Các thư viện cấp phường, cấp thành phố hay của từng bang cũng đều là thư viện công. Họ xây rất đẹp và ngăn nắp.
Những thư viện phường đa năng
Thư viện phường sẽ đặt ở ngay khu trung tâm hành chính của khu dân cư. Đại loại từ đó muốn qua các cơ quan quản lý của phường rất tiện.
Các thư viện địa phương này ở Úc được làm như thể một trung tâm sinh hoạt văn hóa thu nhỏ tại khu dân cư. Trong khu thư viện có phòng công chứng luôn, bà con cần làm giấy tờ thì ghé chút là xong. Thư viện có cả khu vực triển lãm tác phẩm nghệ thuật xinh xắn nhưng chuyên nghiệp. Sân thư viện vào mùa hè sẽ là nơi tập trung trẻ em trong khu tới thi thố vài kỳ thi vui nào đó.
Còn lại thì trong thư viện sẽ chia thành nhiều khu. Khu chứa sách rất rộng bao gồm sách in, báo, tạp chí, sách nói, phim... Khu phòng đọc rất đẹp bao gồm phòng làm việc và học tập, khu chơi game có sẵn máy tính, khu phòng đọc sách cho người lớn, khu phòng đọc sách cho trẻ em, khu nghe nhạc qua tai nghe và mượn băng đĩa.
Ở đây còn có nguyên một phòng bảo tàng lịch sử địa phương (của phường này). Phòng làm việc của người lớn thì có máy tính sẵn sàng, có những góc nhìn ra sân vườn đầy cây và hoa cực kỳ đẹp.
Với trẻ em thì đúng là thiên đường. Vì sách rất nhiều, bày trên các giá sách thấp và rộng rãi để các con từ vỡ lòng là có thể chọn thoải mái. Có thêm cả hai phòng riêng cho mượn đồ chơi - một loại là đồ chơi trí tuệ và một phòng cho đồ chơi thông thường. Bé nào thích đọc gì thì đọc, thích chơi đồ chơi thì chơi, rồi thích mượn về nhà thì mượn thoải mái. Phòng đọc sách của trẻ con có thể nằm, bò, ngồi đọc, thế nào cũng được. Có phòng sinh hoạt chung câu lạc bộ đọc sách của trẻ em, chứa cả 100 bé một lúc.
Với người già cũng là thiên đường luôn, vì có phòng dạy các cụ học sử dụng máy tính, Internet và cách thích nghi với đời sống công nghệ hiện đại. Thư viện cũng có khu vực giúp người lớn ở độ tuổi đi làm tìm việc qua mạng, giúp cách soạn hồ sơ, đơn xin việc...
Bên ngoài sân có khu nghỉ ngơi và có thể ngồi để ăn uống thức ăn mang theo trong khung cảnh rất đẹp và thư giãn. Thư viện sử dụng công nghệ hiện đại, chủ yếu tự phục vụ. Do đó khi vào cửa, người trả sách thư viện chỉ cần quét mã sách vào một ô cửa nhỏ rồi bỏ sách vô đó, sách sẽ chạy vào băng chuyền và đi vào khu của thủ thư.
Khi mượn sách xong, cũng chỉ cần quét mã sách vào màn hình là sau đó tự mang sách về nhà, khỏi cần hỏi han lôi thôi. Trẻ con thấp quá thì họ làm cái bục gỗ có bậc cho tụi nhỏ leo lên trả và mượn sách tự động.
Mỗi người được phép mượn tối đa 200 cuốn sách một lần. Ai vào thư viện cũng được, kể cả khách vãng lai, người nước ngoài và chẳng phải xuất trình bất cứ tờ giấy nào. Ai thích mượn sách thì đưa giấy tờ tùy thân họ làm cho cái thẻ free, bất kể quốc tịch hay ở đâu tới.
Nếu tra cứu trong vài chục ngàn cuốn sách và video ở thư viện này mà chưa đủ danh mục cần thiết, thì chỉ việc báo qua mạng cho thư viện. Họ sẽ chuyển sách từ hệ thống trên toàn bang hay trong nước Úc về tận nơi cho mượn và nhắn tới lấy sách. Thư viện có WiFi free, mạnh lắm, chạy vù vù.
Mấy đứa nhỏ ở đây hằng tuần tới thư viện công của khu dân cư một lần để trả và mượn sách. Thêm một ngày khác thì tới thư viện của trường chúng đang học. Trên giá sách ở mỗi nhà khi nào cũng có hai loại sách mượn từ hai nơi.
Thư viện hằng tuần có rất nhiều hoạt động thú vị, như khai mạc triển lãm nghệ thuật, giao lưu với tác giả, đọc thơ, học cách viết văn, sinh hoạt câu lạc bộ đọc sách, thuyết trình về sách. Tất cả miễn phí.
Cậu bé lớp 1 tìm sách ở thư viện
Đó là trải nghiệm tại thư viện cấp phường. Những ngày sau thì mình đi thư viện bang Nam Úc và vài thư viện khác trong khu vực coi thử. Các thư viện này cũng được xây cất đẹp đẽ, có nhiều sách. Và điều đáng nói là mình đã quan sát được cách các cháu học sinh nhỏ tuổi ở đây sử dụng thư viện thế nào.
Trong nhóm đi du ngoạn thư viện của gia đình mình có cả một cháu trai đang sinh sống ở Úc nhưng mới học lớp 1. Khi đang đi trên phố đi bộ rất xinh xắn của thành phố Adelaide, thì cháu đòi mọi người cho vào thăm thư viện thành phố. Con nói con không thích đi bộ chơi nữa mà muốn vào đọc sách.
Chiều cháu, mà vì cả nhà cũng muốn vào đây chơi, nên đã dắt cháu vào thư viện. Trời mưa, mọi người cất dù trong những cái túi ni lông nhỏ ở cửa thư viện họ cho, để tránh làm ướt sàn. Sau đó đi lên các bậc thang vào bên trong.
Thư viện của thành phố Adelaide không quá lớn nên cháu rất tự tin. Mình cứ kệ xem cháu làm sao. Ban đầu cu cậu tới kệ sách thiếu nhi, tìm một lúc không thấy sách nó cần. Nên sau đó con liền qua kệ sách người lớn và cũng không thấy sách nó muốn.
Ngay lập tức, cháu bèn leo lên các bậc thang bằng gỗ nhỏ chuyên dành cho trẻ em để với tới nổi cái máy tính PC dùng để tìm sách trong thư viện và mở phần mềm truy cứu rất thành thạo. Trong lúc chờ cháu, mình lấy một cuốn sách trên giá ngồi đọc. Một lúc sau nó bảo mình qua một dãy kệ sách khác. Hóa ra nó tìm sách viết về các thành phố và quốc gia trên thế giới.
Ở thư viện này có cả một bộ sưu tập các sách về từng nước từ châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương và các thành phố lớn của từng nước rất hay. Mình hỏi con cần sách gì và đưa cho nó một cuốn về Paris, một cuốn về Milan. Nhưng nó bảo nó đang tìm sách về London.
Sau đó, cu cậu chỉ học lớp 1 đó tìm ra chừng gần 20 cuốn viết về London, từ đó chọn ra hai cuốn. Cháu tự mở sách ra coi và sau đó tra cứu trên bản đồ London. Bé chỉ cho mình London Bridge, Tower Bridge, Buckingham Palace, Green Park, Hyde Park... trên bản đồ rất chi tiết. Hóa ra cu cậu đang nghiên cứu về London. Hèn gì hôm qua ở lớp nó về kể đang làm mô hình Tháp cầu London và cả hình lâu đài gì đó rất đẹp.
Mình hỏi con có đi London không? Nó bảo con đang suy nghĩ vì London lạnh quá. Mình bảo con có thể đi vào mùa hè, tuy nhiên con cũng nên đi vào mùa đông để coi tuyết thế nào.
Con chưa biết tuyết thật sự ngoài đời thế nào vì Úc hầu như không có tuyết. Muốn coi tuyết phải lên núi trong mùa đông. Mình hiểu rằng bé cũng như hầu hết dân Úc rất quan tâm tới Anh quốc. Là vì dân xứ này thuộc khối Thịnh vượng chung.
Và cũng như ở các quốc gia phát triển khác, trẻ em ở đây phải chăm đọc sách từ nhỏ, vì muốn hiểu thầy cô giáo dạy gì thì phải đọc sách, muốn làm bài hay thi đậu cũng phải đọc sách, muốn thuyết trình được vấn đề gì cũng phải đọc sách.
Tại các thư viện phường có chương trình đọc sách cho bé 2 - 3 tuổi hằng tuần miễn phí. Cha mẹ các con bồng con tới để nghe cô tình nguyện viên đọc sách và chơi trò chơi theo giờ. Khi các bé cấp đầu tiểu học tha hồ đọc các cuốn truyện tranh hay, các bài học ở lớp có thể sẽ hỏi về truyện tranh. Sau từ từ đọc truyện chữ. Vào lớp học Úc thấy các cháu học lớp 4, lớp 5 cầm một cuốn sách dày 700 trang đọc vù vù là chuyện bình thường.
Du lịch thư viện cũng rất thú vị và ý nghĩa phải không các bạn?
Cả nhà kiên nhẫn chờ bé tra cứu và đọc sách trong một giờ, rồi đặt các cuốn sách và bản đồ lại trên giá ngăn nắp, sau đó mới đi chơi tiếp. Úc dạy trẻ con rất giỏi. Kỹ năng tìm tòi và tự học trong thư viện được dạy từ bé. Học sinh lớp 1 vào thư viện tra cứu ầm ầm cái nó cần, dù chỉ là những gì đơn giản trong trí óc trẻ con.
Nhưng đó là nền tảng của việc giúp trẻ có thể tự tra vấn những gì nó quan tâm. Và đó là cách để chúng học hỏi về sự thật và truy tìm kiến thức tự thân mà không lập tức tin ngay ở những gì người khác nói. Đó cũng là cách giúp chúng trau dồi khả năng tư duy phê phán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận