09/09/2013 08:03 GMT+7

Du lịch cứ xin lỗi hoài vậy?

MAI VINH
MAI VINH

TT - Những hình ảnh trong phóng sự “Du lịch xấu xí” (Tuổi Trẻ ngày 8-9) chỉ là bề nổi của câu chuyện xuống cấp của du lịch Việt Nam.

Du khách khó lòng tin rằng mình sẽ thụ hưởng chất lượng du lịch tương xứng với đồng tiền bỏ ra nếu nhìn vào bộ mặt đa số đã méo mó này.

Và hình ảnh xấu xí này không phải chỉ có ở TP.HCM.

Có lần đi cùng đoàn khách đến lăng vua Khải Định (Huế), một du khách ghé mua ly đá chanh. Người bán hàng đon đả với giá 5.000 đồng/ly. Du khách nhận ly có chanh, đá lạnh, đường nhưng không có nước.

Thắc mắc, người bán bắt phải mua thêm chai nước suối với giá 10.000 đồng và lý giải: “Bán đá chanh chứ có bán nước đâu, muốn thì mua nước đổ vô”. Du khách vừa đưa tiền mua nước vừa lầm bầm, người bán hàng cười: “Nói thiệt, mấy anh đến đây cùng lắm cả đời một lần, lấy đắt chút cũng là phải thôi”.

Một người bạn sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt còn kể về chuyện cô đi mua túi đào giòn tại một cơ sở mứt cạnh khu du lịch thung lũng Tình Yêu. Giá niêm yết là 35.000 đồng, nhưng khi biết cô là dân địa phương thì lập tức chủ hàng tính cho cô giá 20.000 đồng. Đầu tiên cô vui vì được giảm giá, nhưng sau đó lại buồn. Du khách mang đến nguồn thu cho du lịch nên phải trân quý du khách, sự trân quý đó ít nhất là giá cả phải công bằng. Cô không chấp nhận buôn bán theo kiểu nhìn mặt tính tiền và coi du khách là “dân thập phương” muốn bán sao cũng được. Có du khách nào muốn quay lại vùng đất mà ở đó sự công bằng đối với chính họ không được thể hiện? Tấm bảng niêm yết giá vé ở các khu du lịch tại Huế biểu hiện sự thiếu công bằng đó, du khách trong nước và nước ngoài cùng hưởng một dịch vụ như nhau nhưng phải chi hai mức phí khác nhau.

Tổng lượt khách quốc tế đến VN trong sáu tháng đầu năm 2013 đạt hơn 3,5 triệu lượt khách, chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của sáu tháng đầu năm 2012 (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011). Những con số không mấy lạc quan ở một đất nước có đến 17 di sản thế giới nhưng lượng khách quốc tế đến chỉ bằng 1/5 Malaysia với ba di sản thế giới và bằng 1/2 Singapore không có di sản thế giới nào. Những người tâm huyết với du lịch VN không khỏi nhói lòng khi cuối tháng 5-2013, Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu có 80% du khách đến VN không trở lại. Cớ sao có chuyện đau lòng với một đất nước nổi tiếng thân thiện, mến khách nếu không phải du lịch VN đã mất uy tín và đằng sau có những “thủ phạm” giấu mặt?

Mới đây, Thái Lan đã lập tòa án du lịch đầu tiên trên thế giới với nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn, công bằng cho du khách và làm sạch môi trường du lịch. Tòa án sẽ bảo vệ du khách quốc tế và quốc nội trước sự vô trách nhiệm và bất cẩn của các bên cung cấp dịch vụ cũng như gây áp lực khiến các nhà chức trách phải có trách nhiệm hơn với du khách. Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi của những người chân ướt chân ráo đến đất Thái, ý tưởng này đã tạo ấn tượng đẹp với du khách toàn cầu về ngành du lịch Thái Lan đang nỗ lực bứt phá. Ý tưởng của người Thái khiến những người có chức trách với ngành du lịch VN phải suy nghĩ.

Cách đây không lâu, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng quan chức đầu ngành du lịch đã đến gặp mẹ con bà Ilona Schultz (du khách Úc) để xin lỗi về việc bà bị một người chạy xích lô “chặt” một cuốc xe cự ly ngắn với giá 1,3 triệu đồng. Trong lần đó, ông Tuấn bày tỏ hi vọng bà sẽ trở lại VN trong thời gian tới.

Lời xin lỗi là cần thiết, nhưng lời xin lỗi không chỉ để xoa dịu người bị hại trong cơn giận hay để cứu vớt thể diện. Đằng sau mỗi lời xin lỗi hàm chứa lời cam kết không để tái diễn những câu chuyện không hay, không đáng có. Lẽ nào những người đại diện ngành du lịch lại phải tiếp tục xin lỗi và... xin lỗi. Liệu lời xin lỗi có được hơn 80% du khách một đi không trở lại kia chấp nhận? Có lẽ họ cần nhất là những thay đổi có thể gạn đục ngành du lịch vốn đã ít nhiều đánh mất uy tín.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên