TTCT - Thị trường du lịch, khách sạn đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc sau hai năm đại dịch. Xét về tiềm năng trong dài hạn, ngành có thể phục hồi nhờ hạ tầng được đầu tư và các sáng kiến từ cả giới kinh doanh lẫn chính quyền địa phương, vấn đề là ai sẽ trụ lại được cho tới khi những hứa hẹn dài hạn đó trở thành hiện thực. Ngay sau khi TP.HCM mở cửa trở lại, thay vì tiếp tục kinh doanh, chủ một khách sạn 3 sao ở quận 7 đã đăng tin rao bán trên các diễn đàn mua bán bất động sản. Khách sạn có diện tích 10 x 23,5m, 1 tầng hầm và 9 tầng, tổng cộng 53 phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi cao cấp. Giá bán được đăng tải là 88 tỉ đồng, nhưng chủ đầu tư cho biết vẫn còn thương lượng. Các hoạt động du lịch đang từng bước được nối lại. Ảnh: McKinsey.com Từ hero về zero Du lịch và khách sạn từng được xem là ngành ăn nên làm ra tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trước dịch, nhưng cơn bão COVID-19 trở đi trở lại trong 2 năm qua khiến nhiều chủ đầu tư bất ngờ trắng tay.Thường công suất phòng tối thiểu để các khách sạn duy trì được hoạt động là 20%, nhưng thời gian qua, con số này tại hầu hết khách sạn đều rớt xuống mức gần zero. Tại chuỗi khách sạn của Saigontourist, lãnh đạo tổng công ty cho biết bình quân năm qua, các khách sạn trong hệ thống chỉ hoạt động được ở công suất bình quân dưới 10%. Thời điểm không đón khách quốc tế nhưng tình hình dịch trong nước ổn định thì các khách sạn phục vụ khách đạt công suất 10 - 12%. Tuy nhiên, mỗi đợt dịch bùng phát, các khách sạn chỉ hoạt động được 1 - 3% công suất.Thảm cảnh của ngành du lịch không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn thấy ở nhiều địa phương khác có thế mạnh trong lĩnh vực này như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Sa Pa, Quảng Ninh, khi các đường bay và vận tải hành khách đột ngột đứt đoạn một thời gian dài qua.Nhiều đơn vị đang thua lỗ triền miên. Casino Royal Hạ Long - sòng bạc lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán - tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 25 tỉ đồng trong quý 3-2021. Chủ casino cho biết do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc đi lại thông thương giữa các tỉnh thành và địa phương vẫn gặp khó khăn nên công ty không thu hút được du khách từ các tỉnh ngoài, đặc biệt là khách nước ngoài đang làm việc tại các khu công nghiệp.Công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công, đơn vị đang vận hành 12 khách sạn từ trung đến cao cấp trên cả nước, có lợi nhuận sau thuế quý 2-2021 đạt 9,9 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ, còn kết quả quý 3 chưa công bố. Nguyên nhân chính là do giảm doanh thu bán hàng từ ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ tư và tăng chi phí hoạt động tài chính. Bên cạnh tìm kiếm các giải pháp tăng doanh thu trong mùa dịch, công ty này cho biết đang tiến hành tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí cho phù hợp tình hình thực tế, đồng thời củng cố lại cơ sở vật chất, đào tạo nhân sự chuẩn bị mùa du lịch cuối năm 2021 và năm 2022.Một số chủ dự án đang mời gọi các đối tác nước ngoài để chuyển nhượng lại hay huy động vốn. Tuy nhiên, theo ông Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao của Hãng Savills, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới khi xuất hiện những vấn đề như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh..., các nhà đầu tư thường sẽ rất thận trọng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Quảng Bình là địa phương tổ chức kích cầu du lịch hậu COVID-19 khá sớm. Trung tuần tháng 10-2021, Sở Du lịch tỉnh này đã mời một đoàn gồm nhiều nhân vật nổi tiếng đến tham gia một số tour đặc sắc nhằm quảng bá cho du lịch. Trong ảnh: Á hậu Vũ Hoàng My trong hang Tiên. -Ảnh: Ngô Trần Hải An Trong tình hình hiện tại, họ có thể chậm lại vài nhịp để khi Việt Nam thật sự kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như các cơ chế đường bay nội địa và quốc tế được mở lại đầy đủ, họ mới thực sự tiếp tục với những khoản đầu tư dự định trước đó, hoặc tìm hiểu các cơ hội đầu tư mới. Đây là lý do khiến dù lượng dự án đang rao bán khá nhiều, các thương vụ mua bán thật sự ghi nhận chỉ lác đác từ đầu năm đến nay.Mở cửa trong thận trọngCòn vô số thách thức mà ngành du lịch phải giải quyết trong bối cảnh đất nước đang dần mở lại các hoạt động kinh tế. Theo các chuyên gia, tỉ lệ phủ vắc xin sẽ là một yếu tố ảnh hưởng tới mọi hoạt động kinh tế, bao gồm du lịch, nghỉ dưỡng, và các hoạt động đầu tư kèm theo, như đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.Bên cạnh lượng khách trong và ngoài nước chưa thể phục hồi sớm như trước đại dịch vì đi lại khó khăn, lao động du lịch tại địa phương được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vẫn còn ít. Một bộ phận nhân viên gặp khó khăn đã về quê, rất nhiều người đã chuyển ngành. Một số địa phương xây dựng tiêu chí du lịch an toàn nhưng không thống nhất, gây khó khăn trong khâu triển khai cho các doanh nghiệp.Dẫu vậy, cũng đã có nhiều nơi rục rịch kế hoạch mở lại thị trường du lịch. Phan Thiết đầu tuần này đã cho phép một số khu resort như Anantara Mũi Né, Centara Mirage Resort và Pandanus Resort đón khách với số lượng hạn chế. Phú Quốc dự kiến sẽ mở cửa đón khách quốc tế từ cuối tháng 11. Điều kiện là khách du lịch phải tiêm chủng đầy đủ thông qua hộ chiếu vắc xin và đến từ các khu vực đã kiểm soát dịch tốt.Để thị trường sôi động trở lại, có thể ngành du lịch sẽ cần những cách làm mới, sáng tạo ra các mô hình du lịch hấp dẫn cho du khách chi tiêu như kinh tế đêm, trung tâm giải trí thể thao, safari, khám phá hang động, du lịch chăm sóc sức khỏe..., tăng cường đầu tư vào hệ thống tiện ích, nâng cấp hạ tầng giao thông, đồng thời xử lý hiệu quả hơn các bất cập đã phát sinh như quy hoạch lộn xộn, ô nhiễm rác thải hay xâm hại rừng tự nhiên. Nhìn chung, các chủ đầu tư có tiềm lực mạnh như Vingroup, Novaland đang cho thấy những dấu hiệu tích cực mới nhờ xây dựng các mô hình tích hợp đa dịch vụ, đi cùng nhiều chương trình ưu đãi, kích cầu.Ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường năng lực quảng bá và bán hàng cũng có thể hỗ trợ tích cực cho tiến trình phục hồi. Mới đây, TP.HCM đã ký kết hợp tác với Shopee triển khai ứng dụng sàn giao dịch du lịch điện tử. Các đại lý du lịch hiện có thể bắt đầu kinh doanh trên Shopee và quảng bá sản phẩm trực tuyến. Cùng lúc, Shopee sẽ tổ chức các khóa đào tạo cho đại lý du lịch để thu hút người dùng một cách hiệu quả. Sáng kiến này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam thích ứng với nhịp sống mới, từng bước khôi phục ngành du lịch cũng như đà tăng trưởng kinh tế.Từ nửa sau năm 2022, thị trường du lịch được dự báo phục hồi tích cực hơn, cùng triển vọng của nền kinh tế và tốc độ gia tăng độ phủ vắc xin trên toàn quốc. Theo khảo sát HSBC Expat Explorer, Việt Nam hứa hẹn tiếp tục là một đất nước sôi động và thú vị, nơi ngoài những lợi ích về kinh tế, còn mang đến sự đa dạng từ những ngọn núi huyền ảo đến những bãi biển đẹp, ẩm thực tuyệt vời và những con người rất hiếu khách. Năm nay, Việt Nam được người nước ngoài xếp hạng 5 trong danh sách các quốc gia đáng sống nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời leo 3 bậc lên vị trí thứ 19 trên thế giới. Tags: Du lịchMở cửa lạiHậu dịchTái thiếtPhục hồi hậu dịch
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật, cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.