Tàu cá vô âu tàu Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa) tránh bão số 16 trưa 23-12 - Ảnh: ĐINH TẤT THẮNG
Sáng 23-12, dù là cuối tuần, hầu hết lãnh đạo các tỉnh miền Tây đều họp khẩn với ban, ngành để bàn kế hoạch ứng phó với bão số 16 - bão Tembin, dự báo đổ bộ vào các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ.
Thông tin từ khu vực Trường Sa - nơi đầu tiên đón bão - cho biết âu tàu Sinh Tồn đã có 7 tàu cá vào tránh bão, trong đó sáng 23-12 có 3 cái.
Lúc 19g50 ngày 23-12, trung tá Đinh Tất Thắng, chỉ huy trưởng trung tâm dịch vụ kỹ thuật âu tàu Sinh Tồn, Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân) cho biết, tối nay sẽ đưa khoảng 70 ngư dân của 7 tàu cá đang neo ở đây lên đảo. Mỗi tàu cá chỉ để 1, 2 người trực neo, bơm nước. Hiện gió ngoài đảo chỉ đang là "hiu hiu".
Trung tá Lê Xuân Nam - chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 lúc đầu giờ chiều 23-12 cho Tuổi Trẻ Online biết hiện mặt biển khu vực nhà giàn DK1 mịt mù sóng gió, tầm nhìn hạn chế, sóng lớn cấp 8, gió giựt rất mạnh.
"Cán bộ chiến sĩ chúng tôi tích cực chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng rời nhà giàn khi có lệnh. Các tàu trực tại các điểm nhà giàn đã vào nơi trú tránh an toàn", trung tá Nam cho biết.
Trong khi đó, ở các nhà giàn khu vực Ba Kè A, B, C sóng gió khá lớn. Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh - chính trị viên Tiểu đoàn DK1 - cho biết công tác chuẩn bị phương án đối phó bão số 16 đã xong.
Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thông báo đã nâng cấp báo động, duy trì nghiêm ngặt chế độ trực sẵn sàng chiến đấu 24/24. Lữ đoàn tàu săn ngầm 171, Lữ đoàn tàu pháo tên lửa 167, Trạm Radar 580 Núi lớn Vũng Tàu, 590 Côn Đảo đều đã tổ chức chằng chống nhà ở, doanh trại, kho tàng, sẵn sàng cơ động cứu hộ cứu nạn trên biển xa...
Ông Nguyễn Hữu Tám - phân đội trưởng làng chài Tốc Tan - cho biết dự kiến làng chài là tâm bão số 16 đi qua rạng sáng 24-12 nên từ chiều 23-12, tàu bè ở đây đã đi trú ẩn. Hiện cán bộ, nhân viên làng chài đã giằng buộc chắc chắn các vật trên mặt đất, sẵn sàng ứng phó với bão.
Sóng gió bão số 16 ở nhà giàn DK1/12 - Ảnh: VĂN BẢY
Lo thiếu kinh nghiệm chống bão
Tại TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch UBND TP - cho biết đã lên phương án di dời 5.000 người dân ở Cần Giờ, trong đó có 2.000 người từ xã đảo vào nơi an toàn, đồng thời bố trí ứng trực ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao.
Ở Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết ngư dân chấp hành tốt lệnh gọi vào trú tránh bão và thông tin kêu gọi tàu bè vào bờ. Địa phương cũng nhắc dân gia cố nhà cửa, tránh đi xa nếu không thật sự cần thiết.
Ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - thì cho biết đã cử cán bộ tỉnh, huyện, xã trực tiếp đến những vùng có thể bị thiệt hại nếu bão vào, chỉ đạo giúp dân gia cố nhà cửa, tính toán phương án di dời dân khẩn cấp. Quyết định cho học sinh nghỉ học cũng sẽ được cân nhắc trong chiều nay tuỳ tình hình.
12h45 trưa 23-12, ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh - cập nhật là đã liên lạc với 956 tàu thuyền đang hoạt động trên biển để thông tin trú tránh bão.
Điều ông Sử lo ngại nhất là năng lực ứng phó bão của một số cấp địa phương còn hạn chế, chỉ ít người có kinh nghiệm đối phó với bão Linda năm 1997, cũng như ý thức phòng chống chưa cao ở phần lớn người dân chưa cao.
"Bão Linda làm sập hơn 160 ngàn ngôi nhà, tức hơn một nửa tổng số nhà của Cà Mau thời điểm đó. Kinh nghiệm chằng chống nhà cửa của người dân còn hạn chế, nhiều hộ nghèo không có tiền mua thiết bị nên chúng tôi kiến nghị trích quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ", ông Sử nói.
Ông Sử khẳng định Cà Mau xác định tinh thần phòng chống như bị ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Bảo vệ vựa nông sản trước Tết
Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ NN&PTNT Nguyễn Hồng Sơn vừa báo cáo tại cuộc họp trực tuyến sáng 23-12 rằng hiện có hơn 197 ngàn ha lúa mùa chín chưa thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long, 64 ngàn ha lúa thu đông đến kỳ thu hoạch, 500 ngàn ha lúa đông xuân mới gieo sạ.
Các vườn cây ăn trái lâu năm cũng cần được chú ý chằng chống, tỉa cành để tránh gãy đổ. Diện tích rau đang trồng để cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán thì cần giải pháp tiêu thoát nước.
Tổng cục Thủy sản thì khuyến cáo người dân nuôi tôm, hải sản ở lồng bè thu hoạch hải sản nếu có thể, đặc biệt không để người ở lại trên lồng bè khi bão vào.
TS Bùi Thanh Liêm - trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, Bến Tre - cho biết "vương quốc trái cây và hoa kiểng" Chợ Lách đã lên phương án đối phó bão số 16, ướng dẫn người dân hạ giàn các giỏ hoa xuống thấp để né bão, tránh thiệt hại khi gió giật, nhất là các giỏ hoa cúc đang ra búp.
"Đối với sầu riêng, chúng tôi hướng dẫn người dân kiềng cây cẩn thận để tránh đổ. Riêng thiệt hại về trái non nếu bão quét qua là không tránh khỏi", ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Hữu Lập - phó chủ tịch UBND tỉnh - thì cho biết đã cấm tàu thuyền ra khơi từ 8h ngày 23-12, yêu cầu nhanh chóng di dân trước 12h ngày 25-12 vào các cơ sở y tế, trường học kiên cố. Dự kiến có 20.000 hộ dân được di dời trong đợt này.
Nhà máy Nhiệt điện Duyên hải Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã có phương án phòng chống bão lụt từ trước nên sẽ đưa vào áp dụng trong đợt này - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Sẵn sàng sơ tán hàng trăm ngàn người
Tiền Giang dự kiến có 117.500 người dân vùng ven biển phải di tản và sơ tán tránh bão. Tỉnh đã chỉ định 119.232 cơ quan, trường học cụ thể để bố trí làm nơi tránh trú bão. 11.400 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn thanh niên... được huy động từ sáng 23-12 để triển khai kế hoạch ứng phó bão.
Tại Trà Vinh, ông Nguyễn Hữu Phiên - giám đốc công ty Nhiệt điện Duyên hải - đã chuẩn bị phương án đối phó bão lũ. Kinh nghiệm qua 2 đợt áp thấp nhiệt đới vừa qua cho thấy khi có mưa, vấn đề xỉ than không đáng lo ngại vì xỉ ướt được nén chặt, không bị gió cuốn.
Ông Lê Tuấn Quốc - phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - thì cho biết từ 3h ngày 22-12 đã có lệnh cấm biển, đến 5h đã liên lạc được với toàn bộ tàu thuyền. 4.252 tàu đã vào bờ, 1.650 tàu hoạt động trên biển đã được hướng dẫn ra khỏi khu vực nguy hiểm, 20 tàu vào tránh bão ở Indonesia.
Tỉnh cũng đã bố trí neo đậu cho 100 tàu vận tải, đến chiều 23-12 sẽ bố trí xong cho 80 tàu còn lại.
"Chúng tôi dự kiến sơ tán 78 ngàn người dân thuộc khu vực xung yếu ở các huyện Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo. Ngoài ra, 193 tàu với 1.500 ngư dân từ Côn Đảo vào trú bão sẽ được bố trí vào các trường học. Nếu diễn biến bão không thay đổi, việc di dân sẽ thực hiện từ sáng 24-12", ông Quốc cho biết.
Mục tiêu của tỉnh là tránh tổn thất như ở Khánh Hòa trong bão số 12.
Cán bộ Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên tàu hàng ở vùng neo Vũng Tàu để tìm hiểu và vận động tàu vào nơi trú ẩn - Ảnh: CTV
Ông Trần Văn Chuyện - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết phương án sơ tán dân của tỉnh này với trên 139.000 người các khu vực ven biển như Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu...
"Tỉnh chỉ đạo chủ động bảo vệ gần 100.000ha lúa đông xuân và trên 3.500ha tôm chuẩn bị thu hoạch ở thị xã Vĩnh Châu", ông Chuyện cho biết.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận thì cho biết toàn tỉnh còn 683 tàu thuyền với 3.432 lao động còn hoạt động trên biển, đang đánh bắt xa bờ và gần bờ ven biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Tất cả các hồ chứa trên địa bàn tình cũng đang xấp xỉ mực nước dâng bình thường, 3 hồ Phan Dũng, Đá Bạc và Núi Đất đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình.
Bình Thuận đã lên phương án di dời 35.209 nhân khẩu của 35 điểm dân cư thuộc 7 địa phương khi bão đổ bộ trực tiếp.
Dự báo của Hải quân Hoa Kỳ về đường đi của bão Tembin
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận