16/11/2020 11:34 GMT+7

Du lịch Sài Gòn bắt tay 'đánh thức' du lịch Tây Bắc

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Sản phẩm du lịch Tây Bắc không thiếu nhưng để phát triển thêm các sản phẩm mới, kịp thời đón đầu xu hướng du lịch trong bối cảnh thị hiếu của khách thay đổi nhanh, doanh nghiệp lữ hành đang thiếu thông tin.

Du lịch Sài Gòn bắt tay đánh thức du lịch Tây Bắc - Ảnh 1.

Du khách tham quan khu di tích đền Hùng, Phú Thọ. Khu vực Tây Bắc mở rộng đang phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách - Ảnh: NHƯ BÌNH

Ngày 15-11, hiệp hội doanh nghiệp 9 địa phương gồm TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc đã cùng ngồi lại nhằm tìm cách kết nối thông tin, giúp các doanh nghiệp lữ hành khai thác tốt hơn tài nguyên du lịch Tây Bắc.

Doanh nghiệp quá thiếu thông tin

Ông Cao Tùng - phó tổng giám đốc BenThanh Tourist, cho biết các đoàn tour khảo sát đều thừa nhận tiềm năng của Tây Bắc về du lịch vô cùng lớn, nhiều điểm đến quá thú vị nhưng chưa đón được khách.

"Vùng Tây Bắc với thế mạnh du lịch cộng đồng, du lịch gắn với thiên nhiên nên thông tin về thời tiết, mùa hoa rất quan trọng. Chẳng hạn Tây Bắc rất đẹp vào mùa này, nếu các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin sẽ có cơ hội đưa nhiều khách đến", ông Cao Tùng nói.

Vừa trở về từ Hà Giang, bà Nguyễn Ngọc Trang, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Hòa Bình, cho biết do thiếu thông tin nên khách muốn nghỉ qua đêm tại các điểm đến ở khu vực này đều không biết sẽ làm gì. 

"Nói đến Yên Bái, ai cũng nghĩ đến mùa lúa chín. Vậy trước và sau mùa lúa chín, chúng ta sẽ làm gì?", bà Trang đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, tổng giám đốc Công ty Saco Travel, cho rằng với du lịch Tây Bắc, khách luôn bị hấp dẫn bởi các chuyến đi vào bản làng, tham quan đời sống người dân... Do đó, các doanh nghiệp kỳ vọng địa phương sẽ bảo tồn thật tốt các di sản văn hóa, sự kiện truyền thống chứ đừng "hiện đại hóa" rồi đánh mất bản sắc...

Phải tránh sản phẩm trùng lắp

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - phó giám đốc Vietravel, doanh nghiệp này có hơn 20 bộ sản phẩm về Tây Bắc được nhiều khách đánh giá cao nhờ doanh nghiệp có những chuyến khảo sát và chọn kỹ các điểm đến mang đặc trưng của Tây Bắc. Nhưng để đẩy mạnh quảng bá tour này, doanh nghiệp vẫn rất cần thêm thông tin.

"Doanh nghiệp muốn xây dựng được sản phẩm mới sẽ mất 3-6 tháng chuẩn bị. Do đó, nếu có những điểm đến mới, các địa phương nên chủ động thông tin đến doanh nghiệp", bà Hoàng đề xuất.

Ông Hoàng Văn Tuyên, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai, khẳng định các địa phương trong vùng cũng muốn tạo ra những chuỗi sản phẩm không trùng lắp, hấp dẫn du khách đến. 

Sau các biên bản ký kết, chương trình hành động sẽ đi vào thực tế xây dựng đầu mối liên kết để doanh nghiệp có điều kiện cho ra nhiều sản phẩm mới hơn nữa, tiếp cận được khách hàng TP.HCM cũng như cả nước.

Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành

Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).

Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: [email protected].

Du lịch Sài Gòn bắt tay đánh thức du lịch Tây Bắc - Ảnh 3.
TP.HCM bắt tay cùng 8 tỉnh Tây Bắc vực dậy du lịch nội địa TP.HCM bắt tay cùng 8 tỉnh Tây Bắc vực dậy du lịch nội địa

TTO - Liên kết du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ giúp phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế cạnh tranh, kêu gọi các nguồn lực đầu tư và thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc và TP.HCM.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên