15/04/2025 19:48 GMT+7

Du lịch Halal ước đạt 350 tỉ USD vào năm 2030, Việt Nam có góp phần?

Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu. Các chuyên gia dự báo vào năm 2030, loại hình này sẽ đóng góp 350 tỉ USD vào ngành du lịch thế giới. Du lịch Việt sẽ nắm bắt cơ hội này ra sao?

halal - Ảnh 1.

Lần đầu tiên hệ thống sân bay Việt Nam có phòng chờ dành riêng cho khách Hồi giáo - Ảnh: DUYÊN PHAN

Còn khá mới mẻ ở Việt Nam, du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, các dịch vụ cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi.

Tại Việt Nam, dịch vụ phục vụ cho Halal vẫn chưa thực sự phát triển so với các nước trong khu vực. Đây cũng là một yếu tố khiến du lịch Việt kém sức hút với dòng khách theo đạo Hồi.

Dòng khách tiềm năng

Chia sẻ tại hội thảo “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn TP Hà Nội” ngày 15-4, ông Ramlan Osman - giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam - cho biết hiện có hơn 1,9 tỉ người theo đạo Hồi, chiếm khoảng 30% dân số thế giới.

Sau dịch COVID-19, lượng khách du lịch Hồi giáo đi du lịch tăng nhanh chóng, đặc biệt với phân khúc chi tiêu cao. Năm 2024, lượng khách này ước đạt 160 triệu lượt.

Giá trị thị trường du lịch Halal toàn cầu năm 2024 ước đạt 276 tỉ USD, tới năm 2030 có thể đạt tới 350 tỉ USD.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình hành động, đầu tư phát triển du lịch Halal để thu hút nguồn khách hàng tiềm năng này.

Bà Trịnh Thu Hà, hiệu trưởng Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, cho hay tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore là các quốc gia thu hút dòng khách này nhiều nhất.

Du lịch Halal là một thị trường đầy tiềm năng mà Việt Nam cần chủ động tiếp cận. Mặc dù Hà Nội có nhiều thế mạnh về cảnh quan, ẩm thực và hạ tầng du lịch, song các sản phẩm và dịch vụ Halal vẫn chưa được phát triển đồng bộ.

Để khai thác tiềm năng này, việc định hướng phát triển du lịch Halal không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn phù hợp với xu hướng của thế giới trong thời gian tới.

Cần có tiêu chuẩn riêng về dịch vụ du lịch

Du lịch Halal ước đạt 350 tỉ USD vào năm 2030, Việt Nam có góp phần? - Ảnh 2.

Du khách Hồi giáo là thị trường còn khá mới mẻ với du lịch Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Ramlan Osman chỉ ra rằng du lịch thân thiện với người Hồi giáo cần có những tiêu chí riêng. Trong đó có các tiêu chí cơ bản như: thực phẩm đạt chuẩn Halal, cơ sở vật chất phục vụ cầu nguyện, các dịch vụ liên quan đến tháng Ramadan (bữa ăn xả chay), sự riêng tư trong hoạt động giải trí, tour du lịch gia đình.

Đối với điểm lưu trú, các khách sạn cho người Hồi giáo cần có ít nhất một nhà hàng đạt chuẩn Halal, có biển chỉ hướng lễ nguyện cho người Hồi giáo trên trần nhà, có thảm lễ nguyện và Kinh Qu’ran, thông tin cập nhật về thời gian cầu nguyện, khu bể bơi và gym tách biệt.

Bên cạnh đó, các khách sạn cần có buffet cho bữa ăn xả chay trong tháng Ramadan, bữa ăn trước rạng đông chuẩn bị cho ngày nhịn chay, phòng cầu nguyện riêng, người phụ trách kiểm tra về Halal.

“Dù đồ ăn của Việt Nam rất ngon, nhưng người Hồi giáo không thể ăn các món ăn đó, vì vậy cần có những nhà hàng chuẩn Halal khi phục vụ dòng khách này”, ông Osman lưu ý.

Còn ông Đinh Công Hoàng - trưởng phòng nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi - chỉ ra rằng để đón dòng khách tiềm năng này, chúng ta cần có hệ sinh thái chuẩn Halal. Từ các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng, nhân lực phục vụ đến các chính sách hỗ trợ, định hướng từ Chính phủ.

“Người Hồi giáo là phân khúc người tiêu dùng phát triển nhanh nhất trên thế giới. Bất kỳ công ty nào không cân nhắc cách phục vụ họ đều đang bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để tác động đến cả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận”, ông Hoàng nhận định.

Theo ông Hoàng, 3 thành phố có thể thí điểm để phát triển du lịch Halal bao gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Trong đó Hà Nội được đánh giá là trung tâm cho du lịch Halal bởi nhiều lợi thế: nhiều di sản văn hóa hấp dẫn khách Hồi giáo, có điểm cầu nguyện riêng, các khách sạn chuẩn Halal…

Du lịch Halal ước đạt 350 tỉ USD vào năm 2030, Việt Nam có góp phần? - Ảnh 3.Doanh nghiệp Việt khai phá thị trường Halal

Các quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới như Indonesia, Malaysia, khu vực Nam Á, Pakistan, Bangladesh... sử dụng thực phẩm Halal đang có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam với số lượng lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên