17/05/2017 01:02 GMT+7

Du lịch hàn gắn vết thương chiến tranh

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Nhiều năm qua, một số cựu binh Mỹ đã cùng nhau duy trì Tổ chức phản chiến phi lợi nhuận Veterans for Peace ở Việt Nam, đất nước nơi họ từng tham chiến.

Thành viên Tổ chức Veterans for Peace thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam - Ảnh: The Huffington Post
Thành viên Tổ chức Veterans for Peace thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam - Ảnh: The Huffington Post

“Lúc ở Mỹ, ký ức chiến tranh ám ảnh tôi ngày đêm. Tôi thấy nhiều cảnh tượng cũ, nhiều khuôn mặt cũ

Cựu binh Mỹ David Clark

Veterans for Peace (Cựu binh vì hòa bình) chuyên mở các tour trở lại thăm Việt Nam dành cho những người từng tham chiến, những nhà hoạt động từng đấu tranh chống lại cuộc chiến ở Việt Nam, và cho bất cứ ai quan tâm.

Chuyến đi để tìm lại

Mỗi tour như vậy thường kéo dài hơn 2 tuần, có giá khoảng 2.750 USD (hơn 62,3 triệu VND), chưa tính giá vé máy bay, theo thông tin trong phóng sự đăng ngày 13-5 trên trang The Huffington Post. Ngoài ra, người tham gia còn được yêu cầu mang theo 1.000 USD làm quà, đến cuối hành trình họ sẽ cùng nhau quyết định ủng hộ số tiền này cho ai.

Ông Chuck Searcy là phó chủ tịch tổ chức này ở Việt Nam. Hiện đang sinh sống ở Hà Nội, ông Searcy từng đóng quân tại Sài Gòn từ năm 1967-1968, hoạt động trong một đơn vị tình báo.

Ông trở lại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992, và ba năm sau chuyển luôn tới đất nước này, nơi ông dành tâm huyết để cùng nhiều người khác gây dựng Veterans for Peace. Tính riêng từ đầu năm nay, Veterans for Peace đã đưa 10 người sang thăm lại Việt Nam trên tinh thần hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trong số đó có ông Floyd Henderson - một người đã sang Canada để trốn quân dịch vào năm 1969 khi được triệu tập cho cuộc chiến ở Việt Nam, và bà Cathy Wilkerson - cựu thành viên Tổ chức Weather Underground, từng nằm trong số 10 người bị truy nã gay gắt nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Đối với bà Wilkerson - người phụ nữ trông có vẻ rụt rè và không có vẻ gì giống một nhà hoạt động chống chính quyền Mỹ cả, chuyến đi năm nay là dịp cho bà hoàn thành hành trình mà mình đã khởi xướng 50 năm trước.

Năm 1967, bà và 3 thành viên Tổ chức Students for a Democratic Society (Sinh viên vì một xã hội dân chủ) dự tính bay từ Mỹ đến Việt Nam để mong tìm gặp các binh sĩ miền Bắc Việt Nam nhằm thu thập thông tin cho các hoạt động phản chiến của mình ở Mỹ.

Tuy nhiên chuyến đi đã không thực hiện được vì quân đội Mỹ bắt đầu đánh bom miền Bắc Việt Nam và nhóm sinh viên Mỹ này không được bay ra Hà Nội do tình hình quá nguy hiểm, nên cuộc gặp sau đó đã chuyển địa điểm sang Phnom Penh của Campuchia.

Trong khi đó, đây là lần thứ 2 ông Henderson tham gia tour của Veterans for Peace Việt Nam, lần đầu tiên là năm 2014. Ban đầu Henderson rất lo sợ bởi Veterans for Peace có nhiều cựu binh từng tham chiến và ông không biết họ sẽ phản ứng thế nào với mình là một người đã trốn đi lính. “Không một chút do dự, họ chấp nhận tôi như là một trong số họ - ông Henderson kể lại lần gặp đầu tiên - Họ thậm chí còn gọi tôi là cựu chiến binh và là một người anh em”.

Vòng cổ lưu niệm của Veterans for Peace - Ảnh: The Huffington Post
Vòng cổ lưu niệm của Veterans for Peace - Ảnh: The Huffington Post

"Tôi tìm thấy hòa bình ở đây"

Một trong số những thành viên cựu binh mà ông Henderson nói đến là David Clark, hiện sinh sống cùng người vợ Việt của mình ở Đà Nẵng. Ông đã là thành viên của Veterans for Peace Việt Nam từ nhiều năm qua.

Cựu binh Clark vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiên ông đến Việt Nam. Đó là nơi anh lính thủy quân lục chiến Mỹ 17 tuổi David Clark luôn phải kè kè súng bên mình. Độ tuổi đó, ở quê nhà, Clark thậm chí còn không được đi bầu cử hoặc uống rượu.

“Khi đó, mỗi lần thấy người Việt tôi không quan tâm là đàn ông, phụ nữ hay trẻ con, tôi sẽ chĩa khẩu M16 vào họ. Tôi muốn họ sợ tôi vì tôi nghĩ nếu họ sợ tôi thì cơ hội được về nhà của tôi sẽ cao hơn nhiều” - Clark xót xa nhớ lại.

Dù sau này có sự nghiệp thành công ở Mỹ, cựu binh Clark vẫn không thôi bị ám ảnh vì những gương mặt sợ hãi năm xưa, hay những trận chiến mà anh lính trẻ không biết mình đã bắn vào ai, vào cái gì.

Năm 2007, Clark quay trở lại Việt Nam. Dù những ám ảnh quá khứ không ngừng khiến ông run sợ và muốn quay về Mỹ, nhưng ông vẫn quyết định ở lại, sau khi cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người Việt Nam.

Sau chuyến đó, Clark tiếp tục trở lại Việt Nam vài lần và từ năm 2013 ông không rời đi nữa. "Lúc ở Mỹ, ký ức chiến tranh ám ảnh tôi ngày đêm. Tôi thấy nhiều cảnh tượng cũ, nhiều khuôn mặt cũ” - cựu binh Clark kể lại nỗi ám ảnh.

"Nhưng khi tôi ở Việt Nam và leo lên đỉnh Ngũ Hành Sơn, nhìn xung quanh tôi không nhìn thấy tia lửa, không nghe thấy tiếng súng. Cuộc chiến đã qua hơn 40 năm. Tôi tìm thấy hòa bình ở đây” - ông xúc động chia sẻ.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên