19/03/2022 08:19 GMT+7

Du lịch Việt làm mới để đón khách

NHƯ BÌNH - THÁI BÁ DŨNG
NHƯ BÌNH - THÁI BÁ DŨNG

TTO - Những sản phẩm mới, độc đáo mà nhiều du khách đều muốn được một lần trải nghiệm trong đời, cùng với những dịch vụ chất lượng, tiện ích 5 sao với chi phí hấp dẫn nhất... đã được chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón du khách quốc tế trở lại Việt Nam.

 Tại Hội thảo Ấn tượng Việt Nam: Làm mới để đón khách, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch đã công bố các sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi đặc biệt, các gói dịch vụ riêng hứa hẹn thu hút du khách sau khi du lịch Việt mở cửa hoàn toàn các hoạt động.

Du lịch Việt làm mới để đón khách - Ảnh 2.

Các diễn giả là đại diện những doanh nghiệp du lịch, hàng không lớn tại Việt Nam như Vietjet, Vinpearl, Travelner nhận hoa cảm ơn từ ban tổ chức hội thảo - Ảnh: TẤN LỰC

Đây là những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp trong suốt thời gian ngành du lịch đóng cửa với du khách quốc tế do dịch COVID-19, được giới thiệu tại hội thảo du lịch với chủ đề Ấn tượng Việt Nam do Tuổi Trẻ tổ chức tại Vinpearl Nam Hội An (Quảng Nam) chiều 18-3, với sự đồng hành xuyên suốt của Travelner Việt Nam, Vinpearl, Vietjet Air và Saigontourist Group.

Những sản phẩm phải trải nghiệm một lần

Từ du lịch mạo hiểm cho nhóm nhỏ, thân thiện môi trường, Công ty Oxalis Adventure đã chọn sản phẩm du lịch bảo vệ động vật hoang dã trong hệ thống rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) để quay lại sau dịch với lý lẽ: "Khi COVID-19 đi qua, du khách sẽ muốn nghe tiếng chim hót, tiếng suối róc rách, ngắm những mảng xanh thiên nhiên, để chữa lành vết thương tâm hồn".

Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Công ty Oxalis, cho biết điểm đặc biệt của tour mới là thay vì tương tác với thú hoang dã như vốn có, khách du lịch khi đi vào rừng sẽ quan sát đời sống động vật qua các dấu chân hay những thức ăn của chúng. 

"Ngoài việc đi trong tán rừng sâu cây cổ thụ ngàn năm, dưới thiên nhiên hùng vĩ thì việc tìm hiểu đời sống các loài thú là một trải nghiệm thú vị. Số lượng người đi trong một tour cũng sẽ được khống chế dưới 10 người để giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái", ông Á nói.

"Gã khổng lồ" Vinpearl lại bắt đầu bằng những sản phẩm đón đầu xu hướng trên thế giới, thiết kế trải nghiệm riêng biệt phù hợp nhu cầu và sở thích của du khách. 

Bà Ngô Hương, tổng giám đốc Vinpearl Resorts, cho biết những kỳ nghỉ ngắn ngày, kỳ nghỉ trong thành phố (staycation) hay các trải nghiệm nghỉ dưỡng đặc thù như du lịch sức khỏe - wellness tourism, thể thao, khám phá, hội họp, gặp mặt gia đình... sẽ được "may đo" hoàn hảo nhờ thế mạnh dịch vụ khép kín trong hệ sinh thái.

Sau khi được đưa vào hoạt động hồi tháng 4-2021, Phú Quốc United Center (Kiên Giang) tiếp tục khẳng định là hệ sinh thái giải trí hấp dẫn bậc nhất khu vực với gần 20.000 minishow ban ngày/năm, hơn 1.000 màn trình diễn điểm nhấn buổi tối/năm... đem đến cảm xúc bất tận cho du khách.

Từ đầu năm 2022, tại Vinpearl Safari Phú Quốc cũng được sáng tạo, làm mới với chương trình trải nghiệm khám phá thiên nhiên bán hoang dã về đêm đầu tiên của Việt Nam "Safari Night". Cung điện Hải Vương, một trong những thủy cung lớn nhất thế giới, cũng được tập trung ra mắt mùa hè năm nay tại công viên chủ đề VinWonders.

Vinpearl Nha Trang sẽ thu hút du khách bằng sản phẩm Vinpearl Submarine Nha Trang - tàu ngầm du lịch toàn kính với tầm nhìn "vô cực" 360 độ đầu tiên và duy nhất trên thế giới ra mắt trong mùa hè năm nay. 

Đặc biệt, công viên nước phá kỷ lục Đông Nam Á với số lượng trò chơi lớn nhất và khu Indoor Games ứng dụng công nghệ tối tân AR/VR cũng đồng thời đi vào hoạt động, tăng trải nghiệm cho khách hàng.

"Những sản phẩm mới được giới thiệu du khách ngay sau dịch sẽ làm thỏa mãn và giúp lượt khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng", bà Hương khẳng định. Theo kế hoạch, trong thời gian tới Vinpearl sẽ tiếp tục đón các đoàn khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Lào...

Vận hành cũng phải khác trước

Du lịch Việt làm mới để đón khách - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Lê Phúc - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Ảnh: TẤN LỰC

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Y Yên - tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist - cho biết sau khi Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế trở lại, doanh nghiệp xác định thay đổi tư duy và thay đổi sản phẩm với sự hỗ trợ từ các đối tác, nhà cung ứng dịch vụ, các cơ quan quản lý du lịch tại từng địa phương là cách tốt nhất để tăng sức cạnh tranh. 

Theo đó, sẽ thay đổi phương thức quản lý và phân bổ nguồn lực theo thị phần thực tế của từng mảng kinh doanh du lịch quốc tế, du lịch trong nước và du lịch nước ngoài.

"Tùy từng thời điểm và diễn biến kiểm soát dịch bệnh trong và ngoài nước, các mảng kinh doanh này sẽ được linh hoạt tập trung nguồn lực khai thác một cách hiệu quả nhất. Khách đoàn MICE bùng nổ không ngờ và doanh nghiệp đang tập trung toàn quân cho mảng này. 

Ngay trong quý 1-2022, chúng tôi đã khai thác và phục vụ hơn 17.000 khách MICE và chỉ riêng trong tháng 3-2022 là 80 đoàn với hơn 13.000 khách MICE trên toàn quốc", ông Yên thông tin.

Cũng theo ông Yên, việc làm mới sản phẩm inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) cho các nhóm thị trường trên toàn cầu là một thách thức không nhỏ khi sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng và thực tế nguồn cung ứng dịch vụ tại Việt Nam sau đại dịch. 

Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng và các dòng sản phẩm khám phá văn hóa - lịch sử khu vực miền Trung, miền Bắc... cũng đang được tập trung hoàn tất theo các gói ngày tour phù hợp với từng thị trường.

"Chúng tôi kỳ vọng mùa khách quốc tế sắp tới từ tháng 9-2022 đến tháng 4-2023 sẽ khai thác tối đa và hiệu quả nhất các thị trường tiềm năng", ông Yên nói, đồng thời cho biết công ty đã xây dựng dữ liệu, hoàn thiện app Saigontourist Travel, tăng trải nghiệm, mang nhiều quyền lợi thiết thực cho khách hàng.

Theo ông Hà Năng Việt - giám đốc Thương mại Vietjet Air, bước sang giai đoạn mới sau dịch, những thay đổi sản phẩm dịch vụ của hãng đi theo tinh thần thích nghi với tình hình mới. Ngay tháng 3 này, hãng mở lại và tăng tần suất hàng loạt đường bay phủ khắp Việt Nam. 

Trong đó, các đường bay đến và đi từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Cần Thơ... có tần suất liên tục tăng để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong mùa hè. Hãng cũng đã nhanh chóng triển khai mở lại các đường bay quốc tế kết nối các tỉnh thành với nhiều điểm đến quốc tế.

"Chúng tôi không chỉ triển khai nhanh chóng các kế hoạch khai thác trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển, du lịch của du khách mà cũng đã giảm chi phí du lịch cho khách thông qua tham gia tích cực vào các chương trình kích cầu du lịch nội địa khi kết hợp cùng nhiều địa phương, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành... xây dựng những tour du lịch trọn gói, đồng hành cùng địa phương trong các lễ hội giải trí, văn hóa và du lịch nhằm kích cầu du lịch nội địa", ông nói.

Du lịch Việt làm mới để đón khách - Ảnh 4.

Ông Lê Trí Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tặng hoa mừng hạnh phúc cặp đôi Hảng Thị Sú và Nguyễn Thanh Ngọc. Cặp đôi nổi tiếng nhờ phát triển du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu - Ảnh: TẤN LỰC

Cuộc chơi không thể thiếu công nghệ

Sự chuyển động của các doanh nghiệp cũng nói lên nỗ lực không mệt mỏi để có những sản phẩm, dịch vụ mới mẻ cho giai đoạn sau dịch, trong đó đa phần tập trung vào chuyển đổi số, đầu tư cho công nghệ và xây dựng sản phẩm du lịch nâng cao trải nghiệm du khách.

Giới thiệu tại hội thảo về ứng dụng "du lịch trực tuyến" OnTripQuest, ông Hồ Anh Tuấn - giám đốc Công ty OnTripQuest - cho biết đây là một nền tảng du lịch khám phá thành phố, cung cấp các Quest - là các chuyến tham quan tự túc kết hợp với các yếu tố trò chơi thú vị trong chuyến đi. 

Cùng với gia đình, người yêu hoặc bạn bè của mình, du khách sẽ tham gia các thử thách trong thế giới thực để khám phá những cảnh quan đặc sắc của các thành phố.

Ứng dụng sẽ là hướng dẫn viên thú vị, mang tính tương tác, nhiều thông tin và không phải tiếp xúc với nhiều người lạ. "Chúng tôi dùng công nghệ để giải quyết điểm yếu nhất của ngành du lịch là quảng bá điểm đến. Mỗi Quest là một nhiệm vụ khác nhau và du khách tự khám phá điểm đến bằng chính sự hào hứng khi giải mã các thử thách", ông Tuấn giải thích.

Lấy "cảm hứng" từ câu chuyện kinh doanh khó khăn trong dịch bệnh, ông Lê Hùng Anh - tổng giám đốc Travelner toàn cầu - cho biết ứng dụng Travelner đang vận hành của doanh nghiệp này cũng đã được ra đời, hoàn thiện dần từ đại dịch. 

Ứng dụng này phục vụ việc hỗ trợ đặt phòng, mua vé tàu xe, đặt vé máy bay và hướng tới kết nối khách du lịch với các công ty lữ hành. Khách hàng ngồi ở bất cứ đâu trên thế giới cũng đều có thể tự tạo chuyến đi cho mình.

"Travelner đang kết nối với hơn 600 hãng hàng không trên toàn cầu cùng một hệ thống các khách sạn, khu lưu trú hàng chục quốc gia. Đây là một dự án lớn mà suốt 4 năm qua, chúng tôi đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Nếu thành công sẽ phát triển quy mô toàn cầu và hỗ trợ du lịch Việt Nam kết nối với thế giới nhanh chóng", ông Hùng Anh nói.

Theo ông Lê Trương Hiền Hòa - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, hơn một năm qua Sở Du lịch TP.HCM đã đồng hành với các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ trong du lịch để cùng hoàn thiện các sản phẩm. 

"Từ thực tiễn du khách mong muốn trải nghiệm thật sâu các điểm đến, điều này chỉ có thể giải quyết được bằng công nghệ, chúng tôi nhìn thấy cơ hội đa dạng hóa các sản phẩm bằng cách đưa công nghệ vào các sản phẩm du lịch giáo dục, văn hóa, tăng tương tác với du khách...", ông Hòa khẳng định.

Du lịch Việt Nam - Mở cửa để đón khách

Ông Nguyễn Lê Phúc (tổng cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam):

Tôi đã bớt lo rồi

Ngay sau thời điểm mở cửa, ngành du lịch nặng trĩu nỗi lo về các giải pháp từ doanh nghiệp nhằm phục hồi ngành du lịch. Tuy nhiên, nỗi lo lắng này được phần nào giải tỏa khi nhiều sáng kiến được doanh nghiệp tung ra tại chương trình Ấn tượng Việt Nam. Nghe anh em nói, tôi cũng bớt lo rồi.

Ngành du lịch đang hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đón khách trở lại. Việc làm mới sản phẩm được định hướng dựa trên 5 lĩnh vực gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị và du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh.

Việc đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất cũng được định hướng để các doanh nghiệp nắm bắt. Các doanh nghiệp cũng phải tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng điểm đến.

Bộ VH-TT&DL cũng đã tổ chức quảng bá hình ảnh du lịch trong nước tại các thị trường quốc tế và cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, báo cáo chính sách hỗ trợ kéo dài tới hết năm 2023.

Động lực sáng tạo từ đại dịch

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng việc Chính phủ cho phép mở cửa đón du khách quốc tế trở lại đang nhận được rất nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên có nhiều vấn đề cần được quan tâm, đó là sản phẩm du lịch phải làm mới ra sao, dịch vụ phải đáp ứng ra sao với tình hình mới...

"Các bộ ngành, chính quyền phải làm mới thế nào để đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn để khai thác hiệu quả dư địa. Lộ trình phát triển ra sao, việc làm mới ngay từ trong tư duy của mỗi người dân ở điểm đến, mỗi doanh nghiệp... Đây là những điều mà ngành du lịch cả nước đang đặt ra và tìm kiếm câu trả lời", ông Thanh nói.

Ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cũng cho rằng các ngành sản xuất nói chung và du lịch nói riêng đã trải qua một giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch cũng chính là cơ hội để chuyển đổi, ngành du lịch có thời gian để sửa sang lại sản phẩm, làm mới lại chính mình.

"Chủ trương mở cửa du lịch quốc tế từ 15-3 có thể sẽ là mốc quan trọng ghi dấu sự trở lại và vượt lên mạnh mẽ của cộng đồng làm du lịch", ông Chữ khẳng định.

Hút du khách bằng sự trong trẻo của người dân

Chiều 18-3, hội thảo Làm mới để đón khách do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã được đón một cặp vợ chồng đặc biệt. Đó là cặp đôi Nguyễn Thanh Ngọc và Hảng Thị Sú đến từ Sin Suối Hồ, Lai Châu, hai người với chuyện tình rất nổi tiếng trên mạng xã hội.

Nhưng điều làm cặp đôi được chú ý hơn là cách họ đã xây dựng một điểm đến du lịch Sin Suối Hồ từ một ngôi làng mà trước đó tràn ngập tệ nạn, ma túy, trở thành một điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách ưa thích.

"Đó là nhờ sự trong trẻo của người dân địa phương, là giữ gìn bản sắc cảnh vật mà thiên nhiên ban tặng", Hảng Thị Sú chia sẻ.

TP.HCM và ĐBSCL: cần nhiều sản phẩm du lịch liên tuyến

Du lich 2a

Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng sau khi TP Cần Thơ trở lại "bình thường mới" - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 và chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM - ĐBSCL được tổ chức ở Bạc Liêu ngày 18-3, ông Đoàn Văn Việt, thứ trưởng Bộ

VH-TT&DL, đã phát động chương trình "Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới".

Theo ông Việt, TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cần tiếp tục đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm tham quan trong khu vực thành chương trình tổng thể khám phá cả vùng cho du khách trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu du lịch, mang đến những trải nghiệm dài ngày, đa dạng hơn cho du khách...

Bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng cho rằng TP.HCM và các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác để tăng hiệu quả liên kết và thu hút khách du lịch. Đặc biệt, cần tăng cường xây dựng sản phẩm liên tuyến giữa TP.HCM và 13 địa phương ĐBSCL, trên cơ sở đảm bảo an toàn cho du khách với dịch COVID-19.

CHÍ QUỐC

Du lịch Việt làm mới để đón khách - Ảnh 10.
Các doanh nghiệp du lịch lớn tung ưu đãi Các doanh nghiệp du lịch lớn tung ưu đãi 'khủng' để kích cầu

TTO - Trong chương trình Ấn tượng Việt Nam chiều 18-3, nhiều doanh nghiệp du lịch 'đầu đàn' đã công bố các chương trình chăm sóc khách hàng đặc biệt, tung các gói dịch vụ 'khủng' để thu hút du khách sau thời điểm du lịch quốc tế mở cửa.

NHƯ BÌNH - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên