Ở nước ta, từng có nhiều liên hoan, hòa nhạc lẫn sự kiện âm nhạc cổ điển được tổ chức, có cả sự kiện gắn tên là lễ hội. Tuy nhiên, một lễ hội âm nhạc cổ điển đúng nghĩa thì đây là lần đầu tiên. Một lễ hội âm nhạc cổ điển hiểu nôm na là ngoài chuỗi hòa nhạc, trong khuôn khổ sự kiện còn có những hoạt động bên lề như hội thảo chuyên đề, trưng bày, các chương trình nghệ thuật tương tác, workshop...
Lần đầu tổ chức ở Việt Nam
Vietnam Classical Music Festival (Lễ hội âm nhạc cổ điển) là sáng kiến của Vietnam Youth Music Institute (Học viện âm nhạc VYMI) và Vietfest.
Vietfest là đơn vị tổ chức các sự kiện như lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô ở TP.HCM, tuần lễ Thiết kế Việt Nam, sắp tới là Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ nhất...
Theo khung chương trình, lễ hội sẽ diễn ra liên tục từ sáng tới tối trong bảy ngày.
Bên cạnh hòa nhạc trong nhà, còn có hòa nhạc ngoài trời cùng hội thảo Nhạc cổ điển dành cho tất cả mọi người, trò chuyện với giám tuyển, trưng bày nhạc cụ nhạc giao hưởng, chiếu tác phẩm ballet trên màn ảnh rộng, đối thoại tranh của Nguyễn Tư Nghiêm và nhạc giao hưởng phương Tây, trình diễn ánh sáng...
Ngoài các nghệ sĩ Việt Nam, lễ hội dự kiến có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế như Tim Allhoff, Liao Hsin-Chiao, Kyle Acuncius... Sự kiện dự kiến đón khoảng 20.000 - 30.000 lượt khách.
Nhạc cổ điển Việt Nam những năm qua khởi sắc từ lứa nghệ sĩ trẻ tài năng du học tại nước ngoài trở về, kéo theo đó là các chương trình đa dạng và chất lượng.
Rồi sự xuất hiện của các nhà hát và các địa điểm phi truyền thống khác (không gian ngoài trời, bảo tàng, phòng triển lãm...).
Song vẫn có những hiểu lầm rằng nhạc cổ điển chỉ dành cho người già, cho người giàu hoặc âm nhạc không lời, nhàm chán.
Giám tuyển giáo dục Phương Vũ - đại diện VYMI - thông tin trong lễ hội lần này, các chủ đề tháo gỡ định kiến với âm nhạc cổ điển, các mô hình mới mời gọi khán giả cởi mở hơn với thưởng thức nhạc cổ điển sẽ được đề cập đến.
Đặc biệt, các hội thảo chuyên đề giữa những chuyên gia về chính sách, giáo dục cũng sẽ thảo luận việc làm sao phát triển môi trường thực hành nghệ thuật năng động dành cho lứa nghệ sĩ trẻ và khán giả trẻ.
Từ đó tạo nên nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa tại nước ta nói chung và ngành âm nhạc cổ điển nói riêng.
Mới, nhiều khó khăn nhưng cũng đầy tiềm năng
Tuy nhiên, liệu một lễ hội âm nhạc cổ điển có là chiếc áo quá rộng với hiện trạng phát triển của nhạc cổ điển ở nước ta?
NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM - đơn vị tổ chức liên hoan Giai điệu mùa thu nhiều năm qua - chia sẻ với Tuổi Trẻ:
"Việt Nam tổ chức một lễ hội âm nhạc cổ điển là một sáng kiến đáng được hoan nghênh và ủng hộ. Đây là mô hình chưa có ở nước ta.
Việt Nam rất cần những mô hình dạng này để kích cầu cho sự phát triển của âm nhạc nói chung và nhạc cổ điển nói riêng, đồng thời nâng cao dân trí".
Ông Phạm Minh Toàn - đại diện Vietfest - cho rằng nhiều người yêu nhạc nói chung và nhạc cổ điển nói riêng tại Việt Nam "muốn một lễ hội như vậy từ lâu rồi".
So với một lễ hội âm nhạc thông thường hoặc nhạc nhẹ, tính thương mại của một lễ hội âm nhạc cổ điển sẽ không bằng nên ít đơn vị mặn mà tổ chức.
Theo ông Toàn, lễ hội là sự kích cầu cần thiết để nhạc cổ điển phát triển hơn.
Ngoài biểu diễn, nghệ sĩ trẻ có cơ hội giao lưu, thảo luận với những nghệ sĩ lớn cũng như "đối thoại" với nhiều hình thức nghệ thuật khác một cách tập trung để công chúng hiểu hơn vẻ đẹp của nhạc cổ điển.
Vậy Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì để phát triển mô hình lễ hội âm nhạc cổ điển?
Giám tuyển Phương Vũ chỉ ra một số hạn chế cản trở quá trình kêu gọi đầu tư mở rộng quy mô lễ hội như số lượng nhà hát tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, người Việt vẫn chưa có thói quen sẵn sàng chi trả mua vé tham dự hòa nhạc hay lễ hội...
Bên cạnh đó là những mặt thuận lợi như dân số nước ta đông và trẻ, nếu thiết kế được các mô hình mới và hấp dẫn thì mức độ tham gia là rất lớn.
Sao lại là Đà Lạt?
...Mà không phải là Hà Nội hay TP.HCM - hai nơi phát triển về nhạc cổ điển? Ngoài lý do muốn đóng góp xây dựng Đà Lạt thành thành phố âm nhạc, ông Phạm Minh Toàn chia sẻ ban tổ chức muốn thử nghiệm nghe nhạc cổ điển theo một cách khác, không phải ở những nơi quen thuộc như Hà Nội hay TP.HCM.
"Ở một thành phố du lịch mộng mơ, người ta dễ mở lòng đón các trải nghiệm mới, thoát khỏi những khuôn mẫu. Ở một địa điểm trung gian cũng có thể thu hút được nghệ sĩ mọi miền", đại diện Vietfest nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận