28/06/2020 09:47 GMT+7

Du lịch Đông Nam Bộ liên kết để cùng bứt phá

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ của UBND tỉnh Tây Ninh và UBND TP.HCM được tổ chức ngày 28-6 tại tỉnh Tây Ninh.

Du lịch Đông Nam Bộ liên kết để cùng bứt phá - Ảnh 1.

Du khách tham quan tòa thánh Tây Ninh - Ảnh: TỰ TRUNG

"Mục tiêu liên kết nhằm phấn đấu tăng tỉ lệ khách du lịch từ TP.HCM đến 5 tỉnh Đông Nam Bộ và khách du lịch từ 5 tỉnh Đông Nam Bộ trong liên kết đến TP qua từng năm, góp phần hồi phục nhanh ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết.

Chỉ cần kết hợp các điểm đến hấp dẫn sẵn có của khu vực Đông Nam Bộ, sẽ dễ dàng cho ra những tour mới độc đáo mà du khách khó thể từ chối.

Ông Trần Hùng Việt

Nhiều sản phẩm nhưng thiếu kết nối

Sáng thứ bảy 27-6, con đường từ trung tâm TP Tây Ninh hướng về núi Bà Đen nhộn nhịp xe hơi từ các tỉnh đổ về. Từ sau khi du lịch hoạt động bình thường trở lại, trung bình mỗi ngày TP này đón khoảng 10.000 lượt khách, trong đó điểm thu hút du khách nhất hiện là nhà ga cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen với hai tuyến cáp treo Vân Sơn và Chùa Hang. Đây là hai tuyến cáp mới được Sun World Ba Den Mountain đưa vào hoạt động từ đầu năm 2020, giúp việc di chuyển của du khách thuận lợi và thêm trải nghiệm ngắm toàn cảnh núi từ trên cao thêm phần thú vị.

Chị Thanh Trà, du khách đến từ tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Khi Việt Nam cho đi du lịch trở lại, gia đình tôi lên kế hoạch và dành ngày cuối tuần tranh thủ khám phá các tỉnh không quá xa nhà. Vui nhất là còn được mua vé giảm giá".

Câu chuyện phát triển du lịch Tây Ninh nói riêng và các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ nói chung là một vấn đề lớn, kỳ vọng được giải quyết bằng sự bắt tay liên kết vào hôm nay 28-6.

Ông Trần Hùng Việt, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp du lịch TP.HCM, cho biết chỉ cần thống kê sơ sơ các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh Đông Nam Bộ đã thấy tiềm năng du lịch của vùng lớn đến mức nào. 

"Nhiều năm trước chúng tôi đã có những ấp ủ như đến với Bình Phước sẽ có chương trình đi sâu vào bản làng, khám phá rừng cao su, sang Đồng Nai có hồ thủy điện Trị An, Bình Dương có làng gốm. Chỉ cần kết hợp các điểm đến này sẽ dễ dàng cho ra những tour mới độc đáo mà du khách khó thể từ chối", ông Trần Hùng Việt nói.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, các tỉnh Đông Nam Bộ đang sở hữu những sản phẩm du lịch riêng lẻ hấp dẫn, độc đáo. Do đó liên kết phát triển du lịch phải gắn với thế mạnh từng địa phương, trong đó TP.HCM có thế mạnh phát triển du lịch kết hợp với hội thảo (MICE), du lịch mua sắm... 

Nhắc đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là du lịch biển đảo; đến Đồng Nai du khách sẽ ưa thích du lịch sinh thái, du lịch khám phá; các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương có thế mạnh du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch sinh thái văn hóa, cộng đồng...

Tăng liên kết, tạo đột phá

Theo ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Saigontourist Group, trong hợp tác phát triển du lịch nhất định phải có sự liên kết vùng để phục vụ cả khách du lịch thuần túy lẫn khách đi công vụ. Trong liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, Saigontourist Group nhìn thấy 4 nội dung liên kết gồm phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, đầu tư phát triển hạ tầng, tuyến điểm dịch vụ du lịch và cuối cùng là liên kết đào tạo du lịch.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đoàn khảo sát gồm doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương thực hiện đã nhìn thấy nhiều sản phẩm tiềm năng sẵn sàng chào bán cho du khách. Các tour chủ yếu thiết kế cho gói 2 ngày 1 đêm với giá ưu đãi.

Để triển khai liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM đề nghị các đơn vị cung ứng dịch vụ trong vùng cùng giảm giá dịch vụ để hạ giá tour, kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân. Mức giảm giá được đề xuất 10-50%.

Trước mắt sẽ có 3 sản phẩm liên vùng mới gồm TP.HCM - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề "Sắc xanh ngày mới", "Chinh phục nóc nhà Nam Bộ"; TP.HCM - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề "Tình đất đỏ miền Đông" và TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu với chủ đề "Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca"...

Để nâng cao tính liên kết, ông Trần Văn Chiến, phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cũng cho rằng phát triển các sản phẩm du lịch cần thiết có thêm giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông cho ngành du lịch liên tỉnh bằng việc kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh tiến độ phát triển dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

105700368_2705508106219886_8103898908035965499_n

Cáp treo núi Bà Đen là một trong những điểm đến du lịch mới mà tỉnh Tây Ninh giới thiệu với du khách ngay sau dịch COVID-19. Theo bà Trần Nguyện - giám đốc kinh doanh Sun World - Sun Group, hơn một tháng hoạt động trở lại sau dịch, hệ thống cáp treo đã đón lượng khách tăng dần nhờ các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giá tốt.

Ông Nguyễn Hồng Thanh (giám đốc Sở VH-TT&DL Tây Ninh):

Bổ trợ sản phẩm du lịch bằng thế mạnh mỗi địa phương

106205383_1151277371897866_184683076404531391_n

Với nhiều lợi thế sẵn có về cảnh quan, tài nguyên như khu du lịch quốc gia núi Bà Đen - đang hình thành những sản phẩm mới mang đẳng cấp quốc tế, tòa thánh Cao Đài - công trình kiến trúc độc đáo…, Tây Ninh tự tin những lợi thế này có thể tham gia chuỗi liên kết của toàn vùng Đông Nam Bộ để cùng tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, bổ trợ các sản phẩm du lịch của các địa phương.

Bản thân địa phương cũng mong có sự kết hợp này để thu hút, tăng thời gian lưu trú của khách qua đêm. Theo thống kê, hiện bình quân du khách đến Tây Ninh có chi tiêu chưa đến 1 triệu đồng, mà lý do chính là địa phương chưa giữ chân được khách qua đêm.

Ngoài tiếp tục hoàn thiện dự án du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng kết hợp giải trí, tỉnh đang triển khai, mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như dự án du lịch đảo Nhím hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ Đông... (HẢI KIM ghi)

Ông Nguyễn Thành Phong (chủ tịch UBND TP.HCM):

Để phát triển du lịch, TP.HCM không thể đứng một mình

84208088_2821246807998870_5020782016556348554_n

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa thời kỳ hậu COVID-19, du lịch TP.HCM đang tích cực tìm tòi những sản phẩm mới phục vụ thị trường 100 triệu dân.

Trong quá trình đó, bản thân các doanh nghiệp TP cũng đang thiếu các sản phẩm du lịch mới và tự họ phải bươn chải, mày mò chinh phục thị trường. Nếu có được sự kết nối từ chính quyền với vai trò tạo hành lang pháp lý, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng, tìm hiểu thị trường và xây dựng được những tour mới, chất lượng, thu hút người tiêu dùng.

Chỉ riêng TP.HCM hiện có hơn 1.300 doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, quá trình kết nối, tìm hiểu sẽ giúp họ có thêm thông tin về những điểm đến mới, hấp dẫn hơn, cùng nhau khai thác tour du lịch hiệu quả.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển được ngành này sẽ kéo theo nhiều ngành nghề khác. Để khuyến khích thị trường nội địa, cần vai trò đầu tàu của TP trong khai thác du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước. Bản thân TP cũng không thể một mình phát triển được, nếu không liên kết thì sẽ rất khó. Vì thế, trọng tâm các liên kết là hình thành những sản phẩm liên tuyến, liên vùng, tạo điều kiện các doanh nghiệp chào bán các sản phẩm du lịch.

Trong hợp tác, liên kết vùng, đối với vùng Đông Nam Bộ, các địa phương cũng sẽ ký kết hợp tác với nhau, cùng khai thác tiềm năng, thế mạnh của nhau. Việc ký kết, liên kết nhằm đưa doanh nghiệp du lịch của TP đến các tỉnh, nếu có kết nối từ phía chính quyền sẽ tạo ra cầu nối và tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp phát triển hoạt động du lịch tại các địa phương.

Để chuẩn bị cho hội nghị, doanh nghiệp TP đã thực hiện hai đợt khảo sát thị trường và ghi nhận sẽ có nhiều tour du lịch, sản phẩm du lịch mới được xây dựng đưa vào khai thác, đây là thị trường hết sức hấp dẫn. Ngoài ra, các hoạt động mời gọi đầu tư hạ tầng du lịch, liên kết đào tạo cũng rất tiềm năng trong hợp tác liên kết này.

Ông Phạm Huy Bình (chủ tịch Saigontourist Group):

Đông Nam Bộ là thị trường lớn

104794016_2588380934810573_6886225441761042222_n

Chúng tôi luôn nhìn thấy du lịch Đông Nam Bộ còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở liên kết với TP.HCM. Để chuẩn bị cho việc liên kết này, đoàn doanh nghiệp du lịch thành phố cùng một số chuyên gia đã tham gia khảo sát các điểm đến, các dịch vụ của 5 tỉnh và xây dựng được 3 tuyến du lịch mẫu liên kết với các địa phương.

Chúng tôi luôn xác định Đông Nam Bộ là thị trường lớn, tuyến điểm hấp dẫn, bình quân hằng năm hệ thống Saigontourist Group đóng góp du lịch cho các địa phương này hàng trăm ngàn lượt khách, doanh thu trực tiếp đạt trên 500 tỉ đồng.

Tại khu vực này, Saigontourist Group có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã đưa vào khai thác gồm khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Sài Gòn - Bình Châu, khu nghỉ dưỡng biển Sài Gòn - Hồ Cốc, khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Côn Đảo.

Và ngày 13-6 vừa qua đã đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng trị liệu Thế giới khoáng nóng Minera Bình Châu, vị trí nằm cạnh khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Sài Gòn - Bình Châu, diện tích 12 hecta với trị giá đầu tư lên đến hơn 2.000 tỉ đồng.

Chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, còn góp phần kích cầu du lịch nội địa và phục hồi ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đoàn caravan khởi động tour kích cầu

Trong ngày 27-6, đoàn caravan gồm 25 ôtô với sự tham gia của 50 doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM đã hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa TP.HCM bằng hành trình từ TP.HCM đi Tây Ninh.

Ngoài việc tham quan du lịch, các doanh nghiệp trong đoàn caravan cũng tham dự hội nghị liên kết vùng nhằm tìm hiểu thêm về các điểm đến, các chính sách kích cầu du lịch của các địa phương để kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho các ngành liên quan như xây dựng khách sạn, chăm sóc sức khỏe, quà tặng, vận chuyển...

Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist (Saigon Tourist Group). Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước từ nay đến 15-8. Bài dự thi xin gửi về: [email protected].

Xem thêm các bài dự thi .

Du lịch Đông Nam Bộ liên kết để cùng bứt phá - Ảnh 12.
Độc đáo kiến trúc tòa thánh lớn nhất của đạo Cao Đài Độc đáo kiến trúc tòa thánh lớn nhất của đạo Cao Đài

TTO - Tòa thánh Cao Đài cách thị xã Tây Ninh khoảng 5 km, nằm ở xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, Tây Ninh thu hút du khách với kiến trúc độc đáo của một tôn giáo thuần Việt. Đây cũng là toà thánh lớn nhất của đạo Cao Đài tại Việt Nam.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên