08/10/2016 13:12 GMT+7

10 năm hòn Phụ Tử gãy đổ: ​Bao giờ khu du lịch hồi sinh?

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TTO - Cảnh trí và những giá trị tinh thần của hòn Phụ Tử đã ngấm sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ. 10 năm sau sự cố hòn Phụ Tử gãy đổ, khu vực vẫn chưa được chỉnh trang đê thu hút khách du lịch.

Hòn Phụ Tử lúc chưa bị gãy đổ Ảnh: Trần Lam
Hòn Phụ Tử lúc chưa bị gãy đổ Ảnh: Trần Lam


Rạng sáng 9-8-2006, mưa dông, sóng lớn đã làm hòn Phụ (hòn lớn) cao 33,6m của hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) bị gãy đổ thành nhiều đoạn, chìm xuống biển. Sự cố hi hữu này khiến danh thắng quốc gia, một thời là “gà đẻ trứng vàng” của du lịch Kiên Giang, bị bỏ quên trong sự tiếc nuối của bao du khách...

Chuyện rằng ngày xưa, vùng biển này có con thuồng luồng hung bạo, chuyên rình rập ăn thịt ngư dân. Vì muốn cứu bao mạng người, một nông dân sống cạnh chùa Hang đã nghĩ ra cách thoa thuốc độc lên cơ thể mình để làm mồi cho quái thú…

Con thuồng luồng đã trúng độc mà chết. Khi người con đi tìm cha, thấy phần thân xác còn lại của ông đã ôm chầm lấy than khóc, để rồi cũng ngấm chất độc từ thi thể người cha.

Sau khi hai cha con qua đời, trời đất bỗng vần vũ, mưa gió, sấm sét suốt mấy ngày liền. Sau đó, nơi cha con họ gặp nạn đã mọc lên hai hòn đá, hòn lớn là người cha, hòn nhỏ là người con. Từ đó có tên hòn Phụ Tử!

Khép lại một truyền thuyết

Vẫn còn nhớ như in, thời điểm đó Kiên Giang và nhiều địa phương vùng Tây Nam bộ đang bị ảnh hưởng của một cơn áp thấp, mưa dông nối nhau suốt mấy ngày liền.

Nhận tin báo, vượt qua nhiều đoạn đường lầy lội, có nơi bùn nước ngập cả vành xe máy, chúng tôi có mặt tại hiện trường vào buổi xế trưa. Trời mưa rả rích nhưng người dân trong và ngoài địa phương vẫn đang tụ tập bàn tán.

Trong ngày đầu tiên có hàng ngàn người từ các nơi đổ về để được tận mắt thấy hiện trạng gãy đổ của danh thắng này, bởi nói như ông Hai Minh, 81 tuổi, người gần như cả đời gắn bó với vùng đất Hòn Chông (Kiên Lương):

“Hòn Phụ Tử được bà con coi như báu vật, bao đời gắn bó và phù trợ cho sự bình yên của dân làng, nay đột nhiên mất đi nên mọi người thấy ngỡ ngàng, tiếc nuối dữ lắm”. Không ngỡ ngàng sao được, khi sự nổi tiếng của hòn Phụ Tử không chỉ ở cảnh sắc mà còn gắn với một truyền thuyết thật đẹp về tình cha con, nghĩa xóm làng.

Sau sự cố, các nhà khoa học đã nhanh chóng đưa ra nhận định: trước đây hòn Phụ (có trọng lượng hơn 1.000 tấn) đứng được là do một phần lõi dính với nền, cộng với sự nâng đỡ của vài cụm đá nhỏ xung quanh.

Do sự xuất hiện những khe nứt nghiêng 30-35 độ dưới chân, cộng với tốc độ phong hóa của đá vôi, sự xâm thực của sóng biển và nhất là cơn dông tạo sóng lớn vào đêm xảy ra sự cố đã làm gãy đổ hòn Phụ.

Tại hội thảo khoa học do tỉnh Kiên Giang phối hợp Cục Di sản (Bộ Văn hóa - thông tin) tổ chức sau đó, đã có một số ý kiến bày tỏ quyết tâm khôi phục hòn Phụ Tử. Một nhà điêu khắc đến từ Khánh Hòa đã đề xuất làm giàn giáo, đổ bêtông để phục dựng theo nguyên mẫu hòn Phụ, bên trong có thể làm rỗng để nuôi yến.

“Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy (Đồng Tháp) thì mạnh dạn đề xuất phương án trục vớt những phần đã sụp của hòn Phụ để phục dựng, với thời gian hoàn thành trong khoảng 1 năm.

“Đó là mong muốn về tình cảm, nhưng khi bỏ phiếu có nên khôi phục thắng cảnh này thì quá nửa trong tổng số hơn 100 nhà khoa học, nhà văn hóa đã nói không bởi điều kiện môi trường, kết cấu nền, địa chất... ở nơi đó không cho phép. Từ cơ sở này, Cục Di sản đã có kết luận giữ nguyên hiện trạng, không khôi phục hòn Phụ Tử nữa” - ông Trương Văn Nhu, nguyên giám đốc Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang, kể.

*** Error ***
Hòn Phụ Tử hiện nay

 

Bao giờ khu du lịch hồi sinh?

“Cảnh trí và những giá trị tinh thần của hòn Phụ Tử đã ngấm sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ. Vừa rồi tôi rất mừng khi nghe có nhà đầu tư định phục dựng mô hình, đồng thời xây cất thêm nhiều công trình, dịch vụ phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nhưng chờ lâu rồi chưa thấy động tĩnh gì" - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam (chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang)

Khi chúng tôi đề nghị so sánh sự khác nhau của khu du lịch hòn Phụ Tử hiện tại với thời “hoàng kim” trước khi xảy ra sự cố sụp đổ hòn Phụ, ông Tám Thọ (74 tuổi, ở xã Bình An) nói ngắn gọn:

“Bèo hơn nhiều”. Rồi ông dẫn chứng: cảnh nhộn nhịp của khu du lịch ngày trước giờ không còn, thay vào đó là những hàng quán tạp hóa, quần áo, quà lưu niệm cùng nhiều thứ “biệt dược”, thuốc đông y được trưng bày la liệt từ ngoài vào tận cổng chùa Hang.

Trên cung đường ven biển, sát với khu vực dành cho du khách ngắm hòn Phụ Tử còn có nhiều quầy hàng ẩm thực, bán các loại hải sản.

Ông Thọ cũng cho biết trong khu du lịch, ngoài hòn Phụ Tử còn có hang Kim Cương gần cầu tàu nhưng chưa được chỉnh trang, thắp sáng để khai thác du lịch; rồi giếng Tiên nằm phía trên vách núi, phía biển cũng chưa có đường bộ cho du khách tới.

“Hình như người ta chỉ chú ý khai thác danh tiếng của hòn Phụ Tử để cho thuê mặt bằng, thu tiền mà quên mất việc chăm sóc nó sau cú té ngã của người cha (hòn Phụ)” - ông Tám Thọ nói.

Đứng dưới gốc dừa già đưa mắt ngó về hòn Phụ Tử, ông Ba Liêm, 72 tuổi, khách tham quan đến từ huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), bùi ngùi:

“Nhân về dự giỗ cúng đình ông Nguyễn tại TP Rạch Giá (từ ngày 26 đến 28-9), tui đưa con cháu lên đây chơi. Tới nơi rồi mới biết, ngoài việc đứng ngắm một nửa hòn Phụ Tử còn lại thì cũng không biết làm gì.

Ấy là tui đã từng đến đây nhiều lần, biết cảnh trí hòn Phụ Tử ngày trước cũng như chuyện kể về tên gọi của nó, chứ lớp con cháu mới lớn làm sao hình dung ra. Phải chi có hình mẫu thu nhỏ của thắng cảnh lúc còn nguyên vẹn cùng vài dòng giải thích cho mọi người hiểu rõ nguồn cơn”.

Trong khi đó, một số bạn trẻ lần đầu đến đây lại có đề xuất rất đáng lưu ý.

“Em nghĩ việc sụp đổ của hòn Phụ Tử là một chứng tích rõ ràng nhất về sự tác động của thiên nhiên đến môi trường sống của chúng ta. Nếu khu du lịch có điểm trưng bày hình ảnh, thông tin hoặc thuyết minh cho khách tham quan biết một cách khái quát về quá trình biến thiên này thì hay biết mấy” - Hiếu Nghĩa, sinh viên năm 3 khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH Cần Thơ, bày tỏ trong chuyến dã ngoại cùng cả lớp hồi cuối tháng 9.

Bà Huỳnh Nhã Trúc, giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và du lịch huyện Kiên Lương (đơn vị quản lý khu du lịch hòn Phụ Tử), thừa nhận cơ sở hạ tầng khu du lịch được đầu tư hơn chục năm đã xuống cấp, trong khi các sản phẩm, dịch vụ du lịch chưa đa dạng.

“Chúng tôi chỉ được giao nhiệm vụ quản lý, giữ an ninh trật tự, còn việc đầu tư xây dựng thì thuộc về ban quản lý dự án của tỉnh. Mình chậm đầu tư, trong khi nhiều điểm du lịch khác như Phú Quốc có hạ tầng tốt hơn nhiều nên hút khách. Đó là nguyên nhân chính làm cho lượng khách tham quan hòn Phụ Tử giảm trong những năm gần đây” - bà Trúc nói.

Ông Nguyễn Văn Sáu - phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết sau sự cố sụp ngã hòn Phụ Tử, UBND tỉnh giao khu du lịch này cho Công ty CP Du lịch Kiên Giang đầu tư, khai thác, nhưng suốt thời gian dài đơn vị này không đầu tư gì đáng kể, cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp nên tỉnh đã thu hồi và giao lại cho huyện Kiên Lương.

Từ khi giao về cho địa phương thì việc vệ sinh, an ninh trật tự trong khu du lịch có tiến triển, nhưng do ngân sách dành cho cơ sở hạ tầng du lịch hạn hẹp nên hòn Phụ Tử vẫn chưa được chỉnh trang.

Đến năm 2014, tỉnh tranh thủ được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 5,61 triệu USD. “Cơ bản là đầu tư lại toàn bộ hạ tầng cho khu du lịch hòn Phụ Tử để kết nối tour, hồi sinh du lịch cho hòn Phụ Tử” - ông Nguyễn Văn Sáu nói.

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên