Bà Lưu Thị Mỹ Hạnh, giám đốc điều hành của Công ty TNHH Les Rives, chuyên sản phẩm du lịch đường sông - cho biết khách quốc tế đến thành phố hầu hết đều muốn trải nghiệm sản phẩm mới mẻ này.
Tour bán chạy nhất là tour đi Củ Chi, xuất phát từ bến Bạch Đằng, thời gian nửa ngày giá khoảng 2,1 triệu đồng/người bao gồm ăn trưa. Với giá này nếu so sánh với các sản phẩm tour khác thì rõ ràng rất kén khách, nhưng vào mùa cao điểm có ngày công ty phục vụ hơn 1.000 lượt khách quốc tế đi Củ Chi.
"Nếu có khách tàu biển đổ bộ thì con số này còn lên đến 2.000 khách/ngày. Điều đó có nghĩa du lịch đường sông cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đầu tư thêm bến và tàu", bà Hạnh chia sẻ.
Tuy vậy, doanh nghiệp này cũng thừa nhận chi phí cao khiến cho giá tour đường sông chưa đến được với số đông. Ngoài ra, một số quy định như yêu cầu phải đảm bảo số thuyền viên theo công suất máy chạy trong khi sức chứa một du thuyền rất ít, chi phí bảo dưỡng khá cao... khiến cho việc duy trì sản phẩm này rất thách thức.
Một bất cập khác là hạ tầng bến đỗ, cầu phao kết nối du khách còn chưa thông suốt.
Trao đổi bên lề hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 chiều 4-12, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - phó giám đốc Sở Du lịch TP - cho biết việc đầu tư cho sản phẩm du lịch đã bắt đầu có sự đồng bộ giữa các sở, ngành với nhau để xác định bến, bãi phục vụ du lịch.
Khách du lịch nào đến TP.HCM cũng ưa thích các sản phẩm đường sông. Ngay giữa lòng thành phố, chỉ cần bước chân xuống bến tàu là có thể cảm nhận được một không gian hoàn toàn khác.
Với tuyến sông Sài Gòn, TP xác định các tuyến tầm ngắn trong khung thời gian nhất định và tầm trung, tầm xa để khai thác triệt để. Sở Du lịch TP cũng đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải khảo sát các bến thủy nội địa, xác định bến nào có tiềm năng du lịch để nâng cấp, thu hút du khách.
Với các tuyến kênh nội đô như tour trên kênh Nhiêu Lộc, hay tuyến dọc đường Võ Văn Kiệt dù hút khách nhưng lại gặp phải vấn đề vệ sinh môi trường, đường nước... Để cải thiện tình trạng hiện nay, còn nhiều vấn đề và nhiều việc liên quan trong đó, phải tìm cách nâng chất sản phẩm du lịch đường thủy.
Sẽ có nhiều tuyến đường thủy mới
Theo các doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đang có sản phẩm đều khai thác tốt, nhưng so với tiềm năng, sản phẩm chưa nổi bật.
Để hưởng ứng Tuần lễ du lịch TP.HCM 2023, Sở Du lịch TP giới thiệu 17 sản phẩm du lịch đường thủy, trong đó nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến.
Trong 17 tuyến có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023 đến năm 2025, xác định TP sẽ khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô.
Số lượng khách năm 2023 và 2024 đạt 500.000 lượt/năm, doanh thu 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Riêng số khách quốc tế đến bằng tàu biển đạt khoảng 100.000 lượt và tăng 12 - 15% trong những năm tiếp theo.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm tạo sự khác biệt của thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận