26/06/2022 09:09 GMT+7

Du lịch biển đừng 'giẫm đạp' cảnh quan

MINH CHIẾN
MINH CHIẾN

TTO - Sau một mùa hè ai 'ở đâu yên đó' năm 2021, đến lúc này, ghi nhận ở nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng cho mùa du lịch hè năm nay đang rất sôi động. Nhưng câu chuyện thời sự san hô tại Nha Trang chết hàng loạt vừa qua đang mọi người giật mình...

Du lịch biển đừng giẫm đạp cảnh quan - Ảnh 1.

Hệ sinh thái rạn san hô tại vịnh Nha Trang bị suy giảm nghiêm trọng - Ảnh: MAI KHA

Làm sao để du lịch biển bùng nổ nhưng không 'giẫm đạp' cảnh quan? Vấn đề này phải được "thấm" từ cách quản lý đến doanh nghiệp làm du lịch, du khách.

Du lịch biển là xu thế hiện nay nhưng bản thân các cơ quan chức năng và doanh nghiệp được giao mặt nước biển, bờ biển làm dịch vụ du lịch cần ý thức sâu sắc và có biện pháp bảo vệ nguồn lợi, chính xác là nguồn thu nhập khổng lồ dưới đáy biển của chính mình.

Tiến sĩ VÕ SĨ TUẤN

San hô chết không chỉ ở Nha Trang

Mới đây, Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa ra kết luận về việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun (Nha Trang), chỉ ra các nguyên nhân và đề nghị các giải pháp phục hồi. 

Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vịnh Nha Trang, đặc biệt tại khu vực Hòn Mun. Khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái của vịnh Nha Trang.

Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, chuyên gia cao cấp Viện Hải dương học, cho biết các rạn san hô tuy chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương nhưng lại có tới 25% số sinh vật biển sống ở đó, nhiều đến mức người ta thường ví những rạn san hô như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển.

Hiện một số vùng rạn san hô đang ở mức báo động như vùng Hạ Long - Cát Bà bị ảnh hưởng bùn hóa, vùng rạn san hô ở Cô Tô (Quảng Ninh) có độ che phủ thấp, nhiều nơi trắng xóa và hầu như không có khả năng tự tái sinh; vùng Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nha Trang (Khánh Hòa) độ phủ san hô giảm rất nhiều. 

Đặc biệt đa dạng loài trong các vùng rạn san hô tại Việt Nam hiện nay đều bị tác động cá ít đi, sinh vật ít đi.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Tuấn cho rằng việc phát triển kinh tế vùng ven biển ồ ạt đã tác động càng ngày càng lớn lên các vùng rạn san hô, trong đó việc xây dựng, phá rừng làm gia tăng lượng vật chất lơ lửng trong nước. 

Nước thải từ các vùng ven biển, từ thành phố, các trang trại... có thể khiến rong tảo sinh sôi quá nhanh, lấn át các rạn san hô. Nạn phá rừng cũng làm xói mòn đất, nước mang đất ra biển và tạo thành trầm tích bao phủ lên các rạn san hô.

Thứ đến, ý thức của các doanh nghiệp hoạt động trên biển theo hướng "ăn xổi ở thì", chỉ biết khai thác mà không đóng góp cho công tác bảo tồn. Đặc biệt việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả nên việc khai thác sinh vật rạn san hô và san hô vẫn diễn ra bất hợp lý ở nhiều nơi được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc san hô chết hàng loạt.

Du lịch biển đừng giẫm đạp cảnh quan - Ảnh 3.

Du khách lặn biển ở Ocean World Phú Quốc đều có hướng dẫn viên đi kèm hướng dẫn chụp ảnh, không sờ đến san hô - Ảnh: C.CÔNG

Khai thác du lịch hay để san hô tự chữa lành?

Theo ông Tuấn, do thay đổi chất lượng môi trường khiến số lượng sao biển gai ăn san hô gia tăng, trong đó bùng nổ vào các năm như 2004 - 2005, 2019 - 2020. Tự nhiên thì luôn có cách cân bằng, "thiên địch" của sao biển gai là ốc tù và những loại ốc này lại bị nhiều nơi đánh bắt ồ ạt làm đồ mỹ nghệ.

Ông Tuấn cho rằng việc khai thác du lịch ở các vùng rạn san hô như thế nào cho hợp lý điều đó thuộc về cơ quan quản lý. Tuy nhiên, để một rạn san hô bị suy thoái phục hồi cần có 2 yếu tố, đầu tiên là thiên nhiên. 

Cụ thể địa điểm đó có thuận lợi có nguồn ấu trùng để san hô phát triển hay không. Tiếp đến, tác động của con người đến chất lượng môi trường ở khu vực đó tốt hay xấu. Nếu một nền đáy đầy trầm tích, rác thải thì san hô khó mà phục hồi, phát triển.

"Trong một năm san hô cành có thể phát triển 5-10cm, san hô khối có thể phát triển từ 1-2cm và tái sinh trên nền rạn san hô chết. Nhưng để hình thành nên một rạn san hô phải mất rất nhiều năm", ông Tuấn chia sẻ. 

Tuy vậy ông Tuấn chia sẻ thêm các nhà khoa học đang thực hiện việc phục hồi san hô trên các rạn có sẵn bị suy thoái và có thể sử dụng các giá thể nhân tạo. Tuy nhiên việc phục hồi nhân tạo bằng các kỹ thuật là việc cực kỳ vất vả và tốn kém. 

"Cái chính là giữ được môi trường, giảm thiểu tác động có hại san hô sẽ tái tạo tự nhiên và đây là con đường phục hồi tốt nhất", ông Tuấn khẳng định.

Ông Huỳnh Bình Thái, trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết sau khi có kết luận của Tỉnh ủy, ban quản lý sẽ đánh giá sơ bộ, phân vùng lại, nhất là ở khu vực Hòn Mun về tình hình san hô chết. Sau đó sẽ phải chờ kết luận của UBND tỉnh, TP Nha Trang rồi mới quyết định xem có đóng cửa một số điểm lặn ngắm san hô hay không khi những điểm lặn này gắn với lợi ích kinh tế và là điểm du lịch có tiếng.

"Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng dự định đề xuất không chỉ hoạt động lặn biển, các hoạt động khác như chèo thuyền thúng, đi tàu đáy kính ngắm san hô cũng sẽ được tạm dừng. Đồng thời lên phương án khai thác du lịch theo hướng xen kẽ, ví dụ như chỉ tổ chức tour du lịch 1 - 2 lần/tháng để san hô nghỉ và phục hồi", ông Thái nói.

Ông Thái cho biết thêm hiện dự án lắp camera ẩn quanh đảo Hòn Mun để theo dõi hoạt động của khu vực này đang gặp khó do thiếu kinh phí. Nếu được triển khai, ban quản lý cũng sẽ trang bị thêm camera lặn dưới nước thay thế sức người để đánh giá sự phát triển của san hô, các loài địch hại hằng tuần, hằng tháng.

Khai thác phải có trách nhiệm giữ gìn

Ông Tuấn nêu ví dụ: Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là mô hình thực tiễn rất sinh động cho thấy sự quan tâm của tỉnh, với các quy định hợp lý và giao quyền cho Ban quản lý khu bảo tồn biển rất rõ ràng. Hằng năm, nguồn tài chính cho việc bảo tồn biển được bảo đảm.

Người dân ở trên đảo thấy được lợi ích lâu dài, đồng thuận và cùng thực hiện nghiêm túc. Cả người dân và ban quản lý đều được hưởng lợi từ các hoạt động dịch vụ du lịch mang lại.

Trước đây Viện Hải dương học đã có đề nghị với UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng mô hình "Doanh nghiệp tham gia phục hồi rạn san hô và khai thác du lịch" nhưng vẫn chưa thể triển khai. Trong đó Ban quản lý vịnh Nha Trang có trách nhiệm bảo vệ vùng lõi Hòn Mun, các vùng còn lại của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang như đảo Trí Nguyên, Hòn Tằm, Hòn Tre... thì doanh nghiệp tự phục hồi, nuôi nguồn giống quản lý và khai thác du lịch.

Các đơn vị được phép khai thác dịch vụ ở khu bảo tồn biển, vườn quốc gia, hằng năm phải trích ra 20-30% hoặc 50% lợi nhuận thu được để tái đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường.

"Nhiều nước trên thế giới đã làm mô hình này khi nhà nước không đủ lực để giữ hết được. Việc gắn nhiệm vụ bảo tồn biển lên từng nhóm như vậy sẽ hiệu quả. Vấn đề là phải có người làm và điều phối", ông Tuấn nói.

Ngày nào cũng dọn rác dưới biển

Tại Phú Quốc (Kiên Giang) hiện có đến hơn 260 loài san hô được phân bố rộng và có mặt hầu hết ở xung quanh triền đảo. Trước đây cũng có tình trạng san hô chết nhiều. Tuy nhiên, qua thời gian gìn giữ, bảo tồn, đến nay tình hình đã khả quan hơn.

Trong đó có việc Vườn quốc gia Phú Quốc thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên những vùng biển có san hô sinh sống, ươm trồng san hô dưới biển dù rất vất vả khi có một số loài san hô cành phải mất khoảng 3 năm để có thể sống và phát triển tốt.

Đặc biệt, lực lượng ở Vườn quốc gia Phú Quốc còn thuê thợ lặn làm vệ sinh dưới biển, hằng năm vệ sinh vùng biển có san hô sống khoảng 2 lần (mỗi lần 10 ngày), trả lại môi trường sạch giúp cho san hô phát triển... bên cạnh việc kiểm tra và xử lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống và các hoạt động tổ chức đưa đón khách tham quan du lịch trái phép trong khu bảo tồn biển.

Về phía các đơn vị khai thác mô hình trải nghiệm lặn, đi bộ dưới biển, ngắm san hô, ông Nguyễn Huy Hân - tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Asian Phú Quốc - cho rằng với người làm sản phẩm du lịch lặn ngắm san hô dưới biển, san hô càng đẹp khách càng đến mê thích ngắm nhìn.

SAN HO 5

Vườn quốc gia Phú Quốc mỗi năm có đội ngũ lặn 2 lần (mỗi lần 10 ngày) gỡ rác, lưới gìn giữ, bảo tồn san hô ở đảo ngọc - Ảnh: D.KHÁNH

Ông Hân cho rằng việc san hô dưới biển chết có nhiều nguyên nhân khác nhau như có sự tác động khi xây dựng đất đá trên đảo rớt xuống, gây xâm lấn, làm chết các rạn san hô dưới biển. Ngoài ra, do nhiệt độ môi trường, mưa bão và ghe cào đánh bắt cá ở ngoài biển cũng có thể làm ảnh hưởng đến san hô bị gãy đổ nát... Sau đó, san hô chết gây mất cân bằng sinh thái dưới biển.

Để duy trì được cảnh quan đó, anh Nguyễn Hà Triều - trưởng phòng Sea World Namaste Phú Quốc - cho hay khi mở dịch vụ lặn biển hằng ngày, khoảng 10 nhân viên sẽ lặn xuống biển có khu vực san hô sống vệ sinh rác thải sinh hoạt 30 - 45 phút. Du khách cũng thường xuyên được nhắc nhở bỏ rác, đặc biệt chai nhựa, bọc nilông đúng nơi quy định.

Ở một số điểm, đơn vị còn bao lưới xung quanh để không cho người đánh bắt thủy hải sản vào làm ảnh hưởng đến sức sống của cây san hô.

Lặn biển khách không sờ đụng vào san hô

Anh Nguyễn Văn Long - du khách ở TP.HCM - cho biết trải nghiệm đi bộ dưới biển rất thú vị. Dưới biển, anh Long được các anh hướng dẫn viên hướng dẫn đi dưới cát, chụp ảnh dưới biển, cho cá ăn, ngắm san hô và nghiêm cấm mọi hành vi sờ đụng đến san hô.

C.CÔNG - D.KHÁNH

Xử lý nghiêm các trường hợp giẫm đạp rạn san hô tại danh thắng Hòn Yến Xử lý nghiêm các trường hợp giẫm đạp rạn san hô tại danh thắng Hòn Yến

TTO - UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu UBND huyện Tuy An phối hợp ngành chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp hiệu quả để bảo vệ, bảo tồn di tích danh thắng, xử lý nghiêm các trường hợp giẫm đạp lên rạn san hô ở Hòn Yến.

MINH CHIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên