Du khách nước ngoài nhận khẩu trang miễn phí tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Khánh nói:
- Từ khi dịch cúm bùng phát, các doanh nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách hủy, hoãn tour ngay trong cao điểm mùa du lịch. Tổng cục Du lịch ước tính ngành du lịch có thể thiệt hại từ 5,9-7,7 tỉ USD trong ba tháng tới. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm 3,7-4,7 triệu lượt, khách nội địa giảm 10,9-15,3 triệu lượt.
Thiệt hại không nhỏ
* Con số thiệt hại từ 5,9-7,7 tỉ USD được tính dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Dựa vào số liệu chi tiêu bình quân của khách du lịch và lượng khách sụt giảm. Thực tế, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch theo kết quả điều tra năm 2019 gồm dịch vụ lưu trú thiệt hại 1,5-1,8 tỉ USD, dịch vụ ăn uống 1,3-1,7 tỉ USD, dịch vụ vận chuyển 1-1,4 tỉ USD, dịch vụ tham quan, vui chơi giải trí 650-850 triệu USD và mua sắm hàng hóa là 1-1,3 tỉ USD...
* Cụ thể, các đối tượng khách của du lịch VN ước tính sẽ bị suy giảm thế nào?
- Chúng tôi tính toán thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến VN, khách có thể giảm từ 90-100%. Thực tế chúng ta đã đóng cửa thị trường này, ngành du lịch có thể mất 1,7-1,9 triệu lượt khách. Mức chi tiêu bình quân của du khách là 1.021 USD/lượt, tương đương 1,8-2 tỉ USD. Lượng khách quốc tế còn lại cũng có thể giảm từ 50-70%, tương đương 2-2,8 triệu lượt. Với mức chi tiêu bình quân là 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2-3 tỉ USD.
Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50-70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9-15,3 triệu lượt. Mức chi tiêu bình quân của khách nội địa là 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm. Thiệt hại ước 1,9-2,7 tỉ USD.
Theo các chuyên gia y tế VN, dịch bệnh có thể lên đến đỉnh điểm vào trung tuần tháng 2-2020, dự kiến cuối tháng 2-2020 sẽ nghiên cứu thành công văcxin chống corona. Chúng tôi có những dự báo kịch bản của ngành, từ đó có chiến lược khôi phục thị trường.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Quyết liệt tìm cách phục hồi
* Dịch bệnh corona bộc lộ thêm ngành du lịch bấy lâu nay lệ thuộc vào một vài thị trường chính. Năm 2019, trong 18,5 triệu lượt khách quốc tế, gần 80% đến từ châu Á?
- Không đợi đến dịch corona mà tổng cục nhìn thấy những thách thức là lượng khách quốc tế đang tập trung vào một số thị trường chính. Ngay từ cuối năm 2019, ngành du lịch đã thảo luận triển khai một số giải pháp quyết liệt cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường. Trong đó, chúng tôi hướng đến những thị trường nhiều tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng con số tuyệt đối chưa cao. Như khách Ấn Độ năm 2019 tăng khoảng 27%, số tuyệt đối chỉ khoảng 200.000 lượt khách. Tổng cục đang kỳ vọng việc khai trương đường bay thẳng giữa hai nước sẽ đẩy lượng khách tăng cao.
Ngoài ra là khách đến từ các nước Hồi giáo, khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị, như món ăn, nhà hàng dành cho người Hồi giáo hay các cửa hàng bán hàng hóa, thậm chí cả cung cách phục vụ tại các cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch...
Sẽ tổ chức các chương trình kích cầu
* Những việc đang chuẩn bị làm khi dịch bệnh dịu xuống là gì, thưa ông?
- Ngay sau khi dịch được khống chế, ngành du lịch VN lên kế hoạch tổ chức các đoàn xúc tiến những thị trường tiềm năng, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và tổ chức các chương trình kích cầu dành cho những thị trường du lịch hàng đầu gửi khách đến VN.
* Nghĩa là sẽ có chương trình kích cầu du lịch với các chương trình giảm giá, trước tiên là du lịch nội địa?
- Phát triển du lịch nội địa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, song song với thu hút du khách quốc tế. Phải nói rằng tiềm năng phát triển khách du lịch nội địa rất cao. Hiện tổng cục cũng đang thực hiện các thống kê về khả năng chi tiêu của du khách trong nước, đặc biệt tại các khu vui chơi, giải trí...
Theo tôi, để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch VN. Làm sao du lịch trong nước phải có những gói sản phẩm hấp dẫn cạnh tranh được với các sản phẩm du lịch nước ngoài mà các nước đang chào bán thông qua những đại lý của họ tại VN. Bởi nếu chi phí đi du lịch nước ngoài và du lịch trong nước tương đương nhau thì chắc chắn người dân sẽ có xu hướng chọn đi du lịch nước ngoài.
Nhiều sự kiện thu hút khách năm 2020
Năm nay ngành du lịch sẽ quảng bá vào một số thị trường mục tiêu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, 10 nước ASEAN... đang chiếm tỉ trọng khách lớn của VN. Ngoài ra, còn có một số thị trường có khả năng chi tiêu cao như Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nga...
VN cũng kết hợp với doanh nghiệp quảng bá mạnh mẽ sự kiện giải đua xe công thức 1 diễn ra vào tháng 4-2020. Bên cạnh đó cũng có nhiều sự kiện địa phương khác như Festival Huế lần thứ 10, các hoạt động trong năm chẵn...
Đây là thời điểm thách thức đối với ngành du lịch, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để ngành cơ cấu lại thị trường khách, củng cố sản phẩm...
70% khách quốc tế hủy, dời tour đến Đà Lạt
Theo UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), do lo ngại dịch corona, đến thời điểm hiện tại khoảng 10.000 phòng khách sạn được đặt từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3-2020 đã bị hủy, chủ yếu ở phân khúc khách sạn 1-2 sao, các homestay, nhà nghỉ bình dân... Nhiều chủ khách sạn ở trung tâm TP Đà Lạt, nơi thường xuyên kín phòng, cho hay dịp cuối tuần vừa qua công suất phòng chỉ đạt 30%. Đây là công suất không đạt để vận hành khách sạn. Các khách sạn, homestay nằm ở vùng ven hoặc ngoại ô Đà Lạt, công suất khai thác chỉ đạt 10-15%. Nhiều cơ sở khác không có khách.
Theo Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng, 70% khách quốc tế đã hủy, dời tour đến Đà Lạt trong tháng 2-2020 và chưa xác định đặt tour mới. 80% tour trong nước đến Đà Lạt cũng hủy. Khách đặt tour mới rất ít, chủ yếu cho thời điểm tháng 3-2020. Như vậy, chủ yếu khách đến Đà Lạt hiện là du khách đi tự túc.
MAI VINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận