Đoàn xe đạp Việt Nam được chào đón nồng nhiệt ở Thái Lan - Ảnh: H.Đ.
Với người Thái, làm không hẳn phải là tổ chức những giải đấu hoành tráng hay mời về những siêu sao hàng đầu thế giới...
Niềm nở như người Thái
Đầu năm 2015, tôi tham gia vào chuyến đạp xe xuyên 3 quốc gia từ TP.HCM sang Campuchia và điểm dừng là Bangkok (Thái Lan).
Để được hỗ trợ trong những ngày ở đất khách, chúng tôi mua một tour du lịch Thái Lan và ngay lập tức, tin tức chuyến đi đến tai Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT).
Sáng ngày khởi hành, bà Chutathip Chareonlarp - trưởng đại diện TAT tại TP.HCM - có mặt để đưa tiễn đoàn kèm theo lời hứa TAT sẽ dành sự chào đón nồng nhiệt nhất cho các vị khách đặc biệt từ Việt Nam.
Được hứa hẹn nhưng không trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ của nước bạn, chúng tôi lên kế hoạch với công ty du lịch để tìm hiểu đường đạp xe an toàn, tình trạng giao thông của Thái Lan.
Đạp xe cả ngàn cây số trong một tuần lễ vốn đã chẳng dễ dàng gì, phải rong ruổi trên xứ người lại càng nguy hiểm. Nhưng rồi khi vừa bước qua cửa khẩu, chúng tôi mới biết mọi lo toan của mình đều thừa.
Chào đón chúng tôi ngay ở biên giới Campuchia - Thái Lan là đại diện của TAT cùng đông đảo người dân địa phương. Họ dành cho chúng tôi - những người lữ hành trên chiếc xe đạp - các điệu múa cổ truyền, các vòng hoa kết tay và một cuộc giao lưu đặc biệt.
TAT đã mời đội đạp xe phong trào của địa phương đến giao lưu với chúng tôi. Sau đó, họ đồng hành với nhóm suốt 100km trên đường hướng về Bangkok. Đi kèm còn có một chiếc xe của cảnh sát du lịch để giúp chúng tôi an toàn.
Sự hiện diện của các tay vợt nữ hàng đầu thế giới ở WTA Finals rất có giá trị với du lịch thể thao của Singapore - Ảnh: WTA Tennis
Luyện tập sức khỏe để quảng bá sự hiếu khách
Người Thái đã hoàn toàn chinh phục cảm tình của những du khách như chúng tôi. Và họ gọi đó là làm du lịch thể thao.
"Thái Lan cũng giống như các bạn, xe hơi, xe máy quá nhiều và đường sá rất chật chội, ô nhiễm. Chúng tôi muốn khuyến khích người dân đạp xe để giữ gìn sức khỏe. Hành trình của các bạn là cơ hội tốt để chúng tôi truyền cảm hứng cho người dân Thái.
Các bạn đã chọn Thái Lan để thực hiện hành trình này, chúng tôi rất cảm ơn vì điều đó. Nhân dịp này, chúng tôi cũng thành lập tuyến đường đạp xe riêng ở Bangkok", bà Chutathip Chareonlarp lý giải.
Thái Lan là một quốc gia tương đối có vị thế trong làng thể thao châu Á, họ cũng không thiếu những ngôi sao nổi tiếng. Nhưng người Thái đã dùng chính giá trị gốc rễ của thể thao: việc luyện tập sức khỏe cho người dân để quảng bá về hình ảnh hiếu khách, thân thiện của họ.
Và TAT cũng không quên quảng bá về một môn thể thao khác: show diễn muay Thái mang tên Thai Fight. Bên cạnh những ngôi chùa cổ kính, những quán bar phóng túng, Thai Fight là một trong những điểm nhấn du lịch ở Bangkok - thành phố nổi tiếng hàng đầu thế giới về lượng du khách.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch Thái Lan (phải) chào đón đội trưởng đội xe đạp phong trào từ Việt Nam - Ảnh: H.Đ.
Singapore "đắt xắt ra miếng"
Cách làm du lịch thể thao của người Singapore càng quy mô hơn. Không có một nền thể thao hùng mạnh cùng những ngôi sao danh tiếng, họ chỉ có thể thông qua việc đăng cai các giải đấu hàng đầu thế giới.
Những năm qua, thể thao Singapore thu lợi không ít từ việc tổ chức Giải quần vợt WTA Finals và Giải đua xe Công thức 1 (F1).
Cách đây 11 năm, Singapore lần đầu tiên đăng cai F1, mở đầu cho một kỷ nguyên mới của du lịch Singapore. Đó cũng là thời điểm Singapore gặp nhiều khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế.
Việc đăng cai F1 là một nỗ lực táo bạo của Singapore nhằm kích thích ngành du lịch trong thời điểm gian khó. Và quyết định này đã mang lại thành công.
Bất chấp cuộc khủng hoảng, du lịch Singapore năm 2008 tăng 7% lợi nhuận so với năm trước đó nhờ hàng chục ngàn du khách nước ngoài đổ xô đến trong thời điểm diễn ra F1. Đến năm 2018, số du khách đến Singapore trong thời điểm diễn ra F1 đã vào khoảng 500.000.
Hơn 5 năm sau phát súng của F1, Singapore lại đăng cai thêm một giải đấu thể thao lớn nữa là WTA Finals. Có cùng đẳng cấp với F1 nhưng ở một môn thể thao phổ biến hơn, WTA Finals hiển nhiên không kém cạnh về những con số lợi nhuận.
Trong cách làm của người Singapore, thể thao trở thành một phần của du lịch. WTA Finals thật ra để phục vụ cho một mục đích lớn hơn: quảng bá cụm thể thao phức hợp khổng lồ Sports Hub.
Tổ chức giải thể thao để kích thích du lịch phát triển
Giáo sư Lê Quý Phượng (Đại học TDTT TP.HCM) cho rằng du lịch thể thao chính là mũi nhọn trong phát triển du lịch tại Việt Nam cũng như toàn thế giới.
Trong báo cáo tham luận tại hội thảo "Giải pháp phát triển kinh tế thể thao Việt Nam", được tổ chức lần đầu tiên vào cuối năm 2018 do Ban Kinh tế trung ương và Bộ VH-TT&DL chủ trì, ông Phượng dẫn chứng số liệu từ EuroSport cho thấy du lịch thể thao đóng góp khoảng 800 tỉ USD và có tốc độ tăng trưởng 14% mỗi năm trên thế giới.
Giáo sư Phượng nói: "Các loại hình thể thao đóng góp lớn nhất cho doanh thu du lịch có thể kể đến gồm bóng đá, golf, điền kinh, trong khi đó ngành công nghiệp thể thao ngoài du lịch còn có môi giới thể thao, dụng cụ tập luyện, cá cược...
Tại Việt Nam, du lịch gắn với thể thao đã phát triển vài năm gần đây và mang lại hiệu quả cao cho các địa phương, trong đó có thể kể đến các giải chạy đường dài với hàng chục giải mỗi năm.
Tổ chức giải thể thao để kích thích du lịch phát triển nên là hướng mà Việt Nam đầu tư thời gian tới, nhất là mới đây Hà Nội công bố là nơi tổ chức một chặng đua F1 từ năm 2020 - 2030".
Trả lời Tuổi Trẻ về cơ hội thu hút du khách đến Việt Nam từ sự kiện Hà Nội tổ chức , ông Jean Todt - chủ tịch Liên đoàn xe ôtô quốc tế (FIA) - nói: "Đăng cai F1 là sự kiện lịch sử của thể thao Việt Nam, đưa Việt Nam là một trong 22 địa điểm tổ chức giải đua F1 trên toàn thế giới bên cạnh Monaco, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...
Chắc chắn có rất nhiều du khách quốc tế sẽ đến Hà Nội để xem F1 và từ F1 sẽ biết đến Hà Nội - Việt Nam".
K.XUÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận