Phóng to |
Chuyện tận tay hái trái cây trong nhà vườn chỉ còn trong tờ rơi quảng cáo - Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam |
Khi cầu Rạch Miễu nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre (có ngã rẽ về khu du lịch Thới Sơn, Tiền Giang) mới đóng những cây cọc đầu tiên, ai cũng nghĩ hoàn thành sẽ tạo cú đột phá cho du lịch sinh thái miệt vườn Thới Sơn phát triển. Vì khi đó du khách sẽ có hai sự lựa chọn để đến điểm du lịch này: một là đi đường bộ, hai là đi tàu trên sông nước theo tuyến truyền thống lâu nay.
Do nhận định như thế nên tỉnh Tiền Giang đã đón đầu, đầu tư trên 64 tỉ đồng từ nguồn vốn ADB trong khuôn khổ dự án phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong để kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng, đáp ứng nhu cầu về du lịch sinh thái miệt vườn trong giai đoạn mới.
Trong đó, bến tàu thủy du lịch tọa lạc trên diện tích gần 1,2ha tại phường 1 (thành phố Mỹ Tho) và nằm ven sông Tiền được đầu tư với kinh phí trên 25 tỉ đồng bao gồm nhiều hạng mục công trình như bờ kè, cầu tàu, bến phao, sân nội bộ, bãi đỗ xe và nhiều thiết bị nội thất hiện đại khác đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Từ đó, chỉ riêng địa bàn thành phố Mỹ Tho đã có đến 13 công ty du lịch lữ hành khai thác tuyến du lịch này.
Tuy nhiên, khác xa với sự “hoành tráng” ở điểm đón khách kể trên, điểm đến chính của tour du lịch sinh thái miệt vườn Thới Sơn là khu du lịch Thới Sơn 1 thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn thì hoàn toàn ngược lại. Từ hai năm qua, khu du lịch này chẳng hề được đầu tư chỉnh trang ngoài mái nhà chính dùng để tiếp khách được lợp lại.
Còn những điểm du lịch do người dân tự dựng nên thì hàng quán bán đồ lưu niệm, kẹo dừa nhiều hơn vườn hoa, vườn cây ăn trái. Vừa bước qua khỏi nhà khách là đến dãy hàng quán bán đồ lưu niệm, kẹo dừa vây chặt lấy lối đi khiến du khách Tây đi xe đạp phải xuống xe dắt bộ.
Ông Nguyễn Văn An, có vườn sát ngay cạnh khu du lịch Thới Sơn 1, cho biết: “Vườn nhà tui rơi vào khu quy hoạch, không biết ngày nào phải di dời nên đâu dám đầu tư chăm sóc, phân bón cho vườn cây. Vì thế, dạo này cây trái đâu mà có cho khách du lịch, thôi thì có bao nhiêu ăn bấy nhiêu để chờ ngày đi nơi khác làm ăn thôi".
Do vậy, khách du lịch đành phải vội vã “thưởng thức” qua loa cây trái miệt vườn vốn được mua từ những nơi khác đem về như hồng xiêm, chôm chôm được gọt sẵn, bày ra đĩa, còn chuyện tận tay hái trái cây trong nhà vườn đúng nghĩa của du lịch sinh thái miệt vườn thì chỉ có trên những tờ rơi quảng cáo mà thôi.
Điều đáng nói là trong hành trình cuối cùng để rời khỏi khu du lịch này, khách du lịch còn được “tận hưởng” phút giây bồng bềnh trên chiếc thuyền chèo do những dì, những bác lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn gồng mình chèo chống qua con rạch ngoằn ngoèo, hoàn toàn khác biệt với hình ảnh những cô gái miệt vườn xinh đẹp vận trên mình trang phục áo dài, áo bà ba tươi cười đón khách ở điểm đón.
Chị Nguyễn Thanh Quyên - ủy viên văn hóa xã hội xã Thới Sơn - cho biết những người chèo đò phục vụ khách du lịch là những đối tượng hộ nghèo, được xã ưu tiên tạo công ăn chuyện làm ở khu du lịch. Vì vậy, khó mà bắt họ trang bị đồng phục chính quy hoặc lựa chọn những người trẻ như ở bên điểm đón khách. Biết là có phản cảm chút ít nhưng bù lại đã giải quyết được công ăn việc làm cho hàng trăm hộ nên khó thay đổi trong một sớm một chiều.
Chính phải chấp nhận những hình ảnh tương phản ở điểm đón và điểm đến như thế nên lượng khách du lịch đến Thới Sơn cứ thế giảm dần. Theo ông Tô Công Ích, giám đốc khu du lịch Thới Sơn, mỗi tháng trung bình khu du lịch chỉ đón được khoảng 3.000 khách, giảm hơn 50% so với trung bình hằng năm.
Nguyên nhân sâu xa của nghịch lý trên là do trước đây tỉnh đã quy hoạch và giao cho Công ty Lê Đại Nam (TP.HCM) đến 580ha/1.212ha để thực hiện “siêu dự án” phát triển du lịch trên cù lao Thới Sơn.
Dự án này đã có quy hoạch cách nay hai năm nhưng không thực hiện được, chính vì vậy các hộ dân trong vùng dự án không dám đầu tư chăm sóc cây trái trong vườn dẫn đến cây cối bị suy kiệt, hạ tầng phục vụ du lịch xuống cấp trầm trọng.
Tới đây, Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang sẽ triển khai dự án mở rộng khu du lịch Thới Sơn 1 và UBND tỉnh triển khai dự án mới với quy mô 77ha, gồm bảy khu chức năng như khu đón tiếp đường bộ, làng nghề Nam bộ, cắm trại dã ngoại, nghỉ dưỡng… để phát triển loại hình du lịch này.
Tuy nhiên, để triển khai thực hiện và mời gọi các nhà đầu tư thì phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Trong khi đó, chất lượng phục vụ, nhất là hạ tầng của khu du lịch này do không được đầu tư nên ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nếu không sớm có những giải pháp khắc phục tình trạng quạnh quẽ như hiện nay thì tương lai khu du lịch Thới Sơn không biết sẽ đi về đâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận