Hàng ngàn người quy tụ về cảng Sài Gòn nghe "Dòng sông kể chuyện"
Tối 6-8, tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển - diễn ra chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" với sự tham gia của hơn 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ê kíp các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật.
Bên dòng sông Sài Gòn lãng mạn, "Dòng sông kể chuyện" sử dụng công nghệ 3D, mapping lên toàn bộ phần sàn của bối cảnh trên bờ; hệ thống nhạc nước lập trình theo âm nhạc; hệ thống ánh sáng được tính toán công phu, chi tiết theo từng tiết mục.
Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục khai thác những sản phẩm, dịch vụ du lịch đường sông để tạo nên những tour, tuyến, sản phẩm hấp dẫn, góp phần định vị thương hiệu đô thị sông bước. Và đây là cơ hội để các nhà làm chính sách, doanh nghiệp cùng ngồi lại để làm quy hoạch bài bản, quảng bá đồng bộ, phát triển các tuyến du lịch đường thủy mới trong nội đô, tăng kết nối với các tỉnh lân cận.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM:
Sẽ là sự kiện du lịch thường niên
7 tháng đầu năm 2023, TP.HCM đã đón trên 2,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Hiện mỗi năm thành phố tổ chức khoảng 10 sự kiện du lịch lớn, trung bình mỗi tháng có một sự kiện phục vụ người dân, du khách để kích cầu du lịch.
Các chương trình gắn với niềm tự hào của du lịch thành phố như Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM (ITE), Lễ hội áo dài, "Ngày hội Du lịch TP.HCM"… qua mỗi năm đều được xác định nâng tầm quy mô, cải tiến chất lượng. Xu hướng tổ chức cũng được làm theo chuỗi, "lễ hội trong lễ hội" để kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, tạo hiệu ứng lan tỏa các sự kiện.
Riêng trong Lễ hội Sông nước TP lần đầu tiên này còn là chuỗi hoạt động đan xen, kéo các sự kiện của nhiều sở ngành khác cùng tham gia như Shopping Season, các chương trình văn hóa, nghệ thuật… tạo nên chuỗi hoạt động văn hóa, giải trí, thể thao và mua sắm.
Lễ hội Sông nước TP.HCM được định hướng là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của thành phố và sẽ trở thành một sự kiện thường niên, hấp dẫn, nâng lên tầm khu vực.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh - giám đốc Ban tiếp thị Vietravel:
Cần quảng bá sản phẩm du lịch đường sông nhiều hơn
Từ trước đến nay, sản phẩm dịch vụ tham quan trung tâm TP.HCM và sông Sài Gòn đã nhận được sự quan tâm và đăng ký không chỉ từ các bạn trẻ mà còn các gia đình từ ba người trở lên. Đây cũng là lựa chọn của nhiều du khách quốc tế trong chuyến hành trình khám phá Việt Nam dài ngày.
Nhiều gia đình muốn tìm hiểu, khám phá nhiều hơn nơi mình đang sống cũng chọn tour đường sông, bởi đây là những tour thích hợp để tận hưởng chuyến du lịch ngắn trong nội thành, vừa hiểu thêm về TP.HCM.
Các tour du lịch sông nước tại TP.HCM cũng thu hút du khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam). Trong hành trình khám phá điểm đến Việt Nam dài ngày, sẽ có những ngày du khách tự túc, tự tìm hiểu thành phố theo sở thích riêng và phần lớn cho tour sông nước.
Nhu cầu thị trường luôn có, vấn đề thành phố phải quảng bá nhiều hơn nữa để sản phẩm du lịch này đến được với người dân, du khách.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, giám đốc truyền thông và tiếp thị TST tourist:
Các con sông, kênh là "nguyên liệu thú vị" của sản phẩm du lịch
Trong tổng số trên 10 sản phẩm tour nội đô và liên tuyến quận huyện tại TP.HCM, chúng tôi thiết kế nhiều sản phẩm gắn với du lịch đường sông nói chung, như tour du thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn, dành cho nhóm từ 20 khách, khởi hành theo yêu cầu. Tour trải nghiệm thành phố xanh Thủ Đức bao gồm hành trình trong ngày và 2 ngày, gắn kết giữa việc tìm hiểu khám phá lịch sử trên sông Sài Gòn qua những câu chuyện lịch sử theo thời gian với những điểm đến mang giá trị tự nhiên, văn hóa, lối sống tại vùng đất Thủ Đức…
Với Lễ hội Sông nước TP.HCM, có thể nói đây là hướng tiếp cận mang giá trị văn hóa, khai thác được ưu thế tự nhiên và giá trị lịch sử của những dòng sông, con kênh kể cả kênh tự nhiên, kênh đào là nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm thú vị…
Nhưng muốn thành công và tạo nên thương hiệu du lịch sông nước Sài Gòn - TP.HCM, con đường phía trước còn nhiều việc phải làm. Cần thiết có sự tham gia của nhiều sở, ngành gắn đầu tư với cải tạo, quy hoạch và phát triển các bến du thuyền, cầu tàu, các dịch vụ liên hoàn trên bến gắn kết các dịch vụ, tiện ích.
Các mảng này nối với nhau, tạo thành một chỉnh thể vừa mang lại giá trị kinh tế chung, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng cùng thực hiện để phát triển du lịch theo hướng bền vững, an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận