Nhà trường đang quản lý dinh thự Rowan Oark của nhà văn cùng rất nhiều tư liệu quan trọng về ông, bao gồm cả huy chương giải Nobel. Đây là quê hương của Faulkner.
Ông từng học đại học này, sống khá lâu tại thành phố Oxford và làm giám đốc bưu điện trường một thời gian cho tới khi chỉ chuyên tâm viết văn.
Ole Miss không phải là đại học tốp đầu của Mỹ, chỉ hạng 163 quốc gia theo US News. Tuy nhiên, trường này cực kỳ đặc sắc.
Thành lập từ năm 1848, đại học này rộng tới 1.539ha và tất cả các tòa nhà chính đều là di sản kiến trúc Mỹ vì xây dựng theo phong cách Tân cổ điển thế kỷ 19.
Nơi này có 20.000 sinh viên theo học với 15 trường trực thuộc từ y khoa, luật, khoa học tự nhiên, kỹ sư, giáo dục. Và vì thế nên hệ thống thư viện trường được đầu tư cực kỳ bài bản.
Quên thời gian trong thư viện bao la
Tại đây có cả loạt thư viện rất lớn. Một là thư viện mang tên J.D.Williams Library với các bộ sưu tập chính, bộ sưu tập đặc biệt và kho các tài liệu lưu trữ quan trọng; hai là thư viện AICPA - chuyên về kế toán, ba là thư viện khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Thad Cochran của viện đại học này, bốn là thư viện Trường Luật Grisham Law Library và thư viện Trường Y là Rowland Medical Library.
Hệ thống thư viện này chứa cỡ hơn 3 triệu đầu sách và tài liệu các loại, bao gồm cả những thứ vô cùng quý giá. Ví dụ như 50.000 bản ghi âm Blues Archives là một trong những bộ sưu tập lớn nhất về bản ghi âm, ấn phẩm và kỷ vật nhạc blues trên thế giới.
Thư viện kế toán có hơn 129.000 tài liệu quan trọng bao gồm các tài liệu tham khảo quý hiếm cũng như bản sao của mọi mục được trích dẫn trong Chỉ mục kế toán nước Mỹ kể từ năm 1923…
Các thư viện này đều rất rộng lớn, như thư viện J.D.Williams (191.261m2), thư viện khoa học (10.890m2) và một tòa nhà làm tàng thư khác gọi là nhà phụ (15.200m2).
Họ cho phép du khách nước ngoài có thể đọc tài liệu, thậm chí mượn về thoải mái để nghiên cứu trong thời gian ở Mỹ tại thư viện J.D.Williams và thư viện khoa học.
Tôi vào thư viện lúc sáng sớm nên còn khá vắng vẻ. Hệ thống phục vụ sinh viên và giảng viên ở đây rất tuyệt vời. Độc giả có thể tra cứu sách trên web thư viện và tới mượn nhanh chóng.
Các giá sách có hệ thống quay tay để chúng chạy trên các thanh ray, nhằm tăng không gian để sách. Những giá sách cao thì có thang để leo lên lấy sách. Bàn ghế rộng rãi, có máy tính màn hình lớn sử dụng miễn phí.
Thư viện có sẵn máy scan cho bất cứ ai cần có thể dùng để scan tài liệu và gửi vào email hay là chép vào ổ đĩa mang về free. Chỉ có tài liệu in ra thì sẽ tốn một chút chi phí.
Ngoài ra, trong thư viện còn có các phòng để sinh viên làm việc với người dạy kèm (thường là sinh viên giỏi hơn và dạy miễn phí cho các bạn - nhà trường sẽ trả chi phí này) và các phòng học tập để khi cần thì giáo sư - sinh viên có thể sử dụng tài liệu tại thư viện đọc, tra cứu và thảo luận, học hỏi tại chỗ.
Thư viện cũng có hệ thống cho sinh viên có thể vào quay phim dựng video miễn phí, có phòng trưng bày tranh và các tác phẩm nghệ thuật…
Để phục vụ độc giả tận tình, thư viện còn có một loạt các máy tập thể thao mà người dùng có thể vừa kẹp sách trên giá trước mặt vừa đạp vào bàn đạp để vừa giữ sức khỏe vừa rèn trí tuệ.
Và ngay cạnh thư viện là quán cà phê cực kỳ rộng rãi to đẹp, mà độc giả chỉ cần dùng app là có thể gọi món ăn và cà phê do robot phục vụ tận nơi. Nhân viên ở đây cho hay thư viện này gồm tám điểm khác nhau mở cửa 192 giờ/tuần trong các học kỳ thông thường và cung cấp dịch vụ 24/7 cho các kỳ thi cuối kỳ.
Tóm lại, sinh viên ở đây thật hạnh phúc vì được nhà trường cung cấp mọi tiện nghi học tập tới tận răng. Đây mới chỉ là các tiện ích trong thư viện, còn các tiện ích khác cực kỳ đa dạng trong đại học như phòng thí nghiệm, dự án nghiên cứu, các chương trình học chính khóa, ngoại khóa, trao đổi ở nước ngoài, các chương trình thực tập có lương…
Những thông tin về thư viện này cực kỳ thú vị. Nó giúp cho tôi thêm kiến thức và sự vui thích, vì tôi có thói quen du lịch thư viện khi ra nước ngoài.
Bởi thư viện và bảo tàng ở từng quốc gia nói chung là thước đo cho văn minh, văn hóa xứ đó. Tới nơi ấy ta có thể biết được nước này giàu hay nghèo, có quan tâm tới phát triển dân trí hay không. Họ đang giúp dân học hành và bồi bổ thông tin, kiến thức ra sao.
Hơn nữa, thư viện công ở các quốc gia phát triển, dù ở đô thị lớn hay các thị trấn và làng mạc, được coi ngang bằng với các tiện ích, kiểu như trường học công, trạm cảnh sát và trạm cứu hỏa. Và họ sẵn sàng cho mọi du khách vào thăm thú và mượn sách thoải mái.
Những thư viện vĩ đại
Mỹ là nơi tôi trong hơn 10 năm qua đã thăm nhiều thư viện lớn của các đại học, của các thành phố và thậm chí ở một vài thị trấn nhỏ. Đây là quốc gia có nhiều thư viện to đẹp.
Ví như ở New York, thư viện công của TP New York 128 tuổi là thánh đường của tri thức, có thiết kế sang trọng với những bàn rộng rãi, đèn bàn rất đẹp và yên tĩnh. Với gần 53 triệu đầu mục sách vở và 92 thư viện con, thư viện công cộng New York là thư viện công cộng lớn thứ hai tại Mỹ và lớn thứ tư trên thế giới.
Nhưng điều mê ly nhất ở đây chính là Thư viện Quốc hội - cơ quan văn hóa liên bang lâu đời nhất nước Mỹ, thành lập từ năm 1800 và đồng thời là thư viện lớn nhất thế giới với khoảng 170 triệu tài liệu. Nó được đặt trong ba tòa nhà trên đồi Capitol ở thủ đô xứ này và còn có thêm một trung tâm bảo tồn ở Culpeper, tiểu bang Virginia.
Người ta nói rằng nếu đem các giá sách trong thư viện xếp liên tiếp với nhau thì sẽ có tổng chiều dài hơn 500km. Các bộ sưu tập của Thư viện Quốc hội Mỹ bao gồm hơn 32 triệu cuốn sách được biên mục và các tài liệu in khác bằng 470 ngôn ngữ, hơn 61 triệu bản thảo và những bộ sưu tập sách quý hiếm lớn nhất ở Bắc Mỹ.
Dự án số hóa đầu tiên của thư viện có tên "American Memory" ra mắt vào năm 1990, đến nay chứa 15 triệu tài liệu kỹ thuật số. Nghĩa là hằng ngày có sách vở gì xuất bản trên thế giới nói chung họ sẽ coi xét để mua.
Tính đến năm 2020, Mỹ có 9.049 thư viện công cộng trung ương và 7.726 thư viện chi nhánh. Ngoài hệ thống các thư viện cỡ lớn, ở Mỹ còn có rất nhiều thư viện nhỏ tại mọi địa phương trong cả nước. Và thêm vào đó là hệ thống các thư viện trong các trường phổ thông và đại học.
Bất cứ trường phổ thông nào tại Mỹ cũng có thư viện. Thư viện một trường trung học chỉ có 400 học sinh như trường con tôi theo học ở Mỹ có 30.000 cuốn sách, không hề nhỏ chút nào. Trong khi đó, các con có thể mượn sách liên hệ thống trên toàn quốc. Và tuần nào học sinh Mỹ cũng có tiết học thư viện, tức là thời gian vào mượn sách và trả sách.
Hệ thống đại học Mỹ có các thư viện lớn và chứa nhiều sách vở quý báu nhất so với hệ thống đại học toàn cầu. Thư viện lớn nhất là của Trường Harvard có 20 triệu bản sách, còn nhỏ nhất trong top 20 là thư viện thuộc New York University chứa 9 triệu bản sách.
Đó là một trong các lý do làm cho nước Mỹ thành cường quốc.
Vì sao Mỹ xây thư viện nhiều và mua nhiều sách cho dân đọc như vậy? Vì họ muốn nâng cao dân trí càng nhiều càng tốt. Hơn nữa, học sinh Mỹ có thói quen đọc sách từ khi còn rất nhỏ.
Và học sinh ở Mỹ không thể nào đi học được nếu không đọc sách, bởi mọi bài vở thầy cô cho trên trường đều gắn với yêu cầu tự học, tự đọc sách. Khi lớn thành thói quen, họ làm gì cần cũng tìm hiểu qua sách và đi thư viện.
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận