
Nguồn khách đến từ thị trường Ấn Độ có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025, ngành du lịch Việt Nam được giao nhiệm vụ đón từ 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4 - 5 triệu so với năm trước, tương đương khoảng 20%.
Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch cần có những chiến lược phù hợp với bối cảnh thị trường và xu hướng mới.
Trong bức tranh tăng trưởng chung, thị trường châu Âu tiếp tục được đánh giá là nguồn khách chất lượng cao, có mức chi tiêu lớn và thời gian lưu trú dài.
Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2024 chúng ta đón khoảng 2,2 triệu lượt khách từ châu Âu, vẫn thấp hơn mức trước đại dịch (khoảng 2,5 - 3 triệu). Trong đó, khách đến từ Anh, Pháp, Đức, Nga và các nước Bắc Âu chiếm tỉ lệ lớn. Đây cũng là nhóm khách có xu hướng lưu trú dài hơn, trung bình từ 10 - 14 ngày, và có mức chi tiêu cao hơn nhiều so với các thị trường khác.
Tuy nhiên, so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan hay Indonesia, Việt Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với khách châu Âu. Nguyên nhân chính là hạn chế về đường bay thẳng, chính sách visa chưa đủ cạnh tranh và thiếu chiến lược quảng bá phù hợp với thị hiếu nhóm khách này.
Mặt khác, để duy trì và phát triển thị trường, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên thành thạo các ngôn ngữ hiếm như tiếng Đức, Pháp, Ý.
Chẳng hạn thị trường khách Đức, chúng ta từng rất mạnh, nhưng hiện nay đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Đức phần lớn đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ kế cận rất ít. Nếu không có chính sách đào tạo nhân lực, chỉ 5 năm nữa, chúng ta sẽ mất đi thị trường này.
Ngoài các thị trường truyền thống, ngành du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự mở rộng của các thị trường mới, đặc biệt là từ Trung Á, Mông Cổ và Trung Đông. Dù số lượng khách từ các khu vực này chưa lớn, nhưng đây là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội khai thác khách quốc tế trong mùa đông.
Gần đây Việt Nam đã đón lượng khách quốc tế từ Kyrgyzstan, một tín hiệu tích cực cho khởi đầu năm nay. Do đó, việc mở thêm các đường bay kết nối trực tiếp trong mùa đông giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách từ các quốc gia này, đặc biệt là với những bãi biển ấm áp như Nha Trang, Phú Quốc hay Đà Nẵng.
Một hướng đi tiềm năng khác là thu hút khách du lịch hạng sang từ Trung Đông - nhóm khách có mức chi tiêu cao. Tuy nhiên, để làm được điều này, Việt Nam cần đầu tư vào hệ thống khách sạn, nhà hàng đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu về ẩm thực, dịch vụ và trải nghiệm cao cấp.
Chúng ta có thể học hỏi từ các điểm đến nổi tiếng như Dubai hay Maldives về cách phục vụ khách thượng lưu, đồng thời cần có chiến lược quảng bá cụ thể để tiếp cận nhóm khách này.
Hay với mảng du lịch tàu biển đang đem đến nguồn doanh thu khổng lồ khi mỗi tàu du lịch cỡ lớn có thể chở từ 3.000 - 5.000 khách, Việt Nam vẫn chưa có chính sách đồng bộ để biến các cảng biển thành trung tâm đón khách du lịch.
Dù các doanh nghiệp lớn đã tiếp cận các tập đoàn tàu biển quốc tế, nhưng cần có chiến lược cấp quốc gia, chương trình quảng bá riêng để Việt Nam trở thành điểm đến thường xuyên của các hãng tàu lớn.
Với thực tế hiện nay là thị trường Hàn Quốc đang có dấu hiệu chững lại do kinh tế và chính trị bất ổn, thị trường khách Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ và lượng khách từ Nga cũng sớm quay trở lại, du lịch Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2025.
Việc đầu tư vào hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách xúc tiến theo chiều sâu sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam cạnh tranh và bứt phá trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận