16/05/2018 17:32 GMT+7

Du lịch ĐBSCL tự làm mới mình

HẢI KIM - CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG (ghi)
HẢI KIM - CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG (ghi)

Du lịch về miền Tây (ĐBSCL) không chỉ là trải nghiệm một ngày rong ruổi trên xuồng ba lá, lắng nghe đâu đó tiếng đờn ca, những nhà làm du lịch đang bắt tay để ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch mới giới thiệu đến du khách.

Du lịch ĐBSCL tự làm mới mình - Ảnh 1.

Du lịch dựa vào cộng đồng ở Đất Mũi - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Theo các chuyên gia về du lịch, để du lịch ÐBSCL tăng tốc, bên cạnh tận dụng nét tương đồng trong địa hình sông ngòi, kênh rạch, nhà vườn thì các địa phương cần phải phát huy sự khác biệt.

Ông Trần Thế Dũng (Phó Giám đốc công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ):

Mùa nào thức đó

Trong năm qua, lượng khách qua công ty đến vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng như về hướng biển (Nam Du, Thổ Chu) ngày càng tăng vọt vì sản phẩm du lịch của khu vực rất phong phú, mùa nào có thức đó.

Mặc dù có những nhận xét như tour về miền Tây không thay đổi, chưa nhiều cái mới so với chục năm trước nhưng thực tế người làm du lịch không nghĩ vậy. Thứ nữa, một lợi thế của khu vực ĐBSCL là người dân ở đây rất thật thà, chân chất mang thuần đặc trưng của người Nam Bộ, cách làm du lịch thân thiện.

Thời gian qua, ngoài những điểm đến quen thuộc như Bến Tre, Tiền Giang... nhiều địa phương cũng nổi lên như là điểm đến du lịch thú vị như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ... Những địa phương này vốn có nhiều tiềm năng, du lịch cũng đã phần nào phát triển nhưng có vẻ như công tác quảng bá còn giới hạn nên lượng khách đến chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng đang có.

Hiện nay, chất lượng cơ sở, chất lượng phục vụ lẫn cơ sở hạ tầng tại khu vực đã tốt hơn trước rất nhiều. Từ tỉnh nhỏ như Trà Vinh đến Bạc Liêu đều có những khách sạn đẳng cấp 3-4 sao... Do đó, phát triển du lịch thời gian tới sẽ còn tăng trưởng mạnh, vấn đề hiện nay do nhiều địa phương ở khu vực này có điều kiện tương đồng nhau, cần liên kết để tránh trùng lắp các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh.

Du lịch ĐBSCL tự làm mới mình - Ảnh 2.

Pizza hủ tiếu tại Sóc Trăng - Ảnh: VŨ THỐNG NHẤT

Du lịch ĐBSCL tự làm mới mình - Ảnh 3.

Cá lóc bay - Ảnh: VŨ THỐNG NHẤT

Ông Nguyễn Minh Mẫn (Giám đốc marketing công ty du lịch TST):

Quảng bá sự khác biệt

Tây Nam Bộ nhiều năm trời chỉ đóng góp khoảng 4% trong tổng số phát triển du lịch cả nước, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng cho rằng các tỉnh chưa có nhiều đặc sắc trong tài nguyên và có quá nhiều điểm giống nhau trong phát triển du lịch. Nhưng cho đến nay, du lịch khu vực này bên cạnh những điểm giống nhau như địa hình sông ngòi, kênh rạch, chợ nổi... thì vẫn còn rất nhiều nét khác biệt mà mình chưa khai thác hết.

Có thể do chúng ta chưa tìm ra được định hướng để tập trung phát triển sản phẩm tour mới bên cạnh những điểm đến truyền thống ai cũng đã quen, đặc biệt không tập trung khai thác sự khác biệt.

Khi đánh giá một tiềm năng du lịch thì chỉ nói đến các công trình, kiến trúc điểm đến là chưa đủ, vì nhiều điểm đến ở khu vực ĐBSCL khá nghèo nàn tài nguyên nhưng tiềm năng phát triển du lịch vẫn rất lớn. Nếu chúng ta khai thác vào ẩm thực, đời sống con người thì hoàn toàn khác.

Xúc tiến du lịch là phải giới thiệu được những câu chuyện đặc trưng vùng miền như thế, và đó là điều mà các tỉnh ở ĐBSCL hiện nay cần tập trung. Ngoài ra, quá trình trao đổi nguồn nhân lực trong ngành cũng rất quan trọng, tại các tỉnh vẫn chưa có nhiều nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch khu vực dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp, bền vững.

Du lịch ĐBSCL tự làm mới mình - Ảnh 4.

Cánh đồng lũ ở An Giang là một trong những điểm du lịch lý tưởng thu hút khách đến ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Trần Việt Phường (Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL):

Tính liên kết đặc biệt quan trọng

Để du lịch ĐBSCL phát triển, thu hút và có cái riêng thì không thể không liên kết với nhau được. Hiện toàn vùng ĐBSCL chia thành 2 cụm du lịch là Tây sông Hậu (gồm bảy tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ) và Đông sông Hậu (gồm sáu tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An). Vấn đề hợp tác đã được đặt ra từ lâu và Hiệp hội du lịch ĐBSCL nhận thấy đã có nhiều kết quả tốt, cần được phát huy.

Du lịch có đặc điểm là mang tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hóa rất cao. Nếu không nhận thức và không liên kết, hợp tác, không xã hội hóa thì không làm được. Chúng tôi có kiến nghị là các Sở VH-TT&DL địa phương cần tham mưu cho UBND các tỉnh, thành ký kết hợp tác với nhau trong quản lý nhà nước, xây dựng đội ngũ, quy hoạch, kế hoạch và việc xây dựng các sản phẩm đặc thù. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch toàn vùng phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý hơn cả là câu chuyện hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể, trong đó có đường hàng không với các tuyến bay đi Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo và tháng 6 tới sẽ có chuyến bay charter tới Bangkok (Thái Lan). Chúng tôi có đề xuất mở tuyến bay nối TP Cần Thơ với các địa phương trọng điểm về du lịch như tuyến Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh (Nghệ An), Cần Thơ - Nha Trang (Khánh Hòa), Cần Thơ - Đà Lạt (Lâm Đồng). Thực tế là khi các chuyến bay được kết nối, việc đi lại của du khách sẽ dễ dàng hơn rất nhiều bởi họ nối tuyến dễ dàng hơn so với đi bằng đường bộ.

Ông Lê Văn Dũng (Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau):

Phát triển phong phú các sản phẩm du lịch ở Cà Mau

Nói về lợi thế phát triển du lịch của tỉnh nhà thì du lịch sinh thái là đặc trưng nhất. Vì vậy, tỉnh đang xây dựng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Chẳng hạn như phát triển tuyến du lịch cộng đồng Mũi Cà Mau, tuyến du lịch cộng đồng U Minh Hạ với các sản phẩm dưới tán rừng tràm. Ngoài ra, tới đây tỉnh dự kiến đưa vào phát triển một loại hình du lịch mới là du lịch nông nghiệp.

trai nghiem song

Trải nghiệm sông rạch đồng bằng - Ảnh: VŨ THỐNG NHẤT

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, điểm du lịch tiêu biểu nhất là Đất Mũi. Vì vậy, tỉnh đã phê duyệt hẳn một đề án xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch Đất Mũi đến năm 2020.

Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau và vùng phụ cận thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là nơi có tài nguyên du lịch tự nhiên hấp dẫn, độc đáo, phong phú thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của rừng ngập mặn, văn hóa của ngư dân ven biển.

Tuy nhiên, việc khai thác, xây dựng sản phẩm gắn với tài nguyên phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại khu vực này còn nhiều hạn chế, điểm du lịch đã được khai thác với quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao, cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ.

Trong khi đó, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và các vùng phụ cận có diện tích rộng lớn, với lợi thế phần lớn diện tích nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, là Khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam. Nơi đây đã hội tụ nhiều yếu tố đặc trưng về tự nhiên, về vị trí địa lý, về văn hóa, hệ sinh thái, về sản vật.

"Mũi Cà Mau đã được vào quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia, khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, ngoài những sản phẩm du lịch hiện có, chúng tôi đang hướng phát triển thêm các loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng như loại hình du lịch tham quan, khám phá cảnh quan tự nhiên như du lịch cộng đồng (homestay), du lịch nghiên cứu khoa học (học tập), du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp các hoạt động từ thiện, tình nguyện, du lịch khám phá, du lịch địa lý và tâm linh...


HẢI KIM - CHÍ QUỐC - NGUYỄN HÙNG (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên