo Bé. Anh Bùi Huệ và các đồng nghiệp lái xe điện trờ tới, tươi cười đón khách.
Bùi Huệ là tài xế lái xe điện đặc biệt nhất đảo Bé. 16 năm trước, trong một lần lặn biển, chàng thiếu niên Bùi Huệ đang ở độ sâu 25m thì bị sức ép của nước và đôi chân bại liệt từ đó. Vĩnh viễn mất đi đôi chân, nhưng Huệ còn đôi tay và khối óc.
Mấy năm trước đảo Bé chưa nhộn nhịp du khách như bây giờ nhưng Huệ đã nhìn ra tiềm năng đó từ nét đẹp hoang sơ của quê mình. Anh biết rồi nó sẽ trở thành điểm đến trong tương lai. Huệ sắm cho mình một chiếc xe điện dành cho người tàn tật rồi thiết kế thêm băng ghế phía sau để chở thêm hai, ba người, trở thành người đưa đón khách tới các điểm tham quan từ đó.
Để có kiến thức về du lịch, Huệ tìm tòi, học hỏi và đọc. "Tôi tìm hiểu kỹ nguồn gốc hình thành, những câu chuyện về đảo Lý Sơn và các hòn đảo ở Quảng Nam, Bình Định... để giới thiệu cho du khách biết đất nước mình có một vùng biển rất đẹp. Mỗi ngày chở khách đi, nói chuyện với khách cũng kiếm được chừng 300.000 đồng" - anh cho biết.
Dòng họ Bùi ở đảo Bé không chỉ có những người trẻ mà cả những người đã ở tuổi tri thiên mệnh cũng "khởi nghiệp" từ du lịch. Cụ Bùi Đình Công, nay đã 82 tuổi, là người lớn nhất của đảo Bé với sản phẩm "cây cầu du lịch" tạo một điểm thăm thú cho du khách mỗi khi đến với hòn đảo này.
Trước nhà ông Công có một bãi trầm tích núi lửa tuyệt đẹp, cách bờ chừng 20m nước. Du khách đến đây đứng từ xa nhìn, chụp ảnh chứ không thể ra được. Ông nhìn ra một điều: cây cầu! Thế là ông làm cây cầu gỗ nối từ bờ ra bãi đá để khách thăm thú, chụp hình.
Mỗi người khách qua cầu, cụ Hoàng thu về 5.000 đồng. "Cây cầu du lịch" giúp hai vợ chồng cụ kiếm được hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Chị Bùi Thị Thuyền, con gái cụ Công, dựa vào cây cầu gỗ của cha mà mở thêm quán nước giải khát kèm giới thiệu cảnh trí quê hương.
Cụ Bùi Đình Công với chiếc cầu du lịch của mình - Ảnh: Trần Mai
Họ Bùi tiên phong, cả đảo làm theo
Cả đảo Bé có 131 hộ dân. Dòng họ Bùi có 15 hộ và trong số đó ai cũng chuyển từ đánh bắt gần bờ, bám mình trên ruộng hành, tỏi ra làm du lịch. Người thì mở homestay, người sắm xe điện. Anh Bùi Sanh chèo thúng đưa khách đi lặn san hô, còn anh Bùi Cường mở dịch vụ ăn uống, giải khát. Anh Bùi Diễn trong họ thì lái canô chở khách từ đảo Lớn ra đảo Bé, còn anh Bùi Thành, Bùi Tiến Dũng mở doanh nghiệp làm du lịch...
Cụ Công cho biết: "Khi tui phát động con cháu bỏ đánh bắt gần bờ để làm du lịch là có ý tứ cả đấy. Giờ đảo trở thành khu bảo tồn biển rồi. Mình mà còn đi đánh bắt hải sản như trước trong vùng bảo tồn là vi phạm quy định, hủy hoại môi trường. Với lại về lâu dài thì con cá, con cua cũng cạn kiệt còn đâu nữa mà bắt".
Dòng họ Bùi tiên phong làm du lịch và trở thành "thầy" của những người khác sống trên đảo, giúp những người khác thay đổi cuộc sống của mình. Chiếc thúng, chiếc ghe nhỏ khi xưa đi bắt cá quanh đảo không đủ sống giờ đã trở thành phương tiện đưa du khách đi lặn san hô, câu cá... nhàn nhã nhưng cuộc sống lại khấm khá hơn xưa.
Dân đảo Bé không chỉ tự làm du lịch mà còn giúp nhau làm. Anh Bùi Sanh sau khi tận dụng chiếc thúng chở khách đi lặn san hô đã hướng dẫn người dân trên đảo cùng làm, bày mọi người cách sơn lại chiếc thúng cho đẹp mắt. "Người dân trên đảo sống chia sẻ cùng nhau, không toan tính, vụ lợi. Ngay cả khi kinh doanh, mọi người cũng nhường nhịn, giúp đỡ nhau chứ không có tình trạng chèo kéo khách, hay phá giá, cãi vã" - phó trưởng Công an xã An Bình Võ Minh Quang nhận xét.
Và rồi, từ những lời giới thiệu đầu tiên đến với du khách tới bây giờ, dòng họ Bùi vẫn đi đầu trong việc phát triển du lịch cho đảo Bé. Anh Bùi Thành đã thành lập Công ty TNHH dịch vụ và công nghệ Bùi Gia để tập hợp người dân lại làm du lịch bài bản hơn.
Anh Thành chia sẻ: "Tâm huyết thành lập một công ty do chính người dân bản địa làm chủ để cùng mọi người làm du lịch theo cách bài bản, quy củ hơn... nên tôi mới cùng mọi người trong họ bàn bạc, thành lập nên công ty. Ngay cả tên công ty cũng là vì tôi mong muốn tất cả con cháu trong dòng họ cùng đoàn kết, yêu thương, gắn bó với nhau".
Trợ sức từ xa
Không chỉ những người sống trên đảo, cả những người họ Bùi xa xứ cũng trợ sức cho bà con ở quê nhà.
Anh Bùi Đạt (33 tuổi), một người con của đảo Bé vào TP.HCM lập nghiệp, làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều năm nay bỏ tiền túi mua lại những tên miền như: daolyson.com, dacsanlyson.com, dulichlyson.com, toilyson.net, lysontourist.com... Anh nói có nhiều cách để thể hiện tình yêu quê hương, và anh lựa chọn cách sở hữu các tên miền này để lưu giữ, đăng tải, quảng bá về đất, người và đặc sản Lý Sơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận