Du lịch nhiều nơi đang tìm cách hồi sinh sau thời gian dài ngủ đông - Ảnh: NGUYỄN MINH
Ngày 14-10, tại buổi tọa đàm về hồi phục và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới do báo Người Lao Động tổ chức, các nhà quản lý, doanh nghiệp đều cho rằng một khi còn tâm lý e ngại thì việc mở cửa vẫn chưa thể thu hút được du khách.
Ông Lâm Hải Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết để mở cửa, tỉnh cũng đang rà soát lại các điểm đến vùng xanh, an toàn đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, có thể cùng các địa phương khác xây dựng du lịch an toàn.
"Song hiện tỉnh mới kết nối được đường bay với TP.HCM, riêng Hà Nội và Hải Phòng vẫn chưa có khách do các điều kiện về cách ly còn khó. Làm sao khống chế được dịch bệnh, xây dựng điểm đến an toàn, tạo tâm lý thoải mái cho du khách thì chúng ta mới mở cửa được", ông Lâm Hải Giang nói.
Tại Huế, ông Trần Hữu Thùy Giang, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng cho biết từ ba ngày nay, hành khách đi máy bay đến Huế không bị cách ly mấy ngày nếu đủ điều kiện. Khách cũng có thể đăng ký lưu trú dịch vụ nếu không có điều kiện theo dõi tại nơi cư trú.
Tuy vậy, du lịch tỉnh vẫn chủ yếu đang phục vụ khách nội tỉnh, nên hiệu quả mở cửa chưa được như kỳ vọng. "Chúng ta đã có nghị quyết 128 quy định rõ 4 mức xanh, vàng, cam, đỏ, vì vậy, các tỉnh thành, ban ngành liên quan lưu tâm để kết nối, mở cửa hiệu quả hơn. Vùng xanh hầu như mở cửa, không có chuyện yêu cầu tiêm chủng, xét nghiệm, được tự do đi lại nên tôi nghĩ nên bàn sâu để mở rộng thêm các điều kiện hoạt động du lịch", ông Giang nói.
Tương tự, du lịch tỉnh Lào Cai cũng chật vật vì không được đón khách địa phương khác cũng như khách quốc tế. Theo ông Hà Văn Thắng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lào Cai, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm du lịch của tỉnh rất được du khách ưa thích nhưng giờ phải chờ các tỉnh thông tuyến.
"Trên 40 dự án đầu tư lớn với trên 50.000 tỉ đồng phải triển khai cầm chừng, rất khó đánh giá được thiệt hại vì con số rất lớn. Nếu như năm 2019 chúng tôi đón 5,5 triệu lượt khách, thu hơn 20.000 tỉ đồng thì năm nay dự tính chỉ thu 3.800 tỉ đồng. Khó khăn lớn khác nữa là gần như lực lượng lao động du lịch đã chuyển sang làm việc khác, thiếu nguồn lực lao động sau giai đoạn đại dịch", ông Thắng cho biết.
Theo ông Trần Đoàn Thế Duy, tổng giám đốc Vietravel, trong quá trình hồi phục hiện nay, các địa phương chỉ dừng lại ở mở cửa nội thành, nội tỉnh, nhưng du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao. Để du lịch thực sự hồi sinh, cần phải có sản phẩm liên vùng, kết nối những vùng an toàn với nhau. Các địa phương nên thống nhất các tiêu chí an toàn trong điều kiện hiện nay để du khách và doanh nghiệp có thể sớm trở lại.
Cũng theo các doanh nghiệp, sau dịch nhiều hình thức du lịch mới sẽ được ưa chuộng như về với thiên nhiên, lên rừng xuống biển hay đi theo nhóm bạn, gia đình. Nhưng dù đến đâu, độ bao phủ vắc xin mới đặc biệt quan trọng với lựa chọn của khách. Do đó, các điểm đến phải tiếp tục tăng độ phủ vắc xin lên mức an toàn thì câu chuyện đón khách mới bàn tiếp được.
Gửi thông điệp đến hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ đã có định hướng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.
Bộ xác định quá trình hồi phục sẽ ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Theo đó, xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch, cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình.
Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ kịp thời; ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy và cuối cùng là số hóa, ứng dụng công nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận