02/08/2019 13:35 GMT+7

Du lịch tăng trưởng tốt, đào tạo nhân lực lại lẹt đẹt chạy sau

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Cần có chuẩn đầu ra, kỹ năng nghề theo khu vực, trình độ tiếng Anh… thống nhất cho các cơ sở đào tạo du lịch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch.

Du lịch tăng trưởng tốt, đào tạo nhân lực lại lẹt đẹt chạy sau - Ảnh 1.

TS Trần Văn Thông - Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: M.G.

Đây là những ý kiến đưa ra tạo hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập" do Vụ đào tạo (Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch) và Trường ĐH Văn Hiến tổ chức sáng 2-8 tại TP.HCM.

Theo thông tin đưa ra tại hội thảo, đến năm 2020 nhu cầu nhân lực của ngành du lịch Việt Nam khoảng 870.000 lao động trực tiếp. Trong các loại lao động của ngành thì lao động quản lý hay lao động cấp cao có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất theo dự báo. Điều này đòi hỏi yêu cầu về công tác đào tạo cần được hoàn thiện và nâng cao nhằm đáp ứng theo các tiêu chuẩn về nhân lực đã được đặt ra.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, du lịch Việt Nam đã có cải thiện về thứ bậc trên bảng xếp hạng, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia được đánh giá trong năm 2017. Trong đó, chỉ số "nguồn nhân lực và thị trường lao động" xếp hạng 37 nhưng chỉ số "quy mô đào tạo nhân lực" lại xếp hạng 69 và "tỉ lệ đào tạo bậc trung cấp" chỉ xếp hạng 67. 

Do đó công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành du lịch hiện nay cần hướng tới đạt được các kiến thức, kỹ năng theo các tiêu chuẩn đã được thỏa thuận trong khu vực và mở rộng ra phạm vi toàn cầu.

Mặc dù số lượng các cơ sở đào tạo về du lịch ngày càng gia tăng nhưng chưa có sự liên kết, thống nhất trong chương trình đào tạo, không thừa nhận lẫn nhau và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và chưa theo kịp các quốc gia trong khu vực cũng như chưa có giáo trình thống nhất theo chuẩn chung của các nước trong khu vực và thế giới.

Hiện tại các cơ sở đào tạo về du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nhân lực ngành du lịch được đào tạo còn thiếu tính thực tiễn, chương trình đào tạo du lịch đến nay vẫn chưa được thống nhất, kết cấu khung chương trình đào tạo giữa các cơ sở rất khác nhau về tỉ lệ giữa khối kiến thức đại cương và chuyên ngành. 

Điều này dẫn đến sinh viên ra trường thiếu các kỹ năng và các doanh nghiệp phải đào tạo lại nguồn nhân lực mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế.   

Du lịch tăng trưởng tốt, đào tạo nhân lực lại lẹt đẹt chạy sau - Ảnh 2.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều cơ sở đào tạo và sở du lịch các địa phương - Ảnh: M.G.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời kỳ hội nhập, cơ quan quản lý du lịch cần xây dựng được khung trình độ quốc gia về giáo dục và đào tạo nghề du lịch với nội dung theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN để các cơ sở đào tạo có cơ sở áp dụng. Ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch phù hợp với tiêu chuẩn nghề ASEAN đã ký kết và công nhận chung.

Cần hình thành mạng lưới các trung tâm thẩm định nghề du lịch theo quy định của pháp luật và phù hợp với ASEAN, xác lập hệ thống thẩm định viên đủ tiêu chuẩn trong nước và khu vực ASEAN. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng công tác đào tạo nhân lực ngành lực đáp ứng được yêu cầu công việc trong nước lẫn khu vực.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo áp dụng chương trình đào tạo phù hợp với chương trình đào tạo theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN trong lĩnh vực du lịch sau khi có chương trình thống nhất từ cơ quan quản lý du lịch mà cụ thể là Tổng cục Du lịch.

Một số ý kiến đề xuất việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp phải thực tế chứ không chỉ lý thuyết. Đại diện một trường ĐH cho rằng cơ sở thực hành do trường xây dựng có tốt đến đâu cũng không thể bằng doanh nghiệp bởi nó thực tế, sinh viên được làm việc trực tiếp với thực tế sẽ học hỏi rất nhiều về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên