Bạn Nguyễn Lê Khoa, 25 tuổi, ngồi xe từ Quy Nhơn lên Đà Lạt để xem loạt phim chiếu trong Liên hoan phim Việt Nam vừa qua.
Khoa kể ở Quy Nhơn, khán giả yêu điện ảnh chỉ có cơ hội xem những phim "bom tấn" nước ngoài hoặc những phim thương mại trong nước, rất hiếm cơ hội xem các phim nghệ thuật, phim độc lập và phim nhà nước.
"Là fan của điện ảnh, khi biết tin về liên hoan phim năm nay, em cố gắng thu xếp công việc để có thể đi tour điện ảnh, nhân tiện đi du lịch Đà Lạt - Khoa nói - Sướng nhất khi em là một trong những khán giả đầu tiên được xem những phim còn chưa chiếu chính thức như Mẹ ơi Bướm đây của chú Lưu Huỳnh".
Khoa gọi tour mình đang tham dự là tour du lịch - điện ảnh.
Du lịch điện ảnh vẫn là... quặng
Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ vào mỗi kỳ liên hoan phim, ban tổ chức đều tổ chức ở một thành phố, địa phương khác nhau.
Dù đi liên hoan phim "như đi chợ", nhưng mỗi lần có dịp đến trải nghiệm một nơi chốn khác, "Hồng Ánh vẫn thấy vừa quen vừa lạ". Trước liên hoan phim năm nay chính thức diễn ra ở Đà Lạt, Hồng Ánh có hai tháng ở đây để quay một phim truyền hình mới, đồng thời có ba lần ra rạp để xem lại phim Đất rừng phương Nam và cảm động trước tình cảm mà khán giả Đà Lạt dành cho bộ phim.
"Du lịch kết hợp với điện ảnh mang đến một trải nghiệm thú vị mới", Hồng Ánh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Vũ Loan, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, hào hứng chỉ với một kỳ liên hoan phim mà có đến chín phim được quay tại Đà Lạt dự thi đã cho thấy sức hấp dẫn của thành phố này.
Ông Phạm S - phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - đánh giá đó đều là những phim nổi tiếng, được nhiều khán giả quan tâm. Qua phim ảnh, Đà Lạt càng được nhiều người biết đến tạo sự thuận lợi cho phát triển du lịch, kinh tế.
"Có lẽ trong chính sách phát triển đô thị Đà Lạt theo chiều sâu sẽ có những ưu ái nhất định để Đà Lạt trở thành nơi điện ảnh, âm nhạc được chắp thêm đôi cánh", bà Loan nói.
Theo bà, sự trưởng thành về công nghệ giải trí ở Đà Lạt là một bước đi quan trọng để kinh tế Đà Lạt có thêm đóng góp từ công nghiệp điện ảnh và thương mại hóa các loại hình nghệ thuật khác.
Rục rịch tương đối chậm
Thực ra, mối quan hệ giữa du lịch và điện ảnh đã được đề cập ở nhiều hội thảo, tọa đàm lớn nhỏ khác nhau trong những năm qua nhưng dường như "mỏ quặng" tài nguyên du lịch lẫn điện ảnh vẫn đang chờ được khai thác.
Nhân hai sự kiện gần nhất là Liên hoan phim Việt Nam tại Đà Lạt và chương trình Điện ảnh với Phú Yên ở Phú Yên, câu chuyện phát triển công nghiệp điện ảnh trong mối gắn kết với phát triển du lịch và các ngành kinh tế, xã hội lại được đặt ra. Các chuyên gia, nghệ sĩ cũng đưa ra nhiều góp ý để phát triển du lịch gắn với điện ảnh.
Ngoài mở cổng thông tin về điểm đến chi tiết và hấp dẫn, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, xin giấy phép cũng như cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về thuế cho các nhà làm phim (đặc biệt là nhà làm phim quốc tế)... cũng cần thiết.
Tuy nhiên, để làm được điều đó không dễ trong bối cảnh "luật vướng luật hoặc luật vướng văn bản dưới luật" như các đại biểu nói trong hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" mới đây.
Còn nhớ, hai năm trước, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi, nhiều chuyên gia, nhà sản xuất, nhà làm phim trong nước cũng đã đưa ra nhiều góp ý trong vấn đề thu hút các đoàn làm phim quốc tế.
Tới nay, kể cả khi Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực, vẫn chưa có đoàn làm phim nào vào Việt Nam quay phim được hưởng ưu đãi về thuế theo luật. Có thể thấy, việc thực thi luật diễn ra tương đối chậm.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho rằng điện ảnh là lĩnh vực tốt để quảng bá văn hóa và hình ảnh Việt Nam ra thế giới, kích thích du lịch cũng như các ngành kinh tế khác đi theo.
Bà ví dụ năm 2019 có tới 740 đoàn làm phim quốc tế đến Thái Lan và mang về 150 triệu USD cho nước này; còn trong năm 2018, điện ảnh Hungary thu về 323 triệu USD, trong đó 90% đến từ các dự án hợp tác quốc tế.
"Tự thân sự hợp tác này sẽ dẫn đến nhu cầu xây dựng các phim trường hiện đại, các thiết bị hay nguồn lực đủ chất lượng để đáp ứng nhu cầu và thị trường sẽ phát triển theo hướng đi lên", nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc nói.
Theo bà, thủ tục và chính sách cởi mở sẽ thúc đẩy quy mô của thị trường điện ảnh.
Ông Trần Thanh Hoài - phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng - cho biết tỉnh Lâm Đồng xem mỗi đoàn phim đến đây như một đoàn khách du lịch.
Hiện theo quy định, tỉnh chưa có chính sách ưu đãi, giảm thuế; tuy nhiên, trong điều kiện cho phép, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đoàn làm phim đến đây xây các phim trường lớn, đơn giản hóa và nhanh chóng trong thủ tục cấp phép.
Thậm chí, ông còn nói: "Lâm Đồng tự hào khi được các đoàn làm phim làm phiền. Đà Lạt chào đón các nhà làm phim".
Trong lúc chờ luật được thực thi, ngành văn hóa kêu gọi sự chung tay của các địa phương xem xét những "chính sách cụ thể và khả thi".
Tuy nhiên, đẩy mạnh phát triển du lịch với điện ảnh trong guồng máy của công nghiệp văn hóa thực sự đòi hỏi một chiến lược nhất quán từ trên xuống. Nếu chỉ có sự cố gắng của Lâm Đồng, của Phú Yên hay các địa phương thì nói cho cùng cũng chỉ là những hạt cát nhỏ mà thôi.
Rất cần "văn phòng một trạm"
Vài điều quan trọng tôi mong muốn với các địa phương trong số rất nhiều mong muốn, chính là One-Stop-Office (văn phòng một trạm).
Văn phòng một trạm là nơi cung cấp điểm liên lạc duy nhất để giải quyết các thủ tục giấy phép, hỗ trợ về an ninh và các yêu cầu khác liên quan đến quay phim tại địa phương.
Một website của các địa phương trên đó cung cấp các văn bản cần thiết cho đoàn phim đến quay, các đầu mối liên hệ quan trọng về làm thủ tục với chính quyền cũng như dịch vụ (ăn ở, đi lại...), các hình ảnh cảnh đẹp đặc trưng của địa phương...
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ về tài chính (tài trợ cho đoàn phim, các chính sách ưu đãi về thuế...) cũng góp phần kích thích các đoàn phim về các địa phương để quay phim.
Tại Mỹ, những năm gần đây, Hollywood đang mất dần ưu thế "kinh đô điện ảnh" khi các đoàn phim bắt đầu về các địa phương khác vì các chính sách ưu đãi về thuế khi đoàn phim quay tại địa phương của họ.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh
* Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh:
Ngày xưa có một chuyện tình được hỗ trợ khi quay ở Phú Yên
Sắp tới, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sẽ thực hiện bộ phim Ngày xưa có một chuyện tình (dựa theo truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) tại Phú Yên - vùng đất được mệnh danh là xứ "hoa vàng cỏ xanh" sau thành công của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ.
Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: "Phú Yên là chốn hoa vàng cỏ xanh nhờ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Đó là một sự định vị, nhận diện rất hay, giúp ích cho du lịch Phú Yên.
Còn Đà Lạt - nơi diễn ra Liên hoan phim Việt Nam vừa qua - là bối cảnh của rất nhiều đoàn phim, nhấn mạnh thêm sức hấp dẫn du lịch của Đà Lạt. Có vẻ như đó vẫn là sự vận động từ các nhà làm phim, chiều ngược lại thì chưa thấy nhiều".
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết phim Ngày xưa có một chuyện tình thực hiện tiền kỳ khá thuận lợi khi những yêu cầu, mong muốn của nhà làm phim đã nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh Phú Yên.
Chẳng hạn, những cảnh quay mưa có các đơn vị về xe bồn, phòng cháy chữa cháy hỗ trợ.
Những cảnh quay sử dụng nhà dân thì phía tỉnh cử cán bộ đến giải thích, thuyết phục giúp, hỗ trợ cả việc cải tạo hệ thống điện vì phim lấy bối cảnh thập niên 1990 nên phải giấu bớt đi, chỉnh sửa, cải tạo lại những chi tiết thuộc về thời hiện tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận