VinWonders Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thu hút du khách đến tham quan - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề Hộ chiếu vắc xin - Giải pháp hướng đến du lịch an toàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch, TP Phú Quốc, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cùng các doanh nghiệp (DN) ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, lữ hành...
Việt Nam nằm trong "tầm ngắm" của du khách quốc tế
Ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc, Kiên Giang - cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ vừa đặt vấn đề với địa phương này về việc có sẵn sàng đón khách từ Ấn Độ hay không, bởi nhiều khách nhà giàu Ấn Độ đang muốn đi du lịch và chọn điểm đến Phú Quốc.
"Chúng tôi sẵn sàng đón khách nhưng chưa hình dung sẽ thực hiện như thế nào. Nếu mở cửa, các tour du lịch quốc tế sẽ được tổ chức theo cách thức khép kín. Nhưng du khách quốc tế đến sẽ sử dụng dịch vụ gì và khép kín như thế nào?" - ông Nghiệp băn khoăn. Đồng thời khẳng định Phú Quốc sẽ phải thực hiện tốt miễn dịch cộng đồng mới tính đến chuyện đón khách quốc tế.
Với dân số Phú Quốc chỉ hơn 140.000 người, theo ông Nghiệp, việc phổ biến tiêm chủng sẽ không quá khó nhưng Phú Quốc cũng đang đón khoảng 18.000 lượt khách nội địa mỗi ngày, nên cần tính toán phương án đảm bảo an toàn của du khách trong nước khi đón khách quốc tế.
Theo ông Tô Việt Thắng - phó tổng giám đốc Vietjet Air, đây là thời điểm hàng không và lữ hành phải cùng nhau bàn giải pháp đưa khách quốc tế trở lại Việt Nam an toàn, kịp lúc. Thị trường đón khách phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch tốt nhất, được Chính phủ đồng ý, có thỏa thuận hai chiều trong đưa và đón khách.
Ông Tô Việt Thắng, phó tổng giám đốc Vietjet Air - Ảnh: CHÍ CÔNG
"Các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tổ chức tiêm vắcxin khá tốt có thể là lựa chọn để mở cửa trước, chưa kể Singapore, Indonesia hay Thái Lan... Chúng tôi sẵn sàng mở cửa với các thị trường này và có thể thực hiện trao đổi khách hai chiều" - ông Thắng đề xuất. Đồng thời cho rằng Phú Quốc là điểm đến phù hợp để thí điểm "hộ chiếu vắc xin" vì có vùng đệm là biển, bên cạnh một số điểm đến khác.
Cũng theo ông Thắng, cần ưu tiên tiêm vắcxin cho ngành hàng không, cơ quan liên quan như hải quan xuất nhập cảnh, công an... đảm bảo an toàn, tránh các trường hợp cách ly 14 ngày, ảnh hưởng nguồn nhân lực. Ngoài ra, để chuẩn bị tốt, Chính phủ cũng phải thống nhất, đồng bộ, các bộ quy định về kiểm soát xuất nhập cảnh, trên cơ sở đó có thể kiểm soát chặt chẽ.
Chợ đêm Phú Quốc luôn là điểm đến tham quan, ẩm thực hấp dẫn với du khách - Ảnh: Q.Đ.
Không thể bỏ qua cơ hội mở cửa
Bà Trần Thị Nguyện, giám đốc Kinh doanh SunWorld - Ảnh: CHÍ CÔNG
Bà Trần Thị Nguyện, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sun Group, cho biết ngành du lịch đang sống nhờ vào du lịch nội địa và thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa để khai thác. Tuy vậy, mảng khách quốc tế vẫn rất quan trọng khi hơn 50% doanh thu đến từ nhóm khách này. Nếu Việt Nam không khởi động sớm sẽ bỏ qua cơ hội để đón khách.
Theo bà Nguyện, Phú Quốc là địa điểm "hoàn hảo" để thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, sau đó có thể từng bước mở cửa với những địa phương có thành tích chống dịch tốt khác. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để Phú Quốc mở thêm thị trường khách Nga với những "vị khách có mức chi tiêu cao, thích nắng ấm, không di chuyển nhiều và thời gian lưu trú dài ngày".
"Một trong những lý do Phuket hay Bali hấp dẫn du khách là chính sách miễn thị thực visa. Do đó, cùng với xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, Việt Nam cũng cần nghiên cứu chính sách visa" - bà Nguyện đề xuất.
Theo ông Nguyễn Hữu Ý Yên - tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, phải cân đo đong đếm giữa nguy cơ và nguồn lợi thu được khi mở cửa du lịch, chọn khu vực thí điểm đón khách quốc tế và thực hiện miễn dịch cộng đồng.
"Quy trình này cần ít nhất 2 tháng nên phải có sự chuẩn bị trước. Phải phân vùng rộng để khách thực sự thoải mái cho hành trình tour. Nếu khách chỉ loanh quanh trong resort sẽ không hấp dẫn cũng như không thu được kinh tế cao. Chúng tôi vẫn đang duy trì việc báo giá dịch vụ, đặt tour với các đối tác quốc tế" - ông Yên nói.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist - Ảnh: CHÍ CÔNG
Ông Nguyễn Trường Nam - phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế - cho biết cơ quan này đang tính toán việc triển khai và áp dụng "hộ chiếu vắc xin" ra sao. Đến ngày 25-3, cả nước đã có trên 40.000 người được tiêm vắc xin, con số này sẽ tăng nhanh trong những ngày tới và có thể cấp chứng chỉ tiêm chủng (hay còn gọi là "hộ chiếu vắc xin") để liên thông đi lại với các quốc gia.
"Phải sớm chuẩn bị để không đánh mất thị trường du lịch quốc tế, bởi các nước xung quanh cũng đang tiến hành các công việc tương tự để đón khách nước ngoài. Các nước có thể đàm phán song phương, tham gia hệ thống thông tin tiêm chủng, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ dữ liệu để đồng hành, hỗ trợ tối đa cho ngành du lịch phát triển" - ông Nam nói.
Du khách đến Phú Quốc đã có dịp đi cáp treo Hòn Thơm ngắm cảnh đảo ngọc tuyệt đẹp từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sẽ đón khách quốc tế sau quý 3?
Ông Nguyễn Quý Phương - vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch - cho biết việc áp dụng "hộ chiếu vắc xin" là chủ trương nhận được sự đồng thuận rất lớn, bởi sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại của công dân các nước, giúp hồi phục kinh tế.
"Chúng tôi cũng đang soạn thảo các phương án mở lại thị trường quốc tế để trình Chính phủ. Tuy nhiên, lộ trình mở cửa của Việt Nam sẽ theo cách thức thí điểm từng bước, không mở cửa ồ ạt" - ông Phương nói. Đồng thời cho biết việc mở cửa sẽ lựa chọn loại hình du lịch, ưu tiên du lịch ít tiếp xúc như tour du lịch cách ly kết hợp chăm sóc sức khỏe, chơi golf...
Việc mở cửa cũng sẽ lựa chọn doanh nghệp tham gia có tiềm lực, đủ năng lực thực hiện quy trình an toàn và xử lý khi có sự cố.
Ngoài ra, phải có đồng thuận với địa phương, chuẩn bị cơ sở hạ tầng - phối hợp với Bộ Y tế để triển khai thẻ thông hành (Travel Pass). Dù vậy, theo ông Phương, sớm nhất phải sau quý 3 mới mở cửa, khi thị trường du lịch nội địa qua cao điểm và các doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện để đón khách.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn của Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chống dịch hiệu quả vẫn phải đạt được "mục tiêu kép", đó là kèm theo phát triển kinh tế.
Do đó, việc mở rộng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và sử dụng "hộ chiếu vắc xin" như một giải pháp để mở cửa lại thị trường du lịch là một biện pháp cần sớm bàn bạc triển khai, dù vẫn còn những rủi ro.
"Tỉ lệ được bảo vệ sau tiêm từ 60-95%, vắc xin giúp giảm các triệu chứng của bệnh và hạn chế số ca tử vong xuống bằng 0. Nhưng liệu vắcxin có hiệu quả với biến thể virus Nam Phi hay một số loại biến chủng virus khác, vắcxin có thời gian bảo vệ bao lâu... là những câu hỏi khó. Tuy nhiên, nếu cứ sợ khó khăn sẽ không bao giờ làm được" - ông Phu nói.
TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc, cho biết thế giới đã có 4 loại vắc xin được công nhận toàn cầu, 40 vắc xin khác đã ra thị trường. Và trong bối cảnh hiện nay, vắc xin là "cứu cánh" quan trọng, dù tỉ lệ đạt hiệu quả miễn dịch đạt 60-95% nhưng có thể tháo gỡ bằng các giải pháp kỹ thuật.
Phải có thêm "chứng chỉ kháng thể"
"Chứng chỉ kháng thể" có lẽ là chìa khóa quan trọng được đề cập nhiều trong buổi tọa đàm ngày 25-3.
Để đảm bảo an toàn, theo TS.BS Phạm Quang Thái, du khách vào Việt Nam không chỉ có "hộ chiếu vắc xin" mà còn cần có "chứng chỉ kháng thể". Chỉ cần lấy máu đầu ngón tay và sau 30 phút có thể xác định người được tiêm chủng đó đã được bảo vệ và sinh kháng thể hay chưa.
Với cách tiêm ở Việt Nam, theo ông Thái, sau 3 tháng 3 tuần tính từ ngày tiêm mũi đầu tiên có thể test và có "chứng chỉ kháng thể". Với cách tiêm quốc tế, chỉ cần 1 tháng 3 tuần kể từ khi tiêm mũi đầu để có đủ 2 chứng chỉ trong "hộ chiếu vắc xin".
Trong điều kiện hiện nay, du lịch có thể dựa vào "những lần đã ngã trước đây" để rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng các gói nghỉ dưỡng và khám phá cho du khách, đặc biệt là các thị trường khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày.
Cần chọn hình thức du lịch phù hợp
Ông Soo Youn Cho, giám đốc điều hành GAON Travel - Hàn Quốc, khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi tọa đàm, đồng thời cho biết hãng này vẫn đang duy trì mỗi tuần một chuyến bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam cho các chuyên gia, cũng như vận chuyển hàng hóa trong thời gian vừa qua.
Ông Soo Youn Cho
* Ông nhận định thế nào về tiềm năng thiết lập "hành lang du lịch" giữa Hàn Quốc và Việt Nam?
- Theo tôi, Hàn Quốc rất sẵn sàng vì ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp (DN) du lịch nói riêng đang rất cần mở cửa du lịch để phục hồi. Khách Hàn Quốc cũng rất nóng lòng đi du lịch.
Trước đây, người Hàn Quốc thường đi du lịch ngắn ngày, khoảng ba ngày. Nếu được mở cửa trở lại, các tour du lịch sẽ phải kéo dài ngày hơn, sẽ có các đoàn khách lớn và đoàn khách mang tính riêng tư cao, đến các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam để chơi golf, tập trung nghỉ dưỡng hơn là khám phá.
* Cần bao lâu để doanh nghiệp Hàn Quốc chuẩn bị cho việc nối lại đường bay cũng như đưa du khách tới Việt Nam?
- Vấn đề không phải là thời gian vì hiện chúng tôi đã có những chuyến bay đưa chuyên gia tới Việt Nam. Tuy nhiên, để có khách du lịch, chúng ta cũng cần ít nhất hai tháng với mỗi chuyến bay khoảng 200 khách. Vấn đề vướng mắc hiện tại là hai nước cần phải thảo luận để thống nhất một quy trình nhập và xuất cảnh, đảm bảo tiêu chí an toàn.
Vì du lịch là hai chiều, làm sao để các công ty du lịch Hàn Quốc biết yêu cầu để du khách nhập cảnh, cũng như khi về nước thì cần điều kiện gì hay không. Chỉ cần có quy trình, doanh nghiệp Hàn Quốc có thể đưa khách tới ngay lập tức. Chúng tôi cũng đang nhắm đến thị trường Phú Quốc. Nếu nơi đây mở cửa, không chỉ các dịch vụ du lịch phát triển mà thị trường bất động sản cũng sẽ nhộn nhịp theo.
* Nếu ứng dụng Travel Pass của IATA được sử dụng trong thực tế, hai nước có cần phải thảo luận riêng nữa hay không?
- Việc các nước cùng sử dụng Travel Pass cũng thống nhất cùng một quy trình. Để làm được, Travel Pass phải nắm lượng dữ liệu rất lớn của công dân mỗi nước, vì vậy cần sự thảo luận, thống nhất và đồng tình giữa các nước để thực hiện.
Nhu cầu của người Hàn Quốc du lịch đến Việt Nam đang rất lớn. Nếu VN có một lộ trình mở cửa bầu trời, chắc chắn khách Hàn Quốc đến Phú Quốc sẽ tăng nhanh.
M.KHÔI - N.BÌNH thực hiện
Tọa đàm Hộ chiếu vắc xin - Giải pháp hướng đến du lịch an toàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Sun Group, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận