02/03/2020 10:54 GMT+7

Du lịch dồn sức cho nội địa, tour trong nước đua nhau giảm sâu

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Khi cánh cửa đón khách quốc tế từ các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Hàn Quốc đang dần khép lại với doanh nghiệp lữ hành Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch trong nước trở thành thị trường quan trọng.

Du lịch dồn sức cho nội địa, tour trong nước đua nhau giảm sâu - Ảnh 1.

Nhiều gia đình vẫn lên kế hoạch những chuyến đi trong thời điểm hiện nay - Ảnh: V.ANH

Một loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa vừa được các doanh nghiệp tung ra, tập trung ưu đãi giảm giá cho khách trong nước. Tuy nhiên, để các chương trình kích cầu này thật sự hiệu quả, giá rẻ thôi là chưa đủ.

“Với sự hợp tác ban đầu của nhiều đơn vị, nhiều tour trọn gói đi bằng đường bộ giảm đến 25-30%, tour đi bằng máy bay giảm 27-35%.

Ông Trần Thế Dũng (phó chủ tịch nhóm kích cầu khuyến mãi của Hiệp hội Du lịch TP.HCM)

Tour nội địa đua nhau giảm sâu

Saigontourist Group, doanh nghiệp quản lý hơn 100 khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhà hàng... trên cả nước, vừa công bố chương trình kích cầu lần 1 năm 2020 với nội dung giảm từ 10-60% giá, ưu đãi dịch vụ, tặng kèm... tại hàng loạt khách sạn lớn trong hệ thống.

Giá tour du lịch của Lữ hành Saigontourist cũng được giảm sâu, trong đó tour Phú Quốc (3 ngày, khởi hành thứ sáu hằng tuần) bay với Vietnam Airlines, nghỉ tại khu nghỉ dưỡng 4 sao Sài Gòn - Phú Quốc có giá trọn gói chỉ còn 4,079 triệu đồng, áp dụng từ ngày 1-3 đến 31-5.

Vietravel cũng tung ra gói sản phẩm kích cầu nhằm phục hồi thị trường du lịch. Trong đó, đáng chú ý là bộ sản phẩm "phá băng" với mức giá giảm lên đến 40%, tour trong nước có mức giá từ 299.000 đồng, tour nước ngoài từ 2,99 triệu đồng. Theo đại diện Vietravel, tiêu chí của chùm tour này là điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn, đội ngũ nhân viên được tập huấn an toàn.

Tại Công ty du lịch Thế hệ trẻ, giá tour kích cầu từ TP.HCM đi Phú Quốc chỉ còn 3,99 triệu đồng, giảm 24% so với trước; tour Đà Nẵng - Hội An, Huế - động Thiên Đường còn 4,95 triệu đồng/người, giảm 27%; tour Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long - Sa Pa còn 6,69 triệu đồng/người.

Ông Trần Thế Dũng - phó chủ tịch nhóm kích cầu khuyến mãi của Hiệp hội Du lịch TP.HCM - cho biết đến nay hiệp hội đã nhận được cam kết giảm giá của gần 50 doanh nghiệp là hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ nhà hàng, khách sạn... Vietnam Airlines cũng vừa chốt được mức giảm sâu đến 50% cho 18 đường bay trong nước, khởi hành từ TP.HCM.

"Mức giảm này đi kèm với các điều kiện cụ thể nhưng rất hấp dẫn, giúp các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn tự tin thiết kế những tour du lịch giá tốt nhất có thể. Với sự hợp tác ban đầu của nhiều đơn vị, nhiều tour trọn gói đi bằng đường bộ giảm đến 25-30%, tour đi bằng máy bay giảm 27-35%" - ông Dũng thông tin.

Trước đó, Tổng cục Du lịch cũng đứng ra tập hợp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch các địa phương cho chương trình kích cầu bắt đầu từ ngày 1-3 đến hết tháng 8-2020. Theo các doanh nghiệp, từ cuối tuần qua, sức mua bắt đầu nhích dần, chùm tour về những địa điểm nắng ấm, về vùng biển xanh, cát trắng... được du khách trong nước đặt mua.

"Nâng niu" khách nội

Chương trình kích cầu trong mùa dịch COVID-19 năm nay tập trung dành cho khách nội địa đi du lịch trong nước. Các công ty du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận chuyển chuyển sang khai thác thị trường nội địa với tâm lý chấp nhận lợi nhuận thấp.

Ông Hoàng Văn Vinh, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết Nha Trang từng là điểm ưa thích của khách thị trường Nga và khách nội địa. Tuy nhiên, do mãi mê đón khách Trung Quốc trong một thời gian dài, các DN lữ hành đã bị mất dần nhóm khách hàng này.

"Trong chiến dịch kích cầu mới, chúng tôi sẽ quay trở lại với nhóm khách hàng này cùng nhiều ưu đãi, khuyến mãi giảm giá thực sự. Quan điểm mới là không bỏ trứng vào một giỏ mà đón nhận khách của nhiều thị trường khác nhau" - ông Vinh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cũng cho biết kinh nghiệm từ những đợt khủng hoảng trước cho thấy khi mùa dịch đi qua, du khách Việt sẽ là những người đi du lịch đầu tiên và thị trường sẽ sớm hồi phục nếu có những chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn.

Theo bà Hoa, ngay trong mùa dịch, du khách nội địa vẫn có thể cân nhắc chọn những điểm đến an toàn của Việt Nam. Trong khi thị trường quốc tế phải mất 3-6 tháng mới hồi phục sau dịch, nếu khai thác thị trường mới phải mất 3 năm. "Du khách trong nước ngày càng chịu chi hơn khi đi du lịch, đặc biệt là nhóm khách hưởng ứng rất tốt mỗi khi thị trường có chương trình giảm giá" - bà Hoa cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Long - giám đốc Công ty Du lịch Việt, nếu chỉ khuyến mãi rẻ thôi sẽ không đủ, vì còn tâm lý sợ hãi dịch, giá tour có rẻ đến bao nhiêu người dân cũng không đi. Do đó, các công ty dịch vụ du lịch phải có những biện pháp để khách tin rằng họ đang được an toàn, tuân thủ chống dịch tốt; địa phương cần có cam kết mạnh mẽ, đưa ra những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát các nguồn khách tới từ các vùng khác nhau.

"Đặc biệt, chiến dịch truyền thông cần phải có sự cân bằng, đừng dùng từ "nói quá" khiến khách dễ chủ quan nhưng nếu trầm trọng quá cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách. Bởi để trở thành điểm đến an toàn, khu vực đó phải đảm bảo đã áp dụng đầy đủ các biện pháp, rồi tuyên bố an toàn" - ông Long nói.

Ông Ngô Minh Đức - tổng giám đốc Gotadi - cũng đồng tình chiến dịch kích cầu có hiệu quả cần bắt đầu kích cầu du lịch trong nước, nơi có một nguồn khách đông đảo. Dù vậy, việc vực dậy nền du lịch trong giai đoạn sau dịch đòi hỏi phải củng cố niềm tin của du khách về một Việt Nam - điểm đến an toàn, phá bỏ rào cản tâm lý lo ngại của họ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chủ động nâng cấp chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực, gắn với bảo vệ môi trường để khách trong và ngoài nước cảm thấy yên tâm, xóa bỏ cảm giác e dè khi đi du lịch ở Việt Nam. "Dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp du lịch Việt đối diện thử thách rất lớn, nhưng đây cũng được xem là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam nhìn lại cơ cấu thị trường đang phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường từ nhiều năm qua" - ông Đức nói.

Du lịch Việt Nam mất thị trường thứ 2

Từ 0h ngày 29-2, Việt Nam tạm dừng áp dụng chính sách miễn thị thực đối với công dân Hàn Quốc, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan vào Việt Nam.

Cùng với việc cắt giảm đường bay, những khuyến cáo hạn chế du lịch đến vùng dịch bệnh ở xứ sở kim chi, thị trường lớn thứ hai của ngành du lịch Việt Nam, sẽ xem như đóng băng lúc này. Vào năm 2019, có gần 4,3 triệu lượt khách Hàn Quốc đến Việt Nam, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, các công ty du lịch Việt Nam cho biết đã chủ động hủy toàn bộ tour du lịch Hàn Quốc khởi hành trong tháng 2 và 3-2020.

Du lịch thời corona Du lịch thời corona

TTO - Phi trường CDG Paris khi tôi đến, tôi là người duy nhất đeo khẩu trang. Tôi đeo khẩu trang khi đi những chuyến bay dài từ 20 năm nay vì hay bị lây bệnh đau mắt và lúc nào cũng có khăn choàng cổ vì hay bị cảm lạnh.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên