Trên thực tế, xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định cho các chuyến đi và nội dung hoạt động du lịch ngày càng tăng. Tại Việt Nam, nhiều người đã có thói quen tra cứu thông tin du lịch qua mạng, các thông tin được tìm kiếm thường liên quan đến điểm đến, khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch...
Báo Hải quan dẫn số liệu từ Google châu Á-Thái Bình Dương cho thấy 48% người dùng smartphone ở Việt Nam tìm kiếm thông tin về khách sạn, 42% tìm kiếm thông tin về tour, du lịch trải nghiệm...
Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch… Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt. Qua các năm, tỉ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng khả quan.
Xu hướng mới này buộc các công ty du lịch cũng phải thay đổi cách kinh doanh từ việc bán tour tại văn phòng hay phải đi đến tận nơi thì bây giờ sẽ thông qua các trang web. Khách hàng bây giờ chỉ cần thông qua một cú nhấp chuột là có thể đặt phòng, đặt vé máy bay, đặt tour…
Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, các công ty du lịch Việt Nam vẫn ở thế yếu so với các công ty du lịch nước ngoài, cả về vốn và cả về công nghệ.
Làm thế nào để xuất hiện trong thói quen lướt web của khách hàng, để tăng các tiện ích tương tác, cung cấp thông tin theo đúng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng vẫn là điều các công ty du lịch chưa thể làm được. Đặc biệt, việc xây dựng website ứng dụng trên di động, tích hợp các phương thức thanh toán trực tuyến, liên kết thương mại điện tử vẫn là nút thắt của các công ty du lịch Việt Nam.
Theo thống kê hiện hai trang web Agoda và Booking đang chiếm đến 80% thị phần đặt phòng ở Việt Nam, đây cũng đều là hai thương hiệu có tiếng trên thế giới và được khách hàng quốc tế đánh giá rất cao.
Cụ thể, hiện Agoda có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở Việt Nam, còn Booking cũng có hơn 6.000 khách sạn đối tác. Với nguồn vốn dồi dào, có lượng phòng dự trữ sẵn nên dù ở trong mùa cao điểm, trên hai website này phòng vẫn luôn có sẵn, đồng thời luôn có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại đi kèm.
Không chỉ có Agoda và Booking, cuộc đấu giành thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tiếng tăm như Traveloka, Trivago, Expedia... Giá phòng tốt, nhiều khuyến mại và đặc biệt là phương thức thanh toán tiện lợi là cách các doanh nghiệp ngoại chinh phục khách hàng.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch Việt Nam đang đi sau quá nhiều trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bởi 20 năm trước, khi khai trương website du lịch đầu tiên ở Việt Nam, ông đã kỳ vọng rất nhiều nhưng bởi các hệ thống thanh toán điện tử hồi đó vẫn chưa phát triển thì việc kinh doanh thông qua website này là điều không thể. Website này chỉ đảm nhận được một nhiệm vụ là cung cấp thông tin cho các công ty du lịch xây dựng tour. Việc tích hợp giữa thương mại điện tử vào trang web vẫn đi sau rất nhiều.
Để có thể đuổi kịp và giành lại thị phần, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu thực tế của khách hàng, đồng thời đầu tư xây dựng website du lịch đáp ứng được 3 tiêu chí: thân thiện với giao diện di động, tốc độ tải nhanh, cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các nhà cung cấp, từ đó kết nối thanh toán trực tuyến giữa các bên cũng là điều mà các công ty du lịch cần tập trung phát triển, bởi không chỉ cần đầu tư vào marketing online, giờ đây khách hàng còn muốn tự mình lên tour, tự đặt vé và tự đặt phòng, vì vậy việc kết nối thương mại điện tử là rất cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận