
Du lịch là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Theo phương án được Trung ương Đảng thông qua, có 11 đơn vị cấp tỉnh được đề xuất giữ nguyên, dự kiến sáp nhập, hợp nhất 52 đơn vị cấp tỉnh để thành lập 23 đơn vị cấp tỉnh mới.
Trong đó dự kiến hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
Sáp nhập, tận dụng lợi thế của hai tỉnh để phát triển
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Chi - nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng nếu sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ tạo ra nhiều đột phá, nhiều tiềm năng phát triển và những cơ hội mà hai tỉnh này trước nay vẫn chưa có.
Theo ông Chi, hiện du lịch là thế mạnh của Khánh Hòa và Ninh Thuận có nhiều di tích lịch sử, địa danh du lịch có thể đưa khách đến tham quan, vì vậy nếu hai tỉnh sáp nhập sẽ tạo ra một làn gió mới về phát triển du lịch.
"Khánh Hòa cũng có lợi thế có những vịnh nước sâu, kín và Nha Trang là nơi có đầy đủ các điều kiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nên đây là lợi thế rất lớn cho hai tỉnh nếu sáp nhập" - ông Chi cho hay.
Hiện Ninh Thuận đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, trong khi đó Khánh Hòa đang phát triển mạnh về du lịch, vì vậy ông Chi cho rằng nếu hai tỉnh sáp nhập sẽ bổ trợ sự phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế, du lịch, hướng đến các mục tiêu quan trọng.
Về văn hóa, theo ông Chi, người dân Khánh Hòa và Ninh Thuận đều có những di tích văn hóa, lịch sử của người Chăm, vì vậy nếu hai tỉnh sáp nhập sẽ đảm bảo thuận lợi là khu vực có tiềm năng phát triển trên nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo.
2 tỉnh này sáp nhập cũng sẽ phát huy nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển những dự án điện hạt nhân, điện mặt trời.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang (đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa) đã thành hình - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Dù vậy để các tỉnh phát huy hiệu quả sau khi sáp nhập, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng phải có những chủ trương đầu tư của nhà nước, nước ngoài để tận dụng được tất cả nguồn lực vốn có.
Hạ tầng giao thông Khánh Hòa - Ninh Thuận khang trang, thúc đẩy phát triển

Cung đường ven biển nối Khánh Hòa và Ninh Thuận - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Theo ông Chi, về hạ tầng giao thông, Khánh Hòa và Ninh Thuận là hai tỉnh thành giáp ranh, ít trở ngại về đèo, núi, được kết nối bằng tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuyến quốc lộ 1, đặc biệt là tuyến đường ven biển nối hai tỉnh đã hình thành và đang phát triển.
"Hiện nhà nước đã đầu tư cao tốc, tuyến quốc lộ 1 được mở rộng và trung tâm của hai tỉnh cách nhau không xa, nên việc đi lại của các địa phương về trung tâm Nha Trang rất thuận lợi" - ông Chi chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng tuyến đường ven biển nối hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận là tuyến đường mang tính chiến lược và nhiều tiềm năng phát triển.
Tuyến đường ven biển này đi dọc các đô thị Cam Lâm, Cam Ranh, Phan Rang, mở ra một không gian phát triển du lịch, dịch vụ sầm uất, là điểm tham quan các vịnh đẹp như Cam Ranh, Vĩnh Hy, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế bên biển Bãi Dài, Bình Tiên, Ninh Chử...
"Tuyến đường chiến lược này có chiều dài bờ biển rất lớn, sẽ là cơ hội tốt nhất để khu vực này phát triển kinh tế biển gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo" - ông Tuân cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận