06/06/2014 00:01 GMT+7

Du lịch MICE Việt Nam - cái khó bó tiềm năng

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Loại hình du lịch MICE (du lịch sự kiện, hội nghị) mang lại giá trị doanh thu cao gấp 6 lần loại hình du lịch thông thường.

Tuy nhiên, dù được đánh giá là một phân khúc rất tiềm năng, là một trong những mục tiêu chiến lược của ngành du lịch, song sau gần 10 năm phát triển, du lịch MICE của Việt Nam vẫn chưa vươn được ra khu vực do thiếu sự đầu tư “ra tấm, ra món”. Việt Nam rất có lợi thế phát triển du lịch MICE với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản đẹp; con người cởi mở, thân thiện; ẩm thực phong phú. Bên cạnh đó, nhu cầu tổ chức hội thảo, khóa đào tạo, triển lãm, quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam rất lớn và thường xuyên.

Nhiều địa phương có du lịch phát triển ở Việt Nam luôn nằm trong danh sách của các chương trình du lịch MICE quốc tế như: Phú Quốc, TP.HCM, Ðà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hà Nội... Với đặc điểm các đoàn khách MICE thường rất đông (vài trăm khách) và đặc biệt mức chi tiêu cao hơn khách đi tour bình thường (do ban tổ chức các hội nghị quốc tế bao giờ cũng đặt phòng cho khách ở khách sạn 4 - 5 sao, dịch vụ cao, tour sau hội nghị phải thiết kế chuyên biệt theo yêu cầu…) nên MICE hiện là loại hình du lịch mang lại nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch.

Sự phát triển của du lịch MICE còn là động lực mạnh kéo theo sự phát triển của các ngành cung ứng dịch vụ liên quan như ăn uống, dịch vụ giải trí, mua sắm, nhà hàng khách sạn, hàng không… Nhưng để thu được những lợi ích từ du lịch MICE đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng. Hiện cả nước chỉ mới có 4 địa phương có điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng, nguồn nhân lực và dịch vụ để tổ chức các sự kiện MICE lớn đó là TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp (1 khu phức hợp gồm hội trường, nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện, tiệc…) phục vụ 1 sự kiện MICE đòi hỏi vốn rất lớn. Vì vậy, hiện nay doanh nghiệp lữ hành làm du lịch về MICE chủ yếu tận dụng những công trình có sẵn nên rất vất vả để kết nối nhiều địa điểm cách xa nhau trong một chuỗi các sự kiện.

vgGff4uf.jpg

Khó khăn thứ hai phải nói đến đó là hạn chế nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng được nhu cầu tổ chức hội nghị hội thảo cấp cao. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, đội ngũ này còn thiếu và yếu, không có nhiều đơn vị có thể tự đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, máy móc trình chiếu tại các sự kiện MICE, thậm chí sẽ thiếu trầm trọng nếu nhiều sự kiện diễn ra cùng thời điểm trên cả nước.

Ngoài ra, ngành du lịch chưa hề có cơ sở đào tạo nhân lực tổ chức MICE, mà mới chỉ có các khoa trong một số trường đại học đào tạo về đạo diễn, quan hệ công chúng… và các doanh nghiệp đang tự đào tạo lấy nguồn nhân lực làm MICE của chính mình theo kiểu vừa học vừa làm.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch MICE, có vẻ những yêu cầu này vượt quá tầm của doanh nghiệp du lịch trong nước. Tuy nhiên, nếu bỏ trống không quan tâm tới lĩnh vực này đồng nghĩa với việc chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường cho các doanh nghiệp làm MICE chuyên nghiệp nước ngoài.

Từ những hạn chế trên có thể thấy để phát triển du lịch MICE, Việt Nam trước hết cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, có chiến lược quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng, địa phương, tới doanh nghiệp để thúc đẩy Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch MICE, liên doanh và liên kết đào tạo học viên kỹ thuật... với các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển.

Đồng thời, Việt Nam cũng phải tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu chiến lược quảng bá du lịch MICE của các nước, từ đó cân nhắc những hạng mục cần chi tiêu, tránh dàn trải, sai hướng, để làm sao hình ảnh, văn hóa, di sản Việt Nam được tiếp thị chọn lọc, sâu rộng, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Ngoài ra, cần chú ý, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thực sự không có tiềm lực kinh tế, chuyên môn, kinh nghiệm, chính điều đó đã làm cho MICE Việt Nam trở nên kém chuyên nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì vậy, việc cấp phép hoạt động cũng như giám sát, quản lý doanh nghiệp cần phải sát sao hơn mới tạo ra một môi trường MICE chuyên nghiệp hơn, hạn chế những cạnh tranh kém lành mạnh như bôi nhọ, dìm giá, kém chất lượng.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên