07/04/2019 10:19 GMT+7

Du lịch + thể thao: Nguồn thu triệu USD - Kỳ cuối: Thay đổi tư duy về tổ chức giải đấu

TẤN PHÚC - TRƯỜNG TRUNG
TẤN PHÚC - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Từ thành công ở các giải marathon tại Sa Pa, Hà Giang, Đà Nẵng..., lãnh đạo các địa phương cùng những người làm du lịch đều cho rằng phải thay đổi tư duy để biến sự kiện thể thao thành cơ hội phát triển và ngược lại.

Du lịch + thể thao: Nguồn thu triệu USD - Kỳ cuối: Thay đổi tư duy về tổ chức giải đấu - Ảnh 1.

Đích đến tuyệt đẹp của cuộc chạy VMM tại Sa Pa - Ảnh: NAM KHÁNH

Từ Tiger Cup 1995, World Cup 1998, SEA Games 2001..., chúng tôi đã có những tour ra nước ngoài xem thể thao. Nhưng đáng buồn là chưa hề có chiều ngược lại, tức là tổ chức cho người nước ngoài đến VN xem thể thao.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ

Ông Nguyễn Trọng Thao, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, cho biết: "Hiện nay Đà Nẵng có 3 giải thể thao du lịch quốc tế được tổ chức thường niên là Marathon quốc tế Đà Nẵng, Ironman 7.0 và cuộc thi dù lượn không động cơ. 

Giải đấu đúng tính chất thể thao du lịch quốc tế mà Đà Nẵng tổ chức đầu tiên là cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng năm 2013.

Tiếng lành đồn xa

Cơ duyên đến với giải này là khi lãnh đạo TP Đà Nẵng khi thăm nước Mỹ có tiếp xúc với một người gốc Việt ở TP Houston (bang Texas). 

Ông này làm trong ban tổ chức giải marathon quốc tế. Qua giới thiệu và chào mời mang giải chạy về Đà Nẵng, họ thấy mình nhiệt tình nên qua Đà Nẵng khảo sát. Khi qua Đà Nẵng, thấy chúng tôi hỗ trợ nhiệt tình và thành phố có bãi biển đẹp nên họ quyết định chọn nơi đây làm nơi tổ chức giải. 

Nhưng không phải cứ có biển đẹp là được chọn. Thứ nhất, bãi biển phải dài, rộng và bờ cát bằng phẳng. Môi trường phải sạch đẹp vì yếu tố "du lịch".

Cái hay của Đà Nẵng là đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp: tổ chức thi chạy trước rồi mới tới Ironman. Một khi đã tổ chức được giải đấu quốc tế đầu tiên, các giải khác sẽ tự tìm đến bởi họ rất nhạy trong việc tìm địa điểm mới để các VĐV đến du lịch và trải nghiệm thử thách bản thân.

1 VĐV quốc tế bằng 10 du khách bình thường

Tôi nghĩ những giải đấu thể thao này mang hiệu quả cao đến mức thậm chí chúng ta có thể còn chưa đánh giá đúng mức. 

Hãy thử tính xem, mỗi giải đấu quốc tế, thành phố chỉ bỏ ra khoảng 200 triệu đồng cho công tác chi phí tổ chức gồm vệ sinh, y tế, an ninh trật tự. Số tiền này chỉ gấp đôi việc tổ chức một giải bóng đá thiếu nhi phong trào trong thành phố mà hiệu quả quảng bá và nguồn lợi kinh tế mang lại rất cao.

Trung bình một giải có từ 1.000-1.500 VĐV quốc tế của vài chục quốc gia đến Đà Nẵng. Do các giải này đều tổ chức kiểu xã hội hóa nên trung bình một VĐV phải chi hơn 300 USD cho ban tổ chức giải. 

Đối tượng tham dự toàn là thành phần "chịu chi" bởi đây là du lịch thể thao. Tổ chức nhiều giải, chúng tôi biết họ toàn ở khách sạn 4-5 sao. Mỗi đợt tổ chức họ đi theo cả gia đình. Trung bình cứ 1.000 VĐV nước ngoài đưa theo 3 người thân là mình đã có được 4.000 du khách.

Họ qua đây tham dự giải ít nhất phải 4-5 ngày vì phải tập tành làm quen với khí hậu đường đua, đua xong còn ở lại thưởng lãm cảnh quan di sản ở xung quanh thành phố. 

Trong 5 ngày này, bình quân mỗi người chi tiêu cho thành phố 2.000-4.000 USD là quá bình thường. Như thế để thấy thu hút được một VĐV quốc tế đến với giải này thì tiền thu về bằng 10 du khách bình thường. Mấy tài xế chạy taxi nói với tôi rằng cứ mỗi đợt Đà Nẵng có giải này thì tha hồ mà rước khách.

Về hiệu quả quảng bá truyền thông, họ cho Đà Nẵng lên "mây". 1.500 VĐV đến từ 40-50 quốc gia đều là những "ngôi sao" trên mạng. Họ tung ảnh của mình lên ấn tượng và chuyên nghiệp vô cùng, thành ra bạn bè khắp nơi đều thích thú đến Đà Nẵng. 

Lên mạng xã hội của các VĐV này sẽ thấy họ viết bình luận kiểu như: "Bạn hãy đến Đà Nẵng để chạy trên cung đường biển đẹp nhất hành tinh"; "Chạy trên những nhịp cầu huyền thoại Đà Nẵng"... thử hỏi ai không bị kích thích".

Du lịch + thể thao: Nguồn thu triệu USD - Kỳ cuối: Thay đổi tư duy về tổ chức giải đấu - Ảnh 3.

Các VĐV quốc tế tham dự Giải marathon Đà Nẵng - một hình ảnh giúp Đà Nẵng “lên mây” đối với những du khách trên thế giới - Ảnh: N.KHÁNH

Cần những công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp

Là người làm trong lĩnh vực du lịch và từng tổ chức các giải quần vợt quốc tế ở VN, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Liên đoàn Quần vợt VN - nói: "Ngoài yếu tố chuyên môn, các sự kiện thể thao phải thu hút người xem bằng các hoạt động bên lề. Giá trị kinh tế của các hoạt động bên lề mang lại sẽ cao hơn chuyên môn trận đấu: từ bán hàng lưu niệm, fan fest, hội hè...

Thật sự làm kinh tế từ thể thao không khó, chỉ khó không chịu đổi mới và suy nghĩ từ những điểm nhỏ nhất. 

Tại World Cup 2018, ngay cả một chiếc ly uống nước ngọt cũng được in tên hai đội đá trên sân để CĐV giữ làm kỷ niệm suốt đời hoặc tặng người thân, bạn bè. Còn visa cũng được miễn cho những người nước ngoài có vé đến Nga, có cổng đón riêng ở sân bay khiến du khách cảm thấy thích, cảm nhận được sự thân thiện.

Nhưng ở trận chung kết AFF Cup 2018 vừa qua tại sân Mỹ Đình, khán giả VN nêm kín sân nhưng gần như chẳng có dịch vụ, hội hè gì để phục vụ họ hay những người không có vé vào sân. Các quầy thức ăn, nước uống tạm bợ như cái căngtin thì làm sao thu hút ai được.

Vì vậy, những sự kiện thể thao cần phải có bàn tay của những công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp trong việc tổ chức. Đó chính là chiếc cầu nối thể thao với du lịch, giải bài toán kinh tế cho giải đấu như: tìm tài trợ, đàm phán bản quyền, an ninh...

Ban tổ chức chỉ tập trung lo chuyên môn và sẽ nhận lại tiền từ công ty tổ chức sự kiện đó thay vì phải vất vả tổ chức để rồi khả năng chịu lỗ rất lớn vì không "thuận tay".

Hãy trả thể thao về với xã hội thay vì sống chủ yếu bằng ngân sách nhà nước như hiện nay. Thực tế là ở nhiều môn, các giải đấu phong trào do các doanh nghiệp tổ chức luôn rình rang, thú vị hơn các giải quốc gia do ngành thể thao tổ chức. 

Chỉ có xã hội hóa triệt để mới giúp thể thao tạo được nguồn thu và từ đây mới tạo được một nền thể thao hùng mạnh không chỉ ở đỉnh cao mà còn là phong trào rèn luyện sức khỏe của cộng đồng người dân".

Từ marathon, du khách biết đến Hà Giang nhiều hơn

Năm 2019 là năm thứ ba Hà Giang marathon được tổ chức và ngày 30-4 tới, tại đèo Mã Pí Lèng sẽ là ngày hội cho giới yêu chạy bộ, mê du lịch VN và quốc tế. Những ngày giải marathon diễn ra tại Hà Giang, Sa Pa, Mộc Châu..., khách sạn, nhà nghỉ đều "cháy" phòng.

xuat phat o sa pa 1(read-only)

VĐV náo nức ở điểm xuất phát tại thị trấn Sa Pa của cuộc thi marathon VMM - Ảnh: NAM KHÁNH

Thị trấn Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La) ra đường chỉ thấy VĐV trong trang phục chạy bộ. VĐV có mặt ở khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch rồi lại cùng nhau... chạy. Điều đáng nói, ở những giải này có đến gần nửa số VĐV tham dự là VĐV quốc tế.

Ông Trần Đức Quý, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết Hà Giang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn giúp đồng bào thoát nghèo. Việc tổ chức giải marathon là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế biết đến Hà Giang nhiều hơn. (K.X.)

Du lịch + thể thao: Nguồn thu triệu USD - Kỳ 3: Bài học từ Thái, Singapore

TTO - Thế nào là làm du lịch thể thao? Hãy nhìn vào Singapore và Thái Lan - những quốc gia láng giềng gần gũi với Việt Nam để có được những bài học thực sự.

TẤN PHÚC - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên